Hạn chế, bất cập và kiến nghị trong thực hiện kết luận thanh tra

Thứ tư, 28/08/2024 14:01
(ThanhtraVietNam) – Mặc dù Luật Thanh tra năm 2022 đã có những quy định cụ thể tuy nhiên trong thực tế vẫn còn nhiều hạn chế trong thực hiện và tác giả đã đưa ra những kiến nghị giải pháp nâng cao chất lượng việc thực hiện kết luận thanh tra.

Phát triển nhân lực xây dựng pháp luật: Bước tiến chiến lược đến năm 2030

Những  hạn chế trong thực hiện kết luận thanh tra

Hạn chế đầu tiên phải kể tới là hiện nay có nhiều kết luận thanh tra hợp mang nhưng tính hợp lý, khả thi lại chưa cao, dẫn tới tình tình trạng kết luận thanh tra được ban hành nhưng không thể thực hiện toàn diện. Một số kết luận thanh tra phát hiện nhiều chủ thể với các sai phạm có giá trị lớn, trong thời gian dài, việc khắc phục và xử lý gặp nhiều khó khăn nếu như không có sự  rà soát, đánh giá và kiến nghị xử lý một cách chỉn chu, thấu đáo. Nhiều nội dung kiến nghị của kết luận thanh tra chưa bám sát tính thực tiễn, tính pháp lý chưa đầy đủ và thuyết phục. Chẳng hạn, một số kiến nghị thu hồi kinh tế không có tính khả thi trong trường hợp đối tượng thực hiện đã bỏ trốn, phá sản, chết hoặc mất tích…

Thứ hai, về việc chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kết luận thanh tra vẫn còn hạn chế xuất phát từ một số nguyên nhân như: (i) Quyền hạn và hiệu lực thanh tra còn hạn chế. Các cơ quan Thanh tra ở địa phương chỉ được quyền kiến nghị nên tính hiệu quả không cao, việc thực hiện các kết luận thanh tra chủ yếu phụ thuộc vào Thủ trưởng cơ quan quản lý và ý thức chấp hành của đối tượng thanh tra. (ii) Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước tại một số ngành và địa phương chưa quan tâm đến việc chỉ đạo các kết luận thanh tra có thể do quy định của Luật Thanh tra về trách nhiệm chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước là một quy định mới, cần có thêm thời gian để “ngấm dần” vào công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, cũng có những vụ việc đã thanh tra, kết luận rõ ràng nhưng việc chỉ đạo thực hiện vẫn bị chậm trễ trong đó có việc xử lý sai phạm, xử lý cán bộ, thu hồi kinh tế…; chưa tiến hành kiểm tra và áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; chưa khắc phục kịp thời sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý;

Thứ ba, về việc thực hiện kết luận thanh tra, kể cả khi các kiến nghị trong kết luận thanh tra đã được xem xét kỹ lưỡng và công tác chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra được quan tâm thì trên thực tế, vẫn có những trường hợp thực hiện kết luận thanh tra không hiệu quả xuất phát từ nguyên nhân những sai phạm đã xảy ra trong một thời gian dài, sai phạm phần nhiều thuộc về cơ quan quản lý nhà nước trong thời kỳ cũ; nếu thực hiện thì ảnh hưởng đến lợi ích, tài sản của người dân hoặc không có kinh phí để thực hiện do bồi thường lớn. Một khó khăn nữa là sự phối hợp của các cơ quan chức năng như thanh tra, kiểm tra, thuế, ngân hàng, công an trong việc đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra còn chưa được chặt chẽ và đồng bộ.

leftcenterrightdel
Hoạt động đoàn thanh tra cần tuân thủ nghiêm quy định của Luật Thanh tra để phát huy hiệu quả quản lý nhà nước.

Thứ tư, về thái độ của đối tượng thanh tra, đối tượng thanh tra là người chịu trách nhiệm chính trọng việc thực hiện quyết định thanh tra nhưng thực tiễn cho thấy, một số đối tượng thanh tra chưa thực hiện nghiêm túc kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra thể hiện qua sự chậm trễ trong thực hiện và báo cáo hoặc thực hiện mang tính hình thức; cá biệt có đối tượng chây ỳ, cố tình không thực hiện. Nguyên nhân của tồn tại này trước hết là do nhận thức chưa đầy đủ và trách nhiệm chưa cao của đối tượng thanh tra, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện kết luận thanh tra.

Thứ năm, về xử lý hành vi vi phạm, Luật Thanh tra năm 2022 đã đề cập đến trách nhiệm của đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra trong việc thực hiện kết luận thanh tra, tuy nhiên, các quy định này mới dừng lại ở các nguyên tắc, chưa được thể hiện đầy đủ.

Chưa có quy định xử phạt vi phạm hành chính cụ thể áp dụng với các đối tượng thanh tra và các tổ chức, cá nhân có liên quan khi không thực hiện kết luận thanh tra hoặc chậm thực hiện chưa có; các biện pháp cưỡng chế thực hiện kết luận thanh tra cũng chưa rõ ràng.

Bên cạnh đó, quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức, viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức có thời hiệu là 24 tháng, do vậy nhiều trường hợp có vi phạm nhưng thời gian xảy ra hành vi vi phạm quá thời hiệu nên không xem xét kỷ luật được.

Việc thiếu các chế tài, nhất là khi xử lý các hành vi chống đối, chây ỳ, cản trở, không thực hiện kết luận thanh tra dẫn đến kỷ cương trong việc thực hiện kết luận thanh tra nói riêng, trong hoạt động thanh tra nói chung không được đảm bảo, thậm chí giảm sút. 

Kiến nghị giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện kết luận thanh tra

Đầu tiên, nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của thực hiện kết luận thanh tra, thực hiện kết luận thanh tra là khâu cuối cùng trong chu trình của một cuộc thanh tra nhưng cũng là khâu quan trọng đối với công tác thanh tra. Một cuộc thanh tra có chuẩn bị, tiến hành và kết thúc tốt tới đâu nhưng khâu triển khai thực hiện kết luận thanh tra không được chú trọng thì cuộc thanh tra đó không đảm bảo mục tiêu cụ thể cũng không đạt được mục tiêu phục vụ quản lý nhà nước. Để nâng cao hiệu qủa thực hiện kết luận thanh tra, việc đầu tiên cần phải làm là tất cả các chủ thể có trách nhiệm trong thực hiện kết luận thanh tra phải nhận thức đúng đắn, đầy đủ và chính xác về tầm quan trọng của việc thực hiện kết luận về thanh tra và các quy định của pháp luật liên quan đến công việc này. Khi tư duy đúng đắn, tất cả các công việc của từng chủ thể sẽ được lên kế hoạch, có biện pháp và phương án thực hiện thiết thực, không còn mang tính hình thức, qua loa.

leftcenterrightdel

Chất lượng các kết luận thanh tra được nâng cao là điều cấp thiết.

Hai là nâng cao chất lượng của các kết luận thanh tra. Những nội dung nêu trong kết luận thanh tra không phải chỉ là sự rút gọn (giảm bớt số trang) của báo cáo kết quả thanh tra một cách đơn giản, thuần túy mà kết luận thanh tra phải phản ánh đầy đủ, toàn diện các nội dung đã thanh tra kèm theo là việc phân tích, đánh giá, xác định trách nhiệm. Những vấn đề mà kết luận thanh tra đề cập đến có ý nghĩa pháp lý, ý nghĩa kinh tế - xã hội rất lớn đối với đối tượng thanh tra, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan. Kết luận thanh tra phải có chiều sâu, đánh giá một cách khách quan, trung thực về tình hình thực thi chính sách, pháp luật của đối tượng thanh tra, nội dung của kết luận thanh tra cũng cần phải quán triệt sâu sắc mục đích của hoạt động thanh tra. Khi xây dựng dự thảo kết luận thanh tra phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau: (i) đúng thể thức văn bản, ngắn gọn, dễ hiểu; (ii) bảo đảm nội dung trong quyết định thanh tra; (iii) nội dung kết luận thanh tra phải chặt chẽ, rõ ràng, phản ánh, đánh giá tình hình một cách khách quan, trung thực; (iv) các kiến nghị cần phải nêu rõ ràng, gắn với trách nhiệm của các chủ thể cụ thể, phù hợp các quy định của pháp luật nhưng cũng phải đảm bảo tính khả thi và hợp lý...

Ba là về việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm cơ quan thanh tra và cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần chủ động đôn đốc, theo dõi việc thực hiện kết luận thanh tra thông qua việc bố trí nhân sự theo dõi, đôn đốc thường xuyên với phương châm theo dõi đốc là giúp đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp của đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện kết luận thanh tra một cách hiệu quả, chính xác hơn. Việc đôn đốc, theo dõi không nên mang nặng tính dọa nạt gây áp lực cho đối tượng thanh tra mà cần mềm dẻo để tạo điều kiện cho đối tượng thanh tra tiếp tục duy trì hoạt động bình thường, phát triển sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên cũng không được theo dõi, đôn đốc một cách hời hợt, chiếu lệ cho đủ thủ tục mà cần tìm ra các giải pháp hữu hiệu.

Bốn là thay đổi thái độ của đối tượng thanh tra. Xuất phát từ trình độ chênh lệch của đối tượng thanh tra nên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho mọi đối tượng cùng một hình thức là không hiệu quả. Bản thân đối tượng thanh tra cũng chưa chủ động tìm hiểu các kiến thức pháp luật, các quy định thực tế thanh tra nói chung, thực hiện kết luận thanh tra nói riêng còn mông lung chưa đầy đủ, sâu sắc. Truyền thông, phổ biến pháp luật về thanh tra cần được đổi mới hình thức như: tuyên truyền trực tiếp trong giai đoạn tiến hành thanh tra, truyền thông trên các trang thông tin điện tử một cách công khai và dễ tiếp cận, bố trí nhân sự sẵn sàng tư vấn, giải thích pháp luật cho đối tượng thanh tra khi gặp những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện kết luận thanh tra.

Năm là hoàn thiện pháp luật về xử lý hành vi vi phạm trong thực hiện kết luận thanh tra. Các chế tài chưa bao giờ là một phương án thiếu hiệu quả để xử lý đối với hành vi vi phạm trong mọi lĩnh vực, ngoài ra các chế tài còn giúp răn đe, hạn chế các hành vi vi phạm, Khi có các chế tài, các chủ thể sẽ hạn chế sự “buông thả” của mình và thực hiện các công việc một cách “khuôn phép”, đúng luật hơn. Pháp luật về thanh tra cần hoàn thiện các quy định về xử lý hành chính đối với những hành vi vi phạm việc thực hiện kết luận thanh tra cụ thể như ban hành các quy định xử phạt vi phạm hành chính áp dụng với các đối tượng thanh tra và các tổ chức, cá nhân có liên quan khi không thực hiện hoặc chậm thực hiện kết luận thanh tra; đồng thời quy định các biện pháp cưỡng chế thực hiện kết luận thanh tra; quy định cụ thể về xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức, viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức khi có hành vi vi phạm về thực hiện kết luận thanh tra. 
TS. Lê Thanh Thủy – Phó trưởng Khoa Nghiệp vụ Thanh tra - Trường Cán bộ Thanh tra
ThS. Nguyễn Mai Anh – Giảng viên Khoa Nghiệp vụ Thanh tra - Trường Cán bộ Thanh tra

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra