Thanh tra Chính phủ:

Hướng dẫn một số quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra

Thứ năm, 02/11/2023 11:10
(ThanhtraVietNam) - Thanh tra Chính phủ đang lấy ý kiến thanh tra các bộ, ngành, địa phương và các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn một số quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra.

Trình tự, thủ tục tiến hành cuộc thanh tra

Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ, Thông tư này quy định một số nội dung về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra, giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, ban hành và công khai kết luận thanh tra, xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra.

Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra, Nghị định của Chính phủ (đang dự thảo) quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành...

Thông tư hướng dẫn việc thu thập thông tin để chuẩn bị thanh tra, theo đó trước khi ban hành Quyết định thanh tra, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (Người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra) chỉ đạo thu thập thông tin để phục vụ cho việc ban hành Quyết định thanh tra.

Việc thu thập thông tin được thực hiện như sau: Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi thẩm quyền thanh tra cung cấp thông tin theo Đề cương yêu cầu cung cấp thông tin; khi được Người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra đồng ý bằng văn bản thì người được giao thu thập thông tin làm việc trực tiếp với cơ quan, tổ chức, đơn vị dự kiến là đối tượng thanh tra.

leftcenterrightdel
 Trụ sở Thanh tra Chính phủ. Ảnh: L.A

Người được giao thu thập thông tin có trách nhiệm báo cáo kết quả thu thập thông tin bằng văn bản với người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra. Báo cáo phải gồm các nội dung: khái quát tình hình hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị dự kiến được thanh tra; tình hình chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến nội dung dự kiến thanh tra; kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra của các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nội dung dự kiến thanh tra (nếu có) và các thông tin khác có liên quan; đề xuất cụ thể nội dung, đối tượng, thời kỳ, thời hạn cần tiến hành thanh tra.

Về ban hành Quyết định thanh tra, Dự thảo nêu rõ, Người có thẩm quyền ban hành Quyết định thanh tra phân công người dự kiến là Trưởng đoàn thanh tra xây dựng văn bản đề xuất cụ thể nội dung, đối tượng, thời kỳ, thời hạn, thời gian tiến hành cuộc thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra và chuẩn bị dự thảo Quyết định thanh tra. Căn cứ quy định tại Điều 51 của Luật Thanh tra, Báo cáo kết quả thu thập thông tin, tài liệu và văn bản đề xuất của người dự kiến là Trưởng đoàn thanh tra, Người có thẩm quyền ban hành Quyết định thanh tra và chỉ đạo Trưởng đoàn thanh tra xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra.

Thời hạn thanh tra được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra trực tiếp tại nơi được thanh tra, trừ những ngày nghỉ theo quy định của pháp luật. Trường hợp do đặc thù của hoạt động thanh tra chuyên ngành cần bảo đảm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm thì việc thanh tra được thực hiện trong cả ngày nghỉ và được tính vào thời hạn thanh tra.

Phân công nhiệm vụ, báo cáo trong quá trình tiến hành thanh tra

Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cho các thành viên Đoàn thanh tra bằng văn bản, trong đó ghi rõ nội dung công việc, thời gian thực hiện, thời hạn báo cáo.

Thành viên Đoàn thanh tra phải hoàn thành nhiệm vụ trong thời hạn được giao và báo cáo Trưởng đoàn thanh tra về việc thực hiện nhiệm vụ được giao ngay sau khi hoàn thành.

Trong trường hợp có vấn đề phát sinh ngoài nhiệm vụ được giao hoặc cần phải được xử lý ngay thì thành viên Đoàn thanh tra phải báo cáo với Trưởng đoàn thanh tra để xem xét, quyết định.

Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo về tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với Người ra quyết định thanh tra theo tiến độ được xác định trong kế hoạch tiến hành thanh tra hoặc theo yêu cầu của Người ra quyết định thanh tra.

Báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của Trưởng đoàn thanh tra được gửi cho người thực hiện giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra.

Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm ghi nhật ký Đoàn thanh tra một cách chính xác, khách quan, trung thực những nội dung có liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra diễn ra từ khi công bố Quyết định thanh tra đến khi ban hành kết luận thanh tra. Nhật ký Đoàn thanh tra là cơ sở để thực hiện giám sát hoạt động của các thành viên Đoàn thanh tra. Khuyến khích việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc ghi nhật ký Đoàn thanh tra.

Căn cứ Báo cáo kết quả thanh tra, Báo cáo kết quả thẩm định và ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan, Người ra quyết định thanh tra chỉ đạo hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra, ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình.

Dự thảo Thông tư của Thanh tra Chính phủ cũng hướng dẫn việc tổ chức việc giám sát, theo đó hoạt động tổ chức việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra được thực hiện theo quy định tại Điều 101 của Luật Thanh tra. Chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành Quyết định giám sát, Tổ trưởng tổ giám sát hoặc công chức được giao thực hiện việc giám sát có trách nhiệm xây dựng, trình Người ra quyết định thanh tra phê duyệt kế hoạch giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra…

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra