Giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật

Thứ tư, 28/08/2024 16:12
(ThanhtraVietNam) - Quy định 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị đặt nền móng cho việc kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật. Đây là bước tiến quan trọng để bảo đảm minh bạch, công bằng và nâng cao hiệu quả lập pháp.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật theo chủ trương, đường lối của Đảng, ngày 27 tháng 6 năm 2024, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 178-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật (sau đây gọi là Quy định 178).

leftcenterrightdel
 

Một số nội dung cơ bản của Quy định số 178

Quy định này có phạm vi điều chỉnh về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật và được áp dụng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Quy định gồm 04 chương và 18 điều, có nội dung chính quy định về nguyên tắc, phương thức, nội dung, trách nhiệm kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Cụ thể như sau:

Về nguyên tắc, phương thức kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật

Thứ nhất, trên cơ sở các chủ trương, quan điểm của Đảng được nêu trong văn kiện Đại hội XIII, Nghị quyết 27/NQ-TW và các văn bản khác có liên quan của Đảng, Quy định đã đề ra 05 nguyên tắc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật như sau: (1) Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng; (2) Kết hợp đồng bộ, chặt chẽ các cơ chế, biện pháp kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật, chủ động phòng ngừa là chính; kịp thời phát hiện ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm; bảo vệ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; (3) Đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức; (4) Bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật; không làm cản trở sự chủ động, sáng tạo, công khai, minh bạch, dân chủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi trong công tác xây dựng pháp luật; (5) Bảo đảm sự giám sát, phản biện, tham gia xây dựng pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan báo chí, tổ chức xã hội khác và nhân dân theo quy định.

Thứ hai, cơ chế kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật bao gồm cơ chế kiểm soát quyền lực từ các cơ quan có thẩm quyền của Đảng đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật; giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trong nội bộ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; từ Mặt trận Tổ quốc, nhân dân, báo chí đối với các cơ quan có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật.

Nội dung, trách nhiệm kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật

Để bảo đảm tính hiệu quả trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác này, Quy định đã làm rõ các khái niệm và các nhóm hành vi cụ thể về tham nhũng, lợi ích nhóm, cục bộ, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; đồng thời quy định rõ về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật:

Thứ nhất, các khái niệm tham nhũng, lợi ích nhóm, cục bộ, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật đã được quy định bảo đảm phù hợp với yêu cầu phòng, chống các hành vi này xảy ra trên thực tế theo đúng các quy định của Đảng; đồng thời bảo đảm phù hợp với đặc thù của hoạt động xây dựng pháp luật là hoạt động sáng tạo được thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch bao gồm nhiều bước, nhiều công đoạn với nhiều chủ thể tham gia; đáp ứng yêu cầu bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Thứ hai, quy định về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, của cá nhân, tổ chức khác trong công tác xây dựng pháp luật. Trong đó, đã xác định cụ thể trách nhiệm của từng chủ thể trong công tác xây dựng pháp luật nhằm kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Thứ ba, để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật, Quy định xác định trách nhiệm xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng về nội dung văn bản quy phạm pháp luật.

Về xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trường hợp đã xử lý kỷ luật, nhưng xét thấy cần thiết thì cấp có thẩm quyền phải kiên quyết điều chuyển người vi phạm khỏi vị trí công tác đang đảm nhiệm, thay thế, cho thôi giữ chức, miễn nhiệm, từ chức, không bố trí công tác liên quan đến hoạt động xây dựng pháp luật.

Đối với việc xử lý trách nhiệm khi để xảy ra hành vi vi phạm tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, Quy định đã phân biệt rõ việc xử lý đối với tổ chức và đối với lãnh đạo cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi vi phạm tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, trường hợp loại trừ trách nhiệm, miễn hoặc giảm trách nhiệm đối với lãnh đạo cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật

Để triển khai Quy định số 178, nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật, trong thời gian tới Chính phủ cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Xây dựng Kế hoạch của Ban cán sự đảng Chính phủ để triển khai Quy định số 178, trong đó nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, công việc phải thực hiện và tiến độ xây dựng công việc.

Đẩy mạnh truyền thông, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu sắc, thực chất Quy định số 178 để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhận thức đúng, đầy đủ các nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của Quy định số 178 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy định số 178.

Rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác xây dựng pháp luật; quy phạm hóa các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; hoàn thiện các quy định về bảo đảm nguồn nhân lực, nguồn kinh phí và cơ sở vật chất cho công tác xây dựng pháp luật trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thống nhất với nội dung của Quy định số 178.

Nâng cao chất lượng công tác định hướng xây dựng pháp luật, lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; triển khai hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Phát huy vai trò góp ý, thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tổ chức soạn thảo, thẩm định, góp ý đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chặt chẽ, đúng quy định; kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng công tác góp ý, thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm kiểm soát quyền lực và nhằm phát hiện, ngăn ngừa nguy cơ tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong văn bản quy phạm pháp luật gắn với các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Quy định số 178 để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ.

Thường xuyên rà soát, hệ thống hóa  pháp luật nhằm phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong dự báo, phân tích chính sách, soạn thảo, góp ý, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; thiết lập cơ chế phản hồi thông tin, phản ứng chính sách bảo đảm kịp thời, chính xác.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy pháp chế bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương; nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật. Nghiên cứu cơ chế thích hợp bảo đảm và tăng cường nguồn lực đầu tư, đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng hiệu quả kinh phí xây dựng pháp luật./.

Hồng Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra