Một số điểm mới về thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra

Thứ sáu, 06/09/2024 10:55
(ThanhtraVietNam) – Luật Thanh tra năm 2022 đã quy định một số điểm mới về thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra

Thanh tra là chức năng thiết yếu của quản lý nhà nước, là một khâu quan trọng trong chu trình quản lý. Để thực hiện chức năng này đòi hỏi nhà nước phải trao cho các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, các chủ thể trong hoạt động thanh tra những quyền hạn nhất định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Các quyền hạn ấy phải được pháp luật quy định và có những chế tài đủ mạnh để đảm bảo cho các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, các chủ thể thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình.  Đây là một yêu cầu bắt buộc, không thể thiếu đối với hoạt động thanh tra nói riêng và hoạt động quản lý nói chung, đồng thời là cơ sở để kiểm soát quyền lực, phòng chống lộng quyền, lạm quyền, né tránh thực hiện quyền hoặc lợi dụng quyền lực để vụ lợi…

Việc sử dụng quyền trong hoạt động thanh tra được quy định cho các chủ thể thực hiện cần tuân thủ các quy định của pháp luật. Đồng thời cần xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của đối tượng thanh tra cũng như cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Vì vậy, nghiên cứu thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối người tiến hành thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khi tham gia Đoàn thanh tra. Bởi thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Có thể tiếp cận khái niệm: “Quyền trong hoạt động thanh tra là quyền hạn do pháp luật quy định cho Người tiến hành thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành áp dụng đối với đối tượng thanh tra và cơ quan tổ chức cá nhân có liên quan trong quá trình tiến hành một cuộc thanh tra”. Khi áp dụng Luật Thanh tra năm 2022, việc thực hiện quyền thanh tra có những điểm mới cơ bản sau:

leftcenterrightdel
Học viên diễn tình huống thực hiện quyền yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra 

Thứ nhất, Thành viên khác của Đoàn thanh tra không phải là Thanh tra viên có nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại khoản 2, Điều 82 Luật Thanh tra năm 2022. Cụ thể, Thành viên khác của Đoàn thanh tra không phải là Thanh tra viên có nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 1 Điều 82 Luật Thanh tra năm 2022. Nghĩa là thành viên khác của Đoàn thanh tra không phải là Thanh tra viên thì không được thực hiện quyền yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu và báo cáo, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dụng thanh tra; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra; không được quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Vậy, đối với Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành là người được phân công thực hiện nhiệm vụ thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thì có được thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra không khi mà họ không là thanh tra viên?

Đối với người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thì áp dụng thực hiện quyền tại khoản 2, Điều 37 Luật Thanh tra hiện hành quy định: “Trong hoạt động thanh tra, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng cơ quan thanh tra, người ra quyết định thanh tra; người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Đoàn thanh tra là Thanh tra viên theo quy định của Luật này và quy định của luật khác có liên quan” đó là điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022.

Hai là, Luật Thanh tra năm 2010 quy định Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh được thực hiện quyền “Yêu cầu người có thẩm quyền tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật”; điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022 quy định Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh được thực hiện quyền “Yêu cầu người có thẩm quyền tạm giữ tài sản, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị sử dụng trái pháp luật”; nghĩa là thay dùng từ “tiền, đồ vật” bằng “tài sản” vì tài sản có thể là tiền và đồ vật là hợp lý.

Tương tự như trên, Luật Thanh tra năm 2010 quy định Người ra quyết định thanh tra có quyền “Quyết định thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép”; Luật Thanh tra năm 2022 quy định Người ra quyết định thanh tra có quyền “Quyết định thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc bị thất thoát”. Đây cũng là điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022 về thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra.

Ba là, tại Điểm đ, khoản 1, Điều 80 Luật Thanh tra năm 2022 quy định Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn: “Đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ hành vi vi phạm”, như vậy Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn “đình chỉ hành vi vi phạm” là điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022. Đồng thời Luật Thanh tra năm 2022 đã dành một Điều quy định về việc Đình chỉ hành vi vi phạm (Điều 88) đó là “Trong quá trình thanh tra, khi phát hiện có hành vi vi phạm gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra quyết định đình chỉ hành vi vi phạm hoặc kiến nghị người có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ hành vi vi phạm. Quyết định đình chỉ hành vi vi phạm phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ lý do, nội dung, thời gian đình chỉ, đối tượng có trách nhiệm thực hiện”. Đây là biện pháp cưỡng chế rất cần thiết để người tiến hành thanh tra sử dụng nhằm xử lý tối ưu các tình huống diễn ra trong quá trình thanh tra.

leftcenterrightdel
Học viên diễn tình huống thực hiện quyền yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra 

Bốn là, tại Điều 70 và Điều 71 Luật Thanh tra năm 2022 có quy định quyền “Quyết định Tạm dừng cuộc thanh” và “Quyết định Đình chỉ cuộc thanh tra”. Trường hợp tạm dừng cuộc thanh tra khi có sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cuộc thanh tra; hoặc đối tượng thanh tra đề nghị tạm dừng cuộc thanh tra mà có lý do chính đáng và được người ra quyết định thanh tra đồng ý; trong trường hợp này, thời hạn tạm dừng cuộc thanh tra không quá 30 ngày. Các trường hợp đình chỉ cuộc thanh tra được quy định tại khoản 1, Điều 71 đó là: Đối tượng thanh tra là cá nhân đã chết; cơ quan, tổ chức đã bị giải thể hoặc phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền và nghĩa vụ; Nội dung thanh tra đã được cơ quan thanh tra cấp trên kết luận; Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về cùng nội dung thanh tra; Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có văn bản yêu cầu đình chỉ cuộc thanh tra; Thuộc trường hợp chồng chéo, trùng lặp đã được xử lý theo quy định tại Điều 55 của Luật Thanh tra năm 2022. Thẩm quyền thực hiện đối với hai quyền này là Người ra quyết định thanh tra. Luật Thanh tra năm 2010 chưa quy định hai quyền này. Đây là điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022 nhằm giải quyết kịp thời những trường hợp có lý do chính đáng đặc biệt đối với một số tình huống bất khả kháng diễn ra trong thực tế hiện nay.

Năm là, Luật Thanh tra năm 2022 quy định việc thực hiện quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chánh Thanh tra tỉnh khi thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành và phát hiện có hành vi vi phạm, phải bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Như vây, quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, có điểm mới được quy định tại khoản 5 Điều 24, Luật Thanh tra năm 2022 đó là Chánh Thanh tra tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn xử phạt vi phạm hành chính hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành của các Sở không thành lập cơ quan thanh tra.

Sáu là, tại Điểm e, khoản 1, Điều 80, Luật Thanh tra quy định người ra quyết định thanh tra có quyền đề nghị cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, cơ quan khác có thẩm quyền có biện pháp để ngăn chặn kịp thời đối tượng thanh tra có hành vi hủy hoại, tẩu tán tài sản hoặc để đảm bảo thực hiện quyết định thu hồi tài sản của Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước. Đây là điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022 so với Luật Thanh tra năm 2010, đó cũng là sự cập nhật, đồng bộ với tinh thần của Luật phòng chống tham nhũng năm 2018. Tuy nhiên để thực hiện cũng cần phải nắm rõ trình tự, thủ tục và cách thức sử dụng các quyền sao cho đúng quy định của pháp luật, phù hợp với từng đối tượng, từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Có như vậy khi sử dụng các quyền trong hoạt động thanh tra mới nhanh chóng đạt kết quả và tránh sự vi phạm pháp luật.

Tóm lại, trong một cuộc thanh tra, chủ thể thực hiện quyền thanh tra bao gồm: Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra và các thành viên khác của Đoàn thanh tra. Các chủ thể khác nhau được nhà nước trao cho các quyền khác nhau nhằm đáp ứng được yêu cầu công việc. Luật Thanh tra năm 2022 đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra có những điểm mới, khác biệt so với Luật Thanh tra năm 2010. Khi nói đến thẩm quyền là nói đến quyền hạn và trách nhiệm. Nhiệm vụ, quyền hạn cũng như trách nhiệm của Người ra quyết định thanh tra được quy định tại Điều 80; Trưởng đoàn thanh tra được quy định tại Điều 81; Thành viên khác của đoàn thanh tra được quy định tại Điều 82; Đối với người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được quy định tại khoản 2, Điều 37 Luật Thanh tra năm 2022. Trong công tác quản lý nhà nước nói chung và trong hoạt động thanh tra nói riêng, việc sử dụng đúng quyền hạn và làm hết trách nhiệm là một vấn đề có tính nguyên tắc rất quan trọng. Để thực hiện quyền trong hoạt động thanh được hiệu quả thì Người tiến hành thanh tra phải xác định rõ trách nhiệm và thực hiện đúng trình tự, thẩm quyền trong quá trình tiến hành một cuộc thanh tra. Việc thực hiện đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật nhằm góp phần đạt được mục đích, yêu cầu của hoạt động thanh tra đặt ra.

TS. Triệu Thị Thu
Giảng viên, Khoa Nghiệp vụ Thanh tra, Trường Cán bộ Thanh tra

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra