Kiên quyết xử lý “tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm” trong xây dựng và thi hành pháp luật

Thứ năm, 17/08/2023 08:12
(ThanhtraVietNam) - Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ nhấn mạnh công tác xây dựng pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp. Cần tăng cường công tác thẩm định, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi “tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm” trong xây dựng và thi hành pháp luật.

Ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng, thi hành pháp luật

Còn bộc lộ một số bất cập

Theo Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ (Nghị quyết số 126), thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các địa phương đã tập trung nhiều thời gian, nguồn lực, áp dụng nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, trước yêu cầu tình hình mới, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn bộc lộ một số bất cập. Cụ thể như: Việc đề nghị điều chỉnh, bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm vẫn còn, với thời hạn yêu cầu soạn thảo, ban hành trong thời gian ngắn; việc xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật chưa đảm bảo đủ thời gian để thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định; việc tiếp thu và giải trình ý kiến thẩm định, ý kiến Thành viên Chính phủ chưa đầy đủ, rõ ràng, có trường hợp không tiếp thu, cũng không giải trình rõ lý do; một số cơ quan chưa chủ động thực hiện việc lập đề nghị xây dựng, soạn thảo văn bản, cùng với yêu cầu về thời hạn nên đề xuất áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc dùng hình thức văn bản khác không đúng quy định để thay thế cho việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục; năng lực tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ, công chức có nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, dẫn đển pháp luật chậm được thực hiện và hiệu quả thấp. Ở một số địa phương còn chưa xác định rõ các văn bản phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách; cơ quan chuyên môn chưa chủ động trong việc đề xuất xây dựng, soạn thảo văn bản, chất lượng văn bản chưa cao, việc tiếp thu, giải trình ý kiến của cơ quan thẩm định, thẩm tra còn nhiều hạn chế; tiến độ ban hành văn bản còn chậm so với yêu cầu, đặc biệt là việc ban hành các văn bản quy định chi tiết các văn bản quy phạm pháp luật cấp trên.

leftcenterrightdel
 Công tác xây dựng pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp. Ảnh: Internet

Nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật

Xác định công tác xây dựng pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp. Để nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo, tập trung nguồn lực triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Theo đó, trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tinh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo rà soát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác xây dựng thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, phát hiện các tồn tại, khó khăn. Từ đó, có các giải pháp, biện pháp phù hợp để đẩy mạnh, tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo về xây dựng thể chế và tổ chức thi hành pháp luật ở bộ, ngành, địa phương mình.

Chỉ đạo các cơ quan chủ động nghiên cứu các chủ trương, đường lối của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo từ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân, UBND, các Điều ước quốc tế và thực tiễn thi hành pháp luật để kịp thời ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Các cơ quan khi tham mưu, đề xuất việc ban hành văn bản phải đúng thẩm quyền về nội dung và hình thức theo quy định của pháp luật; hồ sơ đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo đầy đủ các tài liệu theo quy định và đảm bảo chất lượng của từng tài liệu. Đồng thời, chủ động việc lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn được quy định. Quá trình soạn thảo văn bản cần bám sát các chính sách đã được thông qua, tuân thủ nghiêm trình tự, thủ tục, đặc biệt là thời hạn soạn thảo, tránh tình trạng do yêu cầu về thời gian nên xin áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn mà không thuộc các trường hợp được áp dụng thủ tục rút gọn; tăng cường kiếm soát việc ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, dự thảo văn bản và các tổ chức, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học, người làm thực tiễn bằng các hình thức phù hợp. Nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu ý kiến thẩm định của cơ quan Tư pháp, ý kiến của thành viên Chính phủ, thành viên UBND đối với các đề nghị xây dựng văn bản, dự án, dự thảo văn bản, trường hợp không tiếp thu phải có báo cáo giải trình đầy đủ; tăng cường phản biện xã hội, truyền thông đối với các văn bản quy phạm pháp luật có tác động lớn đển người dân và doanh nghiệp.

Trong công tác rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực do bộ, ngành, địa phương quản lý để xem xét sự phù hợp với hệ thống pháp luật và đòi hỏi của thực tiễn; xác định rõ khó khăn, vướng mắc xuất phát từ quy định pháp luật hay từ khâu tổ chức thi hành, từ đó xác định sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản. Tăng cường kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành, địa phương ban hành có nội dung thuộc các lĩnh vực do bộ, cơ quan mình quản lý, kịp thời phát hiện các nội dung trái pháp luật và kiến nghị biện pháp xử lý.

Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân về vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật. Nghiên cứu, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, thông tư, các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, UBND ban hành. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, người dân doanh nghiệp và kiểm tra, phát hiện ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi “tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Ngoài ra, trong Nghị quyết số 126, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ưu tiên, bố trí đầy đủ nhân lực, kinh phí và các điều kiện cần thiết khác để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học có trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn tham gia quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.

Theo Nghị quyết số 89/2023/QH15, Quốc hội bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 một số nội dung như: Trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) các dự án sau: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, thông qua dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng.

Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu, cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao chủ trì soạn thảo thực hiện nghiêm, thực chất việc tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và đối tượng chịu sự tác động, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Việc soạn thảo phải đặt yêu cầu cao về chất lượng, bám sát và kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tuân thủ các yêu cầu trong Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và các nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Rà soát kỹ các văn bản có liên quan để phát hiện, xử lý những quy định thiếu thống nhất; bảo đảm không để xảy ra mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở có thể dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, cài cắm "lợi ích nhóm", "lợi ích cục bộ" trong đề xuất, xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật.

Đỗ Quyên
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra