Tại Kỳ họp thứ 8, trong ngày 4/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
|
|
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn |
Dự báo Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 10 nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu thế giới
Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyết sách của Quốc hội, sự điều hành năng động, sáng tạo, sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, dự kiến cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, tăng trưởng GDP ước đạt 6,8 - 7%, thu ngân sách nhà nước ước tăng trên 10%.
“Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao nhờ sự phát triển bền vững và năng lực điều hành linh hoạt của Chính phủ, dự báo Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 10 nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu thế giới, khẳng định vai trò nổi bật của Việt Nam trong khu vực và trên quốc tế”, đại biểu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh.
Theo đại biểu, trong những tháng cuối năm, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã chịu thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 3 và số 6, Chính phủ đã nhanh chóng chỉ đạo công tác phòng, tránh, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ có những cơ chế, chính sách đặc thù, tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm giúp các địa phương, người dân khôi phục sinh kế, ổn định cuộc sống và tái thiết vùng bị ảnh hưởng, đảm bảo tăng trưởng.
Đại biểu Yến cũng cho biết thêm, thời gian qua, Chính phủ không chỉ ban hành và chỉ đạo khắc phục nợ đọng văn bản, chuẩn bị nhiều dự thảo luật trình Quốc hội, trong đó có một số luật thông qua theo thủ tục một kỳ họp, nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn”, tạo khung pháp lý vững chắc để điều hành, quản lý kinh tế - xã hội một cách toàn diện. Để đảm bảo thực thi hiệu quả, đại biểu đề nghị sớm ban hành các văn bản còn nợ đọng và kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật để thực hiện đồng bộ khi Luật có hiệu lực; tập trung tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật.
Đại biểu Bế Minh Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng thì quan tâm đến những thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra, nhất là ảnh hưởng của cơn bão số 3, gây thiệt hại rất lớn đối với các địa phương ven biển nhất là tại các tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng, kèm theo là mưa lớn kéo dài trên diện rộng hầu hết tại khu vực Bắc Bộ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng tài sản của Nhân dân và nhà nước.
Riêng các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Cao Bằng là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra cả về người, tài sản, hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế; cơn bão số 3 đã cướp đi sinh mạng 57 người tại tỉnh Cao Bằng và gây thiệt hại cho Cao Bằng khoảng 1.000 tỷ đồng.
Thay mặt cho cử tri, Nhân dân và các gia đình thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra tại Cao Bằng xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và các địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm ở trong và ngoài nước đã ủng hộ hỗ trợ giúp đỡ cả vật chất và tinh thần cho Nhân dân Cao Bằng. Sự hỗ trợ cùng những món quà kịp thời và đầy ý nghĩa đã giúp Nhân dân Cao Bằng từng bước khắc phục khó khăn, ổn định đời sống.
Đại biểu cho biết, thiệt hại cơn bão số 3 hết sức to lớn, đối với các tỉnh miền núi phía Bắc còn nhiều khó khăn nay càng khó khăn hơn. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét nghiên cứu có gói phục hồi kinh tế sau bão số 3 cho các địa phương bị ảnh hưởng từ nguồn tăng thu. Ngoài việc bố trí nguồn lực cho các dự án trọng điểm quốc gia, cần ưu tiên bố trí nguồn lực phục hồi kinh tế cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3, nhất là các tỉnh biên giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
|
|
Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Nhân dân và cử tri mong muốn xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình khẩn cấp để trục lợi. Ảnh: Quochoi.vn |
Không ít những “con sâu làm rầu nồi canh”, lợi dụng tình hình thiên tai để trục lợi, lừa đảo
Đáng chú ý là phát biểu của đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, đại biểu Nguyễn Văn Huy nêu rõ, trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 6,82% là con số rất ấn tượng, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là tinh thần vượt khó, đoàn kết, chung sức, đồng lòng của nhân dân cả nước. Tinh thần này cũng được thể hiện rõ nét trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 3 gây ra tháng 9 vừa qua.
Với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ trên 2000 tỷ đồng và hàng nghìn tấn vật tư, nhu yếu phẩm để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão, lũ. Những câu chuyện ấm tình người xuất hiện khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc, tình dân tộc, nghĩa đồng bào được khơi dậy mạnh mẽ trong lúc khó khăn. Tinh thần đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ đồng bào trong lúc khó khăn là đạo lý truyền thống quý báu, là tình cảm rất đáng trân trọng, song cứu trợ sao cho hiệu quả, an toàn và làm thế nào để hàng hóa cứu trợ đến được đúng người, đúng địa chỉ lại là vấn đề còn nhiều trăn trở...
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng có một điều rất đáng án lên án là trong khi những hành động đẹp đang được lan tỏa về tinh thần thiện nguyện thì có không ít những “con sâu làm rầu nồi canh”, lợi dụng tình hình thiên tai để trục lợi, lừa đảo. Mới đây, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã công bố sao kê số tiền ủng hộ từ ngày 01 đến ngày 10/9 nhằm bảo đảm sự minh bạch trong việc phân bổ và sử dụng các khoản tiền quyên góp cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Tuy nhiên, sau khi sao kê được công khai, nhiều cá nhân đã bị phát hiện lợi dụng sự kiện để chỉnh sửa hình ảnh, "thổi phồng" số tiền đã ủng hộ nhằm đánh bóng tên tuổi. Đại biểu nhấn mạnh, những hành vi như vậy không chỉ vi phạm đạo đức, pháp luật mà còn làm tổn thương nghiêm trọng đến niềm tin của cộng đồng. Hơn bao giờ hết, vấn đề hoạt động từ thiện, cứu trợ, quyên góp càng cần phải được thực hiện cẩn trọng, chuyên nghiệp hơn dưới sự điều chỉnh của một văn bản pháp lý mang tính chuyên biệt.
Đại biểu cho rằng, việc làm trước mắt mà Nhân dân và cử tri mong muốn để khắc phục tình trạng trên là Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời xử lý nghiêm đối với những cá nhân và tổ chức lợi dụng tình hình khẩn cấp để trục lợi. Việc áp dụng các chế tài pháp lý nghiêm ngặt không chỉ nhằm răn đe mà còn giúp củng cố niềm tin của Nhân dân và duy trì sự công bằng trong các hoạt động cứu trợ từ thiện.