Ngày 29/6/2006, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Luật sư số 65/2006/QH11, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/0/2007 và được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Luật sư số 20/2012/QH13 ngày 20/11/2012 của Quốc hội (sau đây gọi tắt là Luật Luật sư).
Sau hơn 17 năm thực hiện, Luật Luật sư đã đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả, tạo hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của luật sư phát triển. Ngay sau khi Luật Luật sư được ban hành, thể chế, pháp luật về tổ chức và hoạt động của luật sư đã tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho luật sư và tổ chức hành nghề luật sư phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tính đến thời điểm hiện nay, trong cả nước đã có hơn 18.200 luật sư hoạt động trong hơn 5.400 tổ chức hành nghề luật sư (tăng khoảng 14.000 luật sư so với năm 2006) đã dần đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý ngày càng cao của cá nhân, tổ chức.
Đồng thời, với số lượng tổ chức hành nghề luật sư như hiện nay đã tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với dịch vụ của luật sư. Một số tổ chức hành nghề luật sư bước đầu phát huy được thế mạnh, xây dựng được thương hiệu của mình, tạo được sự tín nhiệm trên thị trường dịch vụ pháp lý trong khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, Luật Luật sư cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn phát triển nghề luật sư. Chất lượng luật sư chưa đồng đều, chưa tương xứng với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và tạo lập được niềm tin với người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Phẩm chất đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của một số ít luật sư hạn chế, còn hiện tượng luật sư có biểu hiện lệch lạc về tư tưởng chính trị. Một số quy định chưa cụ thể hoặc không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, thực tiễn phát triển nghề luật sư ở Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung: Tiêu chuẩn có “bản lĩnh nghề nghiệp” của luật sư; miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư; chế định luật sư tập sự; kỳ thi quốc gia để cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư; xử lý kỷ luật luật sư; thời hạn, giá trị của Chứng chỉ hành nghề luật sư; đào tạo kỹ năng nghề luật sư; phân cấp việc kiểm tra hành chính về tổ chức và hoạt động của luật sư cho Ủy ban nhân dân cấp huyện,..
Các vấn đề được đưa ra lấy ý kiến tại Hội thảo đã thu hút nhiều ý kiến góp ý, phản biện của đông đảo các luật sư tham dự. Các ý kiến đều đồng tình với các chính sách được đề xuất. Việc sửa đổi rất cần thiết, phục vụ thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư, bảo đảm để luật sư thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động luật sư; xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi kỹ năng hành nghề, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển tổ chức và hoạt động của luật sư phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thông lệ quốc tế.
Bên cạnh việc nhất trí với định hướng sửa đổi, đa số ý kiến tập trung vào các nội dung sau:
- Người muốn tập sự hành nghề luật sư sẽ đăng ký gia nhập một Đoàn Luật sư với tư cách luật sư tập sự. Luật sư tập sự là thành viên không đầy đủ của các Đoàn Luật sư. Đoàn Luật sư có trách nhiệm giám sát, quản lý luật sư tập sự đến khi họ thi đỗ kỳ thi quốc gia để trở thành luật sư. Tuy nhiên cần nghiên cứu cân nhắc thêm việc cơ quan tố tụng tham gia là thành phần trong Hội đồng thi kỳ thi luật sư quốc gia.
- Quy định chặt chẽ hơn về miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư theo hướng người được miễn đào tạo nghề luật sư, miễn tập sư hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư hiện nay sẽ phải qua khóa đào tạo nghề ngắn hạn từ 6 tháng trở lên.
- Tăng cường trách nhiệm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư trong việc giám sát luật sư, luật sư tập sự, đấu tranh với biểu hiện tiêu cực của luật sư, xử lý kỷ luật luật sư, bảo đảm luật sư có bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật.
- Chuẩn hóa quy trình, thủ tục cấp phép cho cá nhân, tổ chức hành nghề; quy định thời hạn, giá trị của Chứng chỉ hành nghề luật sư theo đó chứng chỉ là điều kiện để được hành nghề luật sư; xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu quản lý luật sư để tạo điều kiện thuận lợi cho các luật sư khi gia hạn chứng chỉ hành nghề.
- Quy định hợp lý hơn việc phân cấp việc kiểm tra hành chính về tổ chức và hoạt động của luật sư cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, tránh xảy ra xung đột lợi ích khi luật sư giải quyết các vụ kiện hành chính, khiếu nại hành chính khi mà Chủ tịch UBND là chủ thể bị khiếu nại, khiếu kiện.
Tiếp thu các ý kiến tại Hội thảo, Cục Bổ trợ Tư pháp sẽ nghiên cứu, chỉnh lý và tham mưu cho Bộ Tư pháp hoàn thiện định hướng xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi) phục vụ việc xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi).