Một số nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định về thanh tra chuyên ngành

Thứ ba, 25/07/2023 08:04
(ThanhtraVietNam) – Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (dự thảo Nghị định). Khi được ban hành, Nghị định sẽ góp phần giải quyết những bất cập đang đặt ra trong thực tiễn và bảo đảm sự thống nhất pháp luật về tổ chức của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Luật Thanh tra đã được Quốc hội thông qua vào ngày 14/11/2022 với nhiều nội dung mới liên quan đến cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, các quy định của Luật Thanh tra năm 2022 và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Chính phủ đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định.

Dự thảo Nghị định được kết cấu thành 5 chương với tổng số 45 điều, trong đó xác định đối tượng điều chỉnh bao gồm: Cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ban Cơ yếu Chính phủ, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục và tương đương thuộc Bộ; Thanh tra Cơ yếu, Chánh thanh tra Cơ yếu; Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Chánh thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Thanh tra sở, Chánh Thanh tra sở; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, thành viên Đoàn thanh tra chuyên ngành; đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Quy định về các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành

Theo Dự thảo Nghị định, các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành bao gồm: Thanh tra Cơ yếu, Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và Thanh tra Sở.

Các quy định về thanh tra Cơ yếu được dựa trên cơ sở quy định của Luật Thanh tra và pháp luật về cơ yếu. Dự thảo Nghị định quy định, Thanh tra Cơ yếu, là cơ quan của Ban Cơ yếu Chính phủ, giúp Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Ban Cơ yếu Chính phủ, bảo đảm không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan khác có thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành cơ yếu; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Dự thảo Nghị định cũng quy định về thanh tra viên cơ yếu (Điều 8), trong đó quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, việc bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra viên, việc cấp trang phục, thẻ thanh tra và các chế độ, chính sách cho thanh tra viên cơ quan Thanh tra Cơ yếu; việc thanh tra lại kết luận của Thanh tra Cơ yếu khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật (Điều 9).

Đối với Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam, qua rà soát cho thấy trong các cơ quan thuộc Chính phủ hiện nay, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan nhà nước có chức năng thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Với vị trí, chức năng và nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu của Luật Thanh tra, dự thảo Nghị định quy định về việc thành lập cơ quan thanh tra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Theo đó, Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật, bảo đảm không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan khác có thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Việc không quy định cụ thể nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về “đóng” bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 13 và Điều 93 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 mà quy định “thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật” không làm thay đổi chức năng, nhiệm vụ thanh tra của cơ quan bảo hiểm xã hội. Chức năng thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật, cụ thể là Luật Bảo hiểm xã hội. Hiện nay, Luật Bảo hiểm xã hội đang được sửa đổi quy định nhiệm vụ thanh tra này như thế nào thì sẽ được thực hiện theo quy định đó.

Bên cạnh đó, trên cơ sở rà soát, nghiên cứu, đánh giá, Thanh tra Chính phủ nhận thấy, ngoài các cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, hiện nay về cơ bản chỉ còn các Tổng cục đáp ứng được tiêu chí của Luật là có phạm vi quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, căn cứ vào đề nghị của các Bộ ngành, các quy định về chức năng, nhiệm vụ và sau khi đánh giá thực tiễn của việc cần thiết thành lập cơ quan thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, Điều 15 của dự thảo Nghị định quy định 11 cơ quan thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ bao gồm: Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; Thanh tra Cục Bổ trợ tư pháp; Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam; Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam; Thanh tra Kho bạc Nhà nước; Thanh tra Tổng cục Dự trữ Nhà nước; Thanh tra Tổng cục Hải quan; Thanh tra Tổng cục Thuế; Thanh tra Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Thanh tra Tổng cục Thống kê; Thanh tra Ủy ban Chứng khoán nhà nước.

Dự thảo Nghị định cũng nêu rõ, việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ phải bảo đảm đáp ứng các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế, pháp luật về thanh tra và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Về Thanh tra sở, sau khi nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý nhà nước của các sở, đồng thời đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo kết quả hoạt động thanh tra của thanh tra các sở trong những năm gần đây, thống kê số lượng biên chế ở thanh tra các sở và trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thanh tra Chính phủ đã dự thảo đề xuất thành lập thanh tra tại 07 sở như dự thảo Nghị định. Đây là những sở đáp ứng theo tiêu chí “có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp” theo quy định tại Luật Thanh tra 2022 và thực tiễn có hoạt động thanh tra lớn, đồng thời là những sở được nhiều UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị thành lập. Theo đó, Điều 17 Dự thảo Nghị định quy định 07 tổ chức Thanh tra sở gồm: Thanh tra Sở Giao thông vận tải; Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo; Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thanh tra Sở Tài chính; Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường; Thanh tra Sở Xây dựng; Thanh tra Sở Y tế.

Ngoài 07 Thanh tra sở được quy định cụ thể nêu trên, tại những sở khác, Thanh tra sở được thành lập trong 2 trường hợp: Trường hợp thứ nhất, do luật quy định. Đây là trường hợp được luật chuyên ngành quy định cụ thể việc thành lập Thanh tra sở nhằm bảo đảm có cơ quan thanh tra sở để thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi mà sở được giao thực hiện quản lý nhà nước. Trường hợp thứ hai, do UBND tỉnh quyết định thành lập căn cứ vào nhu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao.

Quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành

Chương III của dự thảo Nghị định quy định về các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, bao gồm một số Tổng cục, Cục và tương đương thuộc Bộ, các Cục thuộc Tổng cục và tương đương (Điều 20, Điều 21). Các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành được quy định trong dự thảo Nghị định đã được xác định trên cơ sở đề nghị của các Bộ, ngành có liên quan và sau khi xem xét, đánh giá các quy định về chức năng, nhiệm vụ của các Tổng cục, Cục và nhu cầu thực tiễn hiện nay. Việc quy định này nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, bảo đảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên các mặt của đời sống xã hội.

Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có đầu mối tham mưu về công tác thanh tra. Nhiệm vụ tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành được giao trong văn bản quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (Điều 22).

Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành được xác định là cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực và cơ quan khác được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, bao gồm các Tổng cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan khác được quy định tại Điều 20, Điều 21 của dự thảo Nghị định, trừ trường hợp luật có quy định khác. Hiện nay, theo tinh thần của Luật Thanh tra 2022, thủ trưởng các cơ quan quản lý phải thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý; việc chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc ngành, lĩnh vực do mình phụ trách để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm thì áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp theo quy định của pháp luật để xử lý kịp thời hành vi vi phạm; trường hợp cần thiết thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra; nếu có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vụ việc, tài liệu có liên quan đến cơ quan điều tra để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.

Mục 1 Chương IV của dự thảo Nghị định quy định về hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Điều 27 của dự thảo Nghị định quy định, hoạt động thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành do Đoàn thanh tra thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Thanh tra, quy định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra và Nghị định này. Quy định này nhằm bảo đảm tuân thủ về trình tự, thủ tục trong hoạt động thanh tra đã được Luật Thanh tra quy định, nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả của hoạt động thanh tra.

Dự thảo Nghị định cũng quy định về việc xây dựng kế hoạch thanh tra (Điều 28), ban hành quyết định thanh tra (Điều 29), thời hạn thanh tra (Điều 30), xử lý chồng chéo, trùng lặp (Điều 31), thẩm quyền quyết định thanh tra lại (Điều 32), Đoàn thanh tra (Điều 33), xây dựng, phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra (Điều 34), thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra (Điều 35), thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra (Điều 36), thẩm định dự thảo kết luận thanh tra (Điều 37) và ban hành kết luận thanh tra (Điều 38).

Các quy định về hoạt động của các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành từ Điều 27 đến Điều 38 của dự thảo Nghị định được quy định bám sát tinh thần của Luật Thanh tra, trong đó bảo đảm phù hợp với thực tiễn hoạt động của các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra mà không phải là một cơ quan thanh tra độc lập. Các nội dung khác được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra và quy định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra.

Mục 2 Chương IV của dự thảo Nghị định quy định một số nội dung về việc thực hiện kết luận thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Tại Điều 39 quy định nguyên tắc thực hiện kết luận thanh tra chuyên ngành phải được thực hiện theo các quy định của Luật Thanh tra, các quy định có liên quan tại Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra và các quy định tại Nghị định này. Điều 40 quy định trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Điều 41 quy định về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra. Các quy định này nhằm bảo đảm kết luận, kiến nghị của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành được thực hiện đúng, đầy đủ, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra./.

 

 

Đỗ Quyên
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra