Tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước
Nghị định số 29/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2024.
Theo đó, Nghị định quy định tiêu chuẩn chung áp dụng đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý, gồm tiêu chuẩn về: Chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; trình độ; năng lực và uy tín; sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác. Ngoài ra, Nghị định còn quy định một số trường hợp đặc thù áp dụng tiêu chuẩn chức danh khi bổ nhiệm.
Đồng thời, Nghị định quy định cụ thể các tiêu chuẩn đối với từng chức danh công chức lãnh đạo, quản lý thuộc Bộ, thuộc tổng cục và của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quyền phạt tiền đến 1 tỷ đồng
Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 05/4/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2024 sẽ góp phần siết chặt và nâng mức xử phạt các vi phạm về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.
Cụ thể, Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Điểm mới của Nghị định số 38/2024/NĐ-CP là tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản từ 01 năm lên 02 năm; mức tiền phạt tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện là 1 tỷ đồng, do tổ chức là 2 tỷ đồng.
Đối với hành vi không chấp hành việc thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thủy sản, theo quy định tại khoản 1 Điều 43 Nghị định sẽ bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng.
Đáng chú ý, thẩm quyền của thanh tra được quy định tại Điều 52 Nghị định số 38/2024/NĐ-CP. Cụ thể:
Điều kiện thành lập cụm công nghiệp
Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, có hiệu lực từ 01/5/2024.
Nghị định này quy định về phương án phát triển cụm công nghiệp; thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp và quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp.
Trong đó, Nghị định quy định thành lập cụm công nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:
Có trong Danh mục các cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có quỹ đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn cấp huyện;
Có doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức có tư cách pháp lý, có năng lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp;
Trong trường hợp địa bàn cấp huyện đã thành lập cụm công nghiệp thì tỷ lệ lấp đầy trung bình của các cụm công nghiệp đạt trên 50% hoặc tổng quỹ đất công nghiệp chưa cho thuê của các cụm công nghiệp không vượt quá 100 ha.
|
|
Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, có hiệu lực từ 01/5/2024. Ảnh: Daibieunhandan.vn |
Danh mục 9 loại hàng nguy hiểm
Có hiệu lực từ 15/5/2024, Nghị định số 34/2024/NĐ-CP ngày 31/3/2024 của Chính phủ quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa.
Theo quy định tại Nghị định số 34/2024/NĐ-CP: Hàng hóa nguy hiểm là hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm khi chở trên đường bộ hoặc đường thủy nội địa có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia.
Tùy theo tính chất hóa, lý, hàng hoá nguy hiểm được phân thành 9 loại, gồm:
Loại 1: Chất nổ và vật phẩm dễ nổ
Loại 2: Khí gồm khí dễ cháy, khí độc hại…
Loại 3: Chất lỏng dễ cháy, chất nổ lỏng khử nhạy
Loại 4: Chất rắn dễ cháy, chất khi tiếp xúc với nước tạo ra khí dễ cháy…
Loại 5: Chất ô xi hóa, perôxit hữu cơ
Loại 6: Chất độc, chất gây nhiễm bệnh
Loại 7: Chất phóng xạ
Loại 8: Chất ăn mòn
Loại 9: Chất và vật phẩm nguy hiểm khác
|
|
Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm cũng được quy định mới tại Nghị định số 34/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ 15/5/2024. Ảnh: Nhật Bắc |
Về tổ chức thực hiện, Nghị định số 34/2024/NĐ-CP đặc biệt chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra. Trong đó quy định:
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo thẩm quyền. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm theo thẩm quyền.
Bộ Quốc phòng thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh và phối hợp kiểm tra, giám sát hàng hóa nguy hiểm, phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa trong khu vực biên giới, cửa khẩu biên giới đất liền, cửa khẩu cảng theo quy định của pháp luật.
Đối với các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Y tế, Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Nghị định quy định ngoài việc phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo thẩm quyền; phải thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm theo thẩm quyền.
Quy định về xét tặng các danh hiệu
Chính phủ mới đây đã ban hành hai Nghị định mới quy định chi tiết việc xét tặng các danh hiệu, đều có hiệu lực trong tháng 5/2024, gồm:
Nghị định số 35/2024/NĐ-CP ngày 02/4/2024 quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/5/2024.
Nghị định số 36/2024/NĐ-CP ngày 04/4/2024 quy định chi tiết xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2024.
Theo đó, quyền lợi và nghĩa vụ của cá nhân được phong tặng, gồm:
- Với giải thưởng về văn học, nghệ thuật: Tác giả được nhận Bằng chứng nhận của Chủ tịch nước, tiền thưởng và các quyền lợi khác theo quy định. Đồng thời, tác giả có nghĩa vụ giữ gìn hiện vật được khen thưởng; tiếp tục lao động sáng tạo để có nhiều tác phẩm, công trình có giá trị phục vụ Nhân dân.
- Với danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”: Cá nhân được phong tặng sẽ được nhận Huy hiệu, Bằng chứng nhận của Chủ tịch nước, tiền thưởng và quyền lợi khác theo quy định của pháp luật; có nghĩa vụ giữ gìn hiện vật được khen thưởng; tiếp tục phát huy phẩm chất đạo đức, không ngừng hoàn thiện tri thức, tài năng sư phạm, chuyên môn, hoạt động chuyên môn, là tấm gương sáng cho người học và đồng nghiệp noi theo.
Kiểm tra, giám sát điều chỉnh giá điện
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Theo đó, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng 1 lần.
Về nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện bình quân hằng năm, sau khi kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm N-2 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá bán điện bình quân năm N được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và điều hành - quản lý ngành) và việc phân bổ các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.
Đặc biệt, Điều 7 Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg quy định về kiểm tra giám sát, gồm: Kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện hằng năm; kiểm tra điều chỉnh giá điện.
Trong thời hạn 30 ngày sau khi kết thúc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện hàng năm, Bộ Công Thương công bố công khai kết quả kiểm tra. Kết quả kiểm tra được công bố công khai trên trang Thông tin điện tử của Bộ Công Thương.
Các nội dung kiểm tra, giám sát và công bố công khai, bao gồm: Chi phí thực tế thực hiện các khâu và các khoản chi phí khác quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định này; giá bán lẻ điện bình quân thực hiện của EVN; kết quả kinh doanh lỗ, lãi về hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN; các chi phí chưa được tính vào giá điện từ lần điều chỉnh gần nhất nhưng được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN; các chi phí chưa được tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN...
Như vậy, việc ban hành các chính sách mới, có hiệu lực thi hành từ tháng 5/2024 nêu trên sẽ góp phần sửa đổi, bổ sung, giải quyết những vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách theo ngành, lĩnh vực. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của Nhân dân./.