Kon Tum: Triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập

Thứ tư, 01/11/2023 16:08
(ThanhtraVietNam) - Mới đây, UBND tỉnh Kon Tum đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập” (Kế hoạch). Đề án nhằm cụ thể hóa và tổ chức hiện các nhiệm vụ của UBND tỉnh theo Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) và Kế hoạch số 2032/KH-TTCP ngày 08/9/2023 của Thanh tra Chính phủ.

Trong Kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản, thu nhập phải tuân thủ các quy định của Đảng về PCTNTC và kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ đảng viên, các quy định của pháp luật về PCTNTC và các quy định của pháp luật về quản lý công nghệ thông tin. Đồng thời, phải được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc; phân công rõ trách nhiệm cho các đơn vị tham mưu (cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp); xác định rõ lộ trình, thời gian thực hiện; bảo đảm các nhiệm vụ được thực hiện theo đúng tiến độ, đạt chất lượng và hiệu quả cao.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum trong một phiên họp trực tuyến với cơ quan Trung ương. Ảnh: Internet 

04 nội dung trọng tâm của Kế hoạch

Kế hoạch của UBND tỉnh đưa ra 04 nội dung triển khai thực hiện, bao gồm: (1) Hoàn thiện các quy định về quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; (2) Xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin; (3) Tuyên truyền, đào tạo, tăng cường năng lực công chức thực hiện việc quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; (4) Tích hợp, kết nối dữ liệu; thống kê, báo cáo dữ liệu.

Theo đó, đối với việc hoàn thiện các quy định về quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập, UBND tỉnh yêu cầu  tổ chức tham gia góp ý các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý, khai thác, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập trong phạm vi cả nước theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Quyết định số 56/QĐ-TW ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Tổ chức triển khai thực hiện hướng dẫn việc xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả, tính an toàn, bảo mật của Hệ thống trong quá trình vận hành. Xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định về kết nối, cập nhật, chia sẻ dữ liệu, vận hành, quản lý, khai thác Hệ thống.

Ở nội dung thứ hai, UBND tỉnh chủ trương xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin gồm: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật, trung tâm dữ liệu, máy tính, thiết bị số hóa Bản khai, thiết bị lưu trữ, thiết bị phụ trợ; các phần mềm ứng dụng, cài đặt phần mềm, chuẩn hóa thông tin khi số hóa các bản kê khai tài sản, thu nhập giấy... Tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin về kiểm soát tài sản, thu nhập do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người có nghĩa vụ kê khai và Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khác cung cấp. Bảo vệ, lưu trữ thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Đồng thời, thực hiện các biện pháp sao lưu, dự phòng để bảo đảm khả năng khắc phục sự cố, phục hồi dữ liệu và các biện pháp bảo trì, bảo dưỡng để bảo đảm Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập hoạt động thường xuyên, ổn định.

Đối với công tác tuyên truyền, đào tạo, tăng cường năng lực công chức thực hiện việc quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ do Thanh tra tỉnh chịu trách nhiệm chính, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh có trách nhiệm phối hợp Thanh tra tỉnh thực hiện các nhiệm vụ về đào tạo, tập huấn việc thực hiện quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Về nội dung tích hợp, kết nối dữ liệu; thống kê, báo cáo dữ liệu, Kế hoạch của UBND tỉnh nhấn mạnh việc cung cấp thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 53 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; việc xây dựng quy trình chuẩn hóa để kết nối, tích hợp dữ liệu, khai thác, chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập với Cơ sở dữ liệu Quốc gia dùng chung tại địa phương nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước trong các ngành, lĩnh vực và thực hiện chế độ thống kê, báo cáo việc quản lý cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập theo thẩm quyền; định kỳ tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thanh tra Chính phủ về tình hình triển khai Đề án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án; tổ chức sơ kết, tổng kết Đề án theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ.

Nhiệm vụ của Thanh tra tỉnh

Với vai trò là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, có chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, đồng thời là cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, Thanh tra tỉnh được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bảo đảm nguồn nhân lực quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Theo đó, Thanh tra tỉnh sẽ chịu trách nhiệm xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Đề án. Thực hiện cập nhật, quản lý, khai thác, vận hành, kết nối, liên thông Cơ sở dữ liệu đảm bảo tính xác thực, đầy đủ, kịp thời. Đề xuất, tham mưu UBND tỉnh bố trí các nguồn lực thực hiện Đề án đảm bảo quy định. Phối hợp với Thanh tra Chính phủ trong việc quản lý, sử dụng, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu có liên quan được giao quản lý với Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Đồng thời, báo cáo tình hình triển khai Đề án thông qua Thanh tra Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Thanh tra tỉnh còn chịu trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, công nghệ thông tin, pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến nội dung về Cơ sở Dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập tới các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm nâng cao nhận thức và phối hợp trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, có trách nhiệm tham mưu, đề xuất tổ chức, cá nhân có năng lực, trình độ chuyên môn để phối hợp thực hiện quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập” đề ra mục tiêu cụ thể theo 03 giai đoạn:

1. Giai đoạn 2022 - 2023:  Xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các phần mềm ứng dụng để cập nhật, tích hợp dữ liệu, kết nối, chia sẻ bảo đảm khai thác an toàn, thông suốt Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Xây dựng cơ chế vận hành, quản lý khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Và phát triển, mở rộng Hệ thống, đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật có liên quan, tạo cơ sở thực hiện việc kê khai, quản lý tài sản, thu nhập trực tiếp trên Hệ thống.

2. Giai đoạn 2024 - 2025: Thực hiện số hóa, cập nhật dữ liệu về kê khai tài sản tại các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; tích hợp về Cơ sở dữ liệu quốc gia tại Thanh tra Chính phủ theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cổng dịch vụ công, cơ sở dữ liệu quốc gia khác theo quy định. Trong đó, hoàn thành số hóa, lưu trữ 100% Bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; hoàn thành việc kết nối giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác liên quan.

Phát triển, mở rộng việc khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; từng bước thay thế hồ sơ giấy truyền thống nhằm hỗ trợ người có nghĩa vụ kê khai, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập, đến năm 2025 đạt 50% trở lên.

3. Sau năm 2025, thực hiện chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập bằng việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số.

 

Đỗ Quyên
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra