Kiểm soát quy trình thành lập Đoàn thanh tra: Ngăn ngừa rủi ro và lợi ích nhóm

Thứ tư, 21/08/2024 20:43
(ThanhtraVietNam) - Trong hoạt động thanh tra, việc thành lập Đoàn thanh tra không chỉ là bước khởi đầu mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng và hiệu quả của quá trình thanh tra. Các quy định pháp lý hiện hành về thành lập Đoàn thanh tra tuy đã khá chi tiết, nhưng vẫn cần được thực hiện chặt chẽ hơn để ngăn ngừa rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thanh tra.

Cơ sở pháp lý và trách nhiệm khi thành lập Đoàn thanh tra

Theo TS. Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, Luật Thanh tra hiện hành, cụ thể là Điều 60, quy định về việc thành lập Đoàn thanh tra và giao Chính phủ quy định chi tiết. Theo Nghị định số 43/2023/NĐ-CP, các quy định này được xây dựng dựa trên tinh thần của Thông tư số 06/2021/TT-TTCP, bao gồm từ Điều 25 đến Điều 31 về việc thành lập và thay đổi thành viên Đoàn thanh tra. Các quy định này đặt ra trách nhiệm cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra trong việc đề xuất và lựa chọn các thành viên phù hợp.

Điều 27 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP nhấn mạnh, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì cuộc thanh tra phải đề xuất người có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ phù hợp làm Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra và các thành viên khác trong đoàn. Đặc biệt, việc lựa chọn này cần được thảo luận và thống nhất với những người dự kiến sẽ tham gia Đoàn thanh tra, đồng thời thông báo đến các đơn vị quản lý, sử dụng nhân sự để bảo đảm tính minh bạch và khách quan.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa (ảnh: PV)

Ngăn ngừa rủi ro từ quy trình lựa chọn nhân sự

Một trong những rủi ro lớn trong quá trình thanh tra là việc lựa chọn nhân sự không phù hợp hoặc có xung đột lợi ích. Điều 29 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP quy định rõ các trường hợp không được tham gia Đoàn thanh tra, không được làm Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn thanh tra.

Cụ thể, các trường hợp không được tham gia Đoàn thanh tra gồm: a) Người góp vốn vào doanh nghiệp, có cổ phần tại doanh nghiệp là đối tượng thanh tra, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; b) Người có vợ hoặc chồng, bố, mẹ đẻ, con, anh, chị, em ruột là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, người phụ trách công tác tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra; c) Người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; d) Người bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự mà chưa hết thời hạn xóa kỷ luật, xóa án tích.

Người thuộc một trong các trường hợp sau đây không được làm Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra: a) Thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c và d nêu trên; b) Người có vợ hoặc chồng, bố, mẹ đẻ, bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng, con, anh, chị, em ruột, hoặc anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra.

Theo quy định của Luật Thanh tra, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra có trách nhiệm kiểm tra, rà soát để phát hiện các trường hợp không được tham gia Đoàn thanh tra trước khi trình người ra quyết định thanh tra. Người được dự kiến là Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra thuộc một trong các trường hợp không được tham gia Đoàn thanh tra, không được làm Trưởng đoàn thanh tra thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra trước khi quyết định thanh tra được ban hành. Trong quá trình tiến hành thanh tra, nếu phát hiện có người thuộc các trường hợp không được tham gia thì người ra quyết định thanh tra sẽ xem xét, quyết định việc thay đổi Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra.

TS. Trần Văn Long khẳng định, đây là quy định quan trọng nhằm ngăn ngừa các rủi ro trong quá trình thanh tra. Các quy định trao quyền cho thủ trưởng cơ quan chủ trì cuộc thanh tra, người ra quyết định thanh tra, trong việc lựa chọn thành viên Đoàn thanh tra nhằm bảo đảm về số lượng, có năng lực chuyên môn và ý thức trách nhiệm đáp ứng yêu cầu của cuộc thanh tra. Nếu làm tốt khâu này, sẽ lựa chọn ra những thành viên đáp ứng yêu cầu cả về chính trị, đạo đức và năng lực chuyên môn.

Tuy nhiên, việc kiểm soát quá trình này vẫn còn nhiều hạn chế. Nếu không có sự giám sát chặt chẽ, có thể dẫn đến tình trạng hình thành nhóm lợi ích ngay từ khi thành lập Đoàn thanh tra. Đây cũng là một rủi ro pháp lý, cần có quy định cụ thể về việc lựa chọn người có năng lực chuyên môn, có kiến thức chuyên ngành phù hợp để tham gia Đoàn thanh tra, bao gồm cả việc trưng tập cộng tác viên có trình độ chuyên môn phù hợp tham gia Đoàn thanh tra.

Khi chưa có các quy định này, luôn có nguy cơ việc lựa chọn thành viên Đoàn thanh tra theo chủ quan, sắp xếp, bố trí những người thân thiết, gần gũi tham gia Đoàn thanh tra, hoặc tham gia đoàn nhưng làm những nội dung quan trọng, có thể lợi dụng để vòi vĩnh, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực.

Việc thành lập Đoàn thanh tra là bước quan trọng nhằm bảo đảm tính minh bạch, công bằng và hiệu quả của hoạt động thanh tra. Các quy định pháp lý hiện hành đã đặt ra những nguyên tắc cơ bản để ngăn ngừa rủi ro, nhưng vẫn cần được củng cố bằng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn.

Dương Nguyễn

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra