Khó khăn, vướng mắc trong việc xác minh tình tiết vi phạm hành chính

Chủ nhật, 08/09/2024 12:27
(ThanhtraVietNam) - Từ những khó khăn, vướng mắc trong xử phạt vi phạm hành chính như chưa có quy định cụ thể về hình thức ủy quyền xác minh tình tiết vi phạm hành chính; chưa quy định rõ thời hạn xác minh tình tiết vi phạm hành chính là bao nhiêu ngày… cho thấy cần phải có sửa đổi, bổ sung về về nội dung này để đảm bảo triển khai thực hiện thống nhất, hiệu quả.

Một số điểm mới về thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra

Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra: Cơ chế và yêu cầu cải thiện

Sự phát triển của thuật ngữ “khiếu kiện hành chính” trong nền tư pháp Việt Nam

Phân biệt khái niệm khiếu nại và khiếu nại hành chính trong pháp luật Việt Nam

Nâng cao vị thế nữ cán bộ trong các vị trí lãnh đạo thông qua chính sách nghỉ hưu tuổi cao hơn

Giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật

Hạn chế, bất cập và kiến nghị trong thực hiện kết luận thanh tra

Quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra

Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) quy định: Khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh các tình tiết sau đây: Có hay không có VPHC; Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi VPHC, lỗi, nhân thân của cá nhân VPHC; Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; Tính chất, mức độ thiệt hại do VPHC gây ra; Trường hợp không ra quyết định xử phạt VPHC theo quy định tại khoản 1 Điều 65 của Luật này; Tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt. Trong quá trình xem xét, ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có thể trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định.

Như vậy, căn cứ theo quy định của Luật thì người có trách nhiệm xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính phải là người có thẩm quyền xử phạt. Tuy nhiên, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp là Chủ tịch UBND cấp tỉnh thì việc này thiếu tính khả thi. Bởi, Chủ tịch UBND cấp tỉnh bận rất nhiều công việc, không thể trực tiếp xác minh và ký vào biên bản xác minh tình tiết vi phạm hành chính. Trong khi đó, số người được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính lại không có thẩm quyền xác minh tình tiết vi vi phạm. Việc ủy quyền hoặc giao quyền xác minh tình tiết vi phạm hành chính lại chưa được quy định cụ thể trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 (sau đây viết tắt là Luật XLVPHC).

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa, Internet

Liên quan đến hướng dẫn việc lập biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính, tại chú thích số (4) của Mẫu Biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính (Mẫu Biên bản số 05) Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC có hướng dẫn cách ghi về người lập biên bản, thì việc ghi biên bản được thực hiện như sau: “Ghi họ và tên của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với vụ việc hoặc họ và tên của người đại diện được người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ủy quyền”.

Tại khoản 1 Điều 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định: “Trong trường hợp cần thiết, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật này, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp, Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể. Việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản”.

Đồng thời, khoản 7 Điều 22 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND tỉnh: “Chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh”. Như vậy, trong trường hợp này, Chủ tịch UBND tỉnh phải thực hiện ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp, Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp để xác minh tình tiết vi phạm phạm hành chính.  

Trên thực tế, việc xác minh tình tiết vi phạm hành chính có một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể như sau:

Thứ nhất, hiện nay, chưa có quy định cụ thể về hình thức ủy quyền xác minh tình tiết vi phạm hành chính như ủy quyền bằng quyết định, bằng công văn hay bằng thông báo; nội dung ủy quyền; quyền và nghĩa vụ của các bên… Một số trường hợp người có thẩm quyền xử phạt giao quyền xác minh tình tiết vi phạm hành chính trong quyết định giao quyền xử phạt vi phạm hành chính có đảm bảo với pháp luật xử lý vi phạm hành chính hay không? 

 Thứ hai, người được ủy quyền xác minh tình tiết vi phạm phải ký với tư cách người lập biên bản xác minh tình tiết vi phạm, vậy người được ủy quyền xác minh tình tiết vi phạm phải trực tiếp đi xác minh hay có thể thành lập đoàn (tổ) kiểm tra để tiến hành xác minh. Sau khi có kết quả xác minh thì ký vào biên bản xác minh và báo cáo người có thẩm quyền xử phạt.

Thứ ba, chưa quy định rõ thời hạn xác minh tình tiết vi phạm hành chính là bao nhiêu ngày. Luật XLVPHC chỉ quy định đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan quy định tại Điều 59 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính (điểm b, khoản 1 Điều 66 Luật XLVPHC sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Thứ tư, trong trường hợp, người được ủy quyền xác minh tình tiết vi phạm hành chính thực hiện nhiệm vụ xác minh tình tiết vi phạm nhưng kết quả xác minh tình tiết vi phạm hành chính không đúng quy định, không đủ điều kiện để người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền xử phạt có tiếp tục ủy quyền xác minh tình tiết vi phạm hành chính hay không? Thủ tục ủy quyền lại (tiếp) được thực hiện như thế nào?

 Từ những khó khăn, vướng mắc nên trên, đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC theo hướng quy định cụ thể việc xác minh tiết vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 59 Luật XLVPHC để người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính áp dụng thống nhất, kịp thời, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật./.

Đỗ Văn Nhân
Chánh Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra