Đề xuất cán bộ không được hẹn gặp công dân ngoài trụ sở là góp phần ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực

Thứ sáu, 02/06/2023 14:22
(ThanhtraVietNam) - Vừa qua, dự thảo Nghị định ban hành Bộ quy tắc đạo đức công vụ đã được Bộ Nội vụ gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Dự thảo quy định 4 chuẩn mực đạo đức với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Trong đó, nêu rõ CBCCVC chỉ được tiếp cá nhân, tổ chức tại cơ quan, đơn vị, không được hẹn gặp, tiếp công dân và tổ chức ngoài giờ làm việc, ngoài cơ quan hoặc tại nhà riêng...

Mặt khác, khi giao tiếp với công dân phải nghiêm túc, lịch sự, đúng mực, ngôn ngữ chuẩn mực rõ ràng; không hạch sách, nhũng nhiễu, gây căng thẳng, bức xúc. Cần tôn trọng, lắng nghe, tận tình giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể cho người dân về quy trình, thủ tục. Kịp thời giải quyết và thông báo kết quả giải quyết theo quy định. Tôn trọng phong tục, tập quán, văn hóa của người nước ngoài.

Liên quan đến nội dung CBCCVC chỉ được tiếp cá nhân, tổ chức tại cơ quan, đơn vị, không được hẹn gặp, tiếp công dân và tổ chức ngoài giờ làm việc, ngoài cơ quan hoặc tại nhà riêng có nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng sẽ thiếu khả thi, vì thực tế hiện nay, tình trạng CBCCVC tiếp công dân ngoài trụ sở vẫn còn xảy ra như trực tiếp (hoặc gián tiếp thông qua trung gian) gặp, nhận hồ sơ, tư vấn giải quyết công việc hoặc hứa hẹn giải quyết công việc; địa điểm gặp có thể tại nhà riêng, quán cà phê hoặc quán nhậu...; việc này khó có thể kiểm soát.

Ý kiến khác cho rằng, quy định CBCCVC chỉ được tiếp cá nhân, tổ chức tại cơ quan, đơn vị, không được hẹn gặp, tiếp công dân và tổ chức ngoài giờ làm việc, ngoài cơ quan hoặc tại nhà riêng là hoàn toàn chính xác. Việc này sẽ góp phần nâng cao đạo đức, văn hóa công vụ, giữ gìn hình ảnh, uy tín cơ quan công quyền, quan trọng hơn là ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực của CBCCVC.

Có thể nói, quy định CBCCVC chỉ được tiếp cá nhân, tổ chức tại cơ quan, đơn vị, không được hẹn gặp, tiếp công dân và tổ chức ngoài giờ làm việc, ngoài cơ quan hoặc tại nhà riêng đã được quy định trong rất nhiều văn bản, trong đó có Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành; trong các chỉ đạo của chính quyền các cấp về việc chấn chỉnh, xử lý hành vi đạo đức công vụ nhưng chưa tập trung và chưa kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm. Do đó, dự thảo Nghị định ban hành Bộ quy tắc đạo đức công vụ có quy định nêu trên là cần thiết, tập trung và thống nhất, kèm theo đó là các chế tài xử lý theo đúng quy định.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa, nguồn internet 

Thực tế hiện nay, CBCCVC trong các cơ quan nhà nước, nhất là người trực tiếp tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính vẫn có trường hợp chủ động hẹn gặp riêng để giải quyết công việc với cá nhân, tổ chức ngoài trụ sở, ngoài giờ làm việc. Cũng có trường hợp cá nhân, tổ chức tự liên hệ với mục đích “đi tắt” để giải quyết nhanh chóng công việc. Trong mối quan hệ nhờ đỡ này sẽ phát sinh hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhất là “tham nhũng vặt”. Do đó, việc quy định CBCCVC không được hẹn gặp, tiếp công dân và tổ chức ngoài giờ làm việc, ngoài cơ quan hoặc tại nhà riêng là phù hợp, việc này sẽ ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực có thể xảy ra.

Tuy nhiên, quy định này cần phải hiểu đúng và không nên cho rằng sẽ ảnh hưởng đến các quyền dân sự của cá nhân có liên quan. Đây là trách nhiệm và bổn phận của CBCCVC. Ví dụ, một cá nhân có thể đến nhà CBCCVC là người có thẩm quyền giải quyết công việc để chơi và nhờ giải quyết công việc. Nếu là thăm chơi thì không có vấn đề gì, nhưng khi đặt vấn đề nhờ đỡ giải quyết công việc có liên quan đến nhiệm vụ, công vụ thì lúc này CBCCVC phải từ chối, mời cá nhân đó đến trụ sở để giải quyết công việc; không được lẫn lộn giữa nhiệm vụ, công vụ và tình cảm cá nhân. Ngoài trụ sở cơ quan hành chính thì trong mọi trường hợp, CBCCVC không được phép tiếp, trao đổi và hứa hẹn giải quyết công việc.

Bên cạnh đó, cần phải quy định cấm các trường hợp CBCCVC hẹn gặp để tư vấn hoặc làm trung gian để giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức nhưng không thuộc nhiệm vụ, công vụ được giao phụ trách trong trụ sở hoặc ngoài trụ sở cơ quan của CBCCVC.

Để quy định này đi vào cuộc sống, góp phần ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực cần thiết phải được phổ biến, quán triệt sâu rộng; không chỉ phổ biến, quán triệt cho đội ngũ CBCCVC mà còn phổ biến, quán triệt cho tất cả các cá nhân, tổ chức có liên quan, nhất là phải quy định cụ thể các chế tài xử lý một cách rõ ràng, nghiêm khắc và khuyến khích cá nhân, tổ chức tố cáo hành vi vi phạm của CBCCVC.

Khi phát hiện CBCCVC có hành vi hẹn gặp, tiếp công dân và tổ chức ngoài giờ làm việc, ngoài cơ quan hoặc tại nhà riêng thì phải xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời, cũng phải xử lý nghiêm đối với cá nhân, tổ chức có hành vi cố tình hẹn gặp CBCCVC ngoài giờ làm việc, ngoài cơ quan hoặc tại nhà riêng để nhờ vả giải quyết công việc./.

Đỗ Văn Nhân
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra