Duy trì, thành lập Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thứ hai, 10/07/2023 15:13
(ThanhtraVietNam) - Từ thực tế hiệu quả hoạt động của lực lượng Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) trong những năm qua; từ kết quả công tác đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực TT&TT tại địa phương, Bộ TT&TT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương duy trì, thành lập Thanh tra Sở TT&TT tại địa phương mình.

Trong những năm qua, cùng với sự nỗ lực chung của toàn Ngành, Thanh tra Sở TT&TT đã phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Bộ và các cơ quan quản lý chuyên ngành của Bộ TT&TT thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình. Đặc biệt, đã cố gắng, tích cực, chủ động phát hiện và xử lý nghiêm minh, kiên quyết đối với nhiều hành vi vi phạm mang tính chất, yếu tố phức tạp, đặc thù kỹ thuật cao và đòi hỏi phải xử lý nhanh, kịp thời để tránh tác động xấu, gây hoang mang trong dư luận xã hội, như: Đấu tranh, xử lý các đối tượng lợi dụng phát tán tin nhắn rác, tin nhắn giả mạo, lừa đảo; sách, xuất bản phẩm vi phạm pháp luật, có ảnh hưởng xấu tới thuần phong mỹ tục dân tộc, an ninh trật tự xã hội; các hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân...

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TT&TT tại địa phương, đồng thời bảo đảm thực hiện kịp thời các quy định của Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra, mới đây, Bộ TT&TT đã có Văn bản số 2393/BTTTT-TTra gửi Chủ tịch UBND và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ TT&TT nhấn mạnh, Sở TT&TT là cơ quan tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông với phạm vi quản lý rộng, phát triển rất nhanh, có tính chuyên môn sâu, yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp, bao gồm các lĩnh vực: Chuyển đổi số, bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, báo chí, xuất bản, in, phát hành, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở; công nghiệp công nghệ thông tin; ứng dụng công nghệ thông tin; an toàn thông tin mạng, giao dịch điện tử.

leftcenterrightdel
Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng làm việc với 3 trường hợp đăng tải, bình luận thông tin liên quan tới dịch Covid-19 sai sự thật. (Ảnh minh họa, nguồn: baolamdong.vn) 

Các lĩnh vực trên có tác động trực tiếp hàng ngày, hàng giờ đến đời sống, tư tưởng của toàn thể tầng lớp nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, là lực lượng quan trọng tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội tại địa phương. Do đó, Bộ TT&TT cho rằng, việc thành lập và duy trì Thanh tra Sở TT&TT là rất cần thiết và phù hợp với quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 26 Luật Thanh tra 2022.

Theo Bộ TT&TT, trường hợp Thanh tra Sở TT&TT không được tiếp tục duy trì tổ chức có thể dẫn đến một số khó khăn, vướng mắc đối với công tác đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm tại địa phương. Đặc biệt là hành vi lợi dụng mạng để lừa đảo, đăng tải thông tin sai sự thật về tổ chức, cá nhân không được xử lý kịp thời sẽ khiến cho thông tin lan tỏa nhanh, phát tán rộng gây hoang mang dư luận tại địa phương và trên cả nước (nhất là trong các tình huống cấp bách như thiên tai, dịch bệnh,...) và có thể làm tăng nguy cơ bỏ lọt các hành vi vi phạm gây mất trật tự, an toàn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp và an ninh, quốc phòng.

Ngày 14/11/2022, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Luật Thanh tra số 11/2022/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2023. Trong đó, điểm c khoản 2 Điều 27 quy định Thanh tra sở được thành lập trong trường hợp: “Tại sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao”.

Với những căn cứ pháp lý và thực tiễn nêu trên, Bộ TT&TT đề nghị Chủ tịch UBND và các Ủy viên UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, xem xét việc tiếp tục duy trì, thành lập Thanh tra TT&TT theo quy định của pháp luật để góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại địa phương.

 Điều 27 Luật Thanh tra 2022 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra sở, như sau:

1. Trong lĩnh vực thanh tra, Thanh tra sở giúp Giám đốc sở tiến hành thanh tra và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của Thanh tra sở, báo cáo Giám đốc sở xem xét, quyết định trước khi gửi Thanh tra tỉnh tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của tỉnh;

b) Tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra của Thanh tra sở trong kế hoạch thanh tra của tỉnh; thanh tra hành chính đối với đơn vị, cá nhân thuộc sở; thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi mà sở được giao tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước;

c) Thanh tra vụ việc khác do Giám đốc sở giao;

d) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Thanh tra sở và quyết định xử lý về thanh tra của Giám đốc sở;

đ) Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra.

2. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

3. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.


Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra