Cụ thể như sau:
Thứ nhất, khoản 2 Điều 3 dự thảo Thông tư về mục đích của việc tiếp công dân quy định: “2. Tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật hoặc chuyển đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh đến cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết”.
Mục đích của việc tiếp công dân không chỉ là tiếp nhận mà còn là xử lý nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Xử lý ở đây được hiểu là xử lý theo quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh theo quy định của Thanh tra Chính phủ (tiếp nhận; phân loại, xử lý đơn thuộc thẩm quyền, và đơn không thuộc thẩm quyền; lưu đơn;...).
Do đó, đề nghị bổ sung khoản 2 Điều 3 như sau: “2. Tiếp nhận, xử lý nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật hoặc chuyển đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh đến cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết”.
Thứ hai, Điều 3A về tiếp công dân trực tuyến quy định: “Nhà nước tổ chức triển khai tiếp công dân trực tuyến tại các cơ quan Trung ương và địa phương; việc tiếp công dân trực tuyến thực hiện theo Quy chế Tiếp công dân trực tuyến của Thanh tra Chính phủ và theo quy định tại Thông tư này”.
Việc tiếp công dân trực tuyến là hết sức cần thiết nhằm giảm số lượng công dân tại các địa phương về Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương; góp phần xử lý, giải quyết và hướng dẫn người dân địa phương thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, giúp địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn tại địa phương...
Tuy nhiên, việc tiếp công dân trực tuyến là vấn đề mới, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương cần phải được nghiên cứu đầy đủ, cụ thể như: Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tiếp công dân trực tuyến; thành phần tham gia tiếp công dân trực tuyến tại các điểm cầu ở Trung ương và địa phương; công tác chuẩn bị nội dung tiếp công dân trực tuyến (thời gian, địa điểm; vụ việc; số lượng, điều kiện để công dân đăng ký tiếp công dân trực tuyến...) và thông báo kết luận tiếp công dân trực tuyến...
Thứ ba, khoản 1 Điều 5 dự thảo Thông tư quy định: “1. Khi tiếp người khiếu nại, người tiếp công dân yêu cầu họ nêu rõ họ tên, địa chỉ và xuất trình giấy tờ tùy thân (căn cước công dân, hộ chiếu, thẻ đảng viên, giấy chứng minh quân đội nhân dân, giấy chứng minh công an nhân dân), giấy giới thiệu, giấy ủy quyền (nếu có)”.
|
|
Công dân trình bày nội dung kiến nghị tại Phiên tiếp công dân định kỳ tháng 4/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum. (Ảnh: kontum.gov.vn) |
Việc quy định giấy tờ tùy thân bao gồm căn cước công dân, hộ chiếu, thẻ đảng viên, giấy chứng minh quân đội nhân dân, giấy chứng minh công an nhân dân nhằm góp phần tạo điều kiện cho công dân chứng minh nhân thân với người tiếp dân.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người khiếu nại không có một trong số các loại giấy tờ tùy thân nêu trên, thì có thể xem xét sử dụng một số loại giấy tờ khác thay thế để chứng minh nhân thân của người khiếu nại như giấy phép lái xe hoặc Giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng.
Do đó, đề nghị biên tập khoản 1 Điều 5 cụ thể như sau: “1. Khi tiếp người khiếu nại, người tiếp công dân yêu cầu họ nêu rõ họ tên, địa chỉ và xuất trình giấy tờ tùy thân (căn cước công dân, hộ chiếu, thẻ đảng viên, giấy chứng minh quân đội nhân dân, giấy chứng minh công an nhân dân; giấy phép lái xe hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng), giấy giới thiệu, giấy ủy quyền (nếu có)”. Tương tự, rà soát, bổ sung nội dung liên quan đến giấy tờ tùy thân trong dự thảo Thông tư.
Thứ tư, khoản 1 Điều 7 dự thảo Thông tư quy định: “1. Khi công dân đến trình bày trực tiếp và không có đơn thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân viết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, trung thực, chính xác nội dung trình bày của công dân; nội dung nào chưa rõ thì đề nghị công dân trình bày thêm, sau đó đọc lại cho công dân nghe và đề nghị họ ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản”.
Khi công dân đến trình bày trực tiếp và không có đơn thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân viết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Việc công dân viết đơn là quyền và trách nhiệm của công dân; công dân tự viết đơn và chịu trách nhiệm về nội dung đơn. Người tiếp dân chỉ thực hiện thay công dân khi và chỉ khi công dân không biết chữ hoặc có khuyết tật (bị mù, khuyết tật chi tay) không thể viết chữ, khi đó, người tiếp công dân mới hỗ trợ công dân ghi chép đầy đủ, trung thực, chính xác nội dung trình bày của công dân.
Do đó, đề nghị biên tập lại nội dung này như sau: “1. Khi công dân đến trình bày trực tiếp và không có đơn thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân viết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trong trường hợp công dân không biết chữ hoặc có khuyết tật không thể viết chữ thì người tiếp dân ghi chép đầy đủ, trung thực, chính xác nội dung trình bày của công dân; nội dung nào chưa rõ thì đề nghị công dân trình bày thêm, sau đó đọc lại cho công dân nghe và đề nghị họ ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào đơn”.
Thứ năm, khoản 5 Điều 7 dự thảo Thông tư quy định: “5. Việc tiếp nhận, ghi chép nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và việc hướng dẫn công dân viết đơn hoặc chuyển đơn đến cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết phải được nhập vào hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và ghi vào Sổ tiếp công dân (trong trường hợp chưa có Hệ thống cơ sở dữ liệu về tiếp công dân) hoặc phần mềm quản lý công tác tiếp công dân”.
Việc nhập vào hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh là vấn đề mới, đòi hỏi trụ sở tiếp công dân hay địa điểm tiếp công dân phải trang bị hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia. Tuy nhiên, trên thực tế một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa trang bị hệ thống Cơ sở dữ liệu do thiếu kinh phí.
Do đó, nếu các cơ quan, đơn vị chưa có hệ hệ thống Cơ sở dữ liệu thì có thể nhập vào phần mềm quản lý công tác tiếp công dân; nếu không có hệ thống Cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý công tác tiếp công dân thì mới ghi vào Sổ tiếp công dân. Việc này sẽ giúp giảm tải cho người tiếp công dân trong việc phải ghi vào Sổ tiếp công dân trong khi đã có hệ thống Cơ sở dữ liệu hoặc phần mềm quản lý công tác tiếp công dân.
Vì vậy, đề nghị biên tập nội dung này như sau: “5. Việc tiếp nhận, ghi chép nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và việc hướng dẫn công dân viết đơn hoặc chuyển đơn đến cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết phải nhập vào hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc phần mềm quản lý công tác tiếp công dân. Trường hợp chưa trang bị hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc phần mềm quản lý công tác tiếp công dân thì phải ghi vào Sổ tiếp công dân”./.