Một số nội dung tham gia góp ý đối với dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi)

Thứ sáu, 21/02/2025 15:58
(Thanhtravietnam) - Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) nhằm điều chỉnh, quản lý hoạt động báo chí kịp thời, phù hợp trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ.

Phú Yên: Thanh tra tại 24 dự án có sử dụng đất chuyên trồng lúa nước

Công ty TNHH Tam Dương: Hàng loạt vi phạm trong chấp hành pháp luật về lao động, bảo hiểm và thuế

HĐND TP.Hải Phòng thông qua 11 Nghị quyết quan trọng tại kỳ họp thứ 23

Đà Nẵng công bố quyết định thành lập 5 sở mới

Quảng Bình chú trọng thanh tra, kiểm tra khai thác cát, sỏi

Việc xây dựng dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về báo chí, đặc biệt là định hướng của Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và quy định của Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, luật hoá những vấn đề đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm; rà soát, xác định rõ phạm vi những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh.

Sau khi nghiên cứu một số nội dung dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) (viết tắt dự thảo Luật), tác giả xin tham gia một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, tại điểm b khoản 2 Điều 7 dự thảo Luật quy định: "b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam". Đề nghị bổ sung cụm từ "phân biệt đối xử" tại điểm này nhằm ngăn chặn hành vi phân biệt đối xử, gây bất bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Thứ hai, khoản 12 Điều 7 dự thảo Luật quy định: "Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật". Quy định này là hết sức cần thiết trong việc bảo vệ các nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, nhất là khi nhà báo, phóng viên tác nghiệp các vụ việc có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu tội phạm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thì tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, phương tiện, tài liệu của nhà báo, phóng viên và người thân của nhà báo, phóng viên có thể bị uy hiếp, xâm phạm, đe dọa, chiếm đoạt... bất cứ lúc nào.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa, nguồn: ITN 

Do đó, để cho đội ngũ nhà báo, phóng viên và người thân được bảo vệ trong khi tác nghiệp cần phải nghiên cứu, bổ sung quy định này theo hướng: "12. Khủng bố, đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nhà báo, phóng viên hoặc của người thân thích; phá hủy, thu giữ, chiếm đoạt phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật".

Thứ ba, Điều 17 dự thảo Luật quy định về quyền hạn của Hội Nhà báo Việt Nam. Việc quy định quyền hạn nhưng không quy định nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam là chưa đầy đủ. Nội dung điều luật cần nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ quản lý hội viên; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về báo chí, chiến lược, kế hoạch phát triển báo chí; phối hợp quản lý các thông tin báo chí... Hội Nhà báo không chỉ có thẩm quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với vi phạm đạo đức của người làm báo mà còn kiến nghị xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người làm báo nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của người làm báo.

Thứ tư, điểm c khoản 2 Điều 13 quy định cơ quan chủ quản báo chí có những nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với cơ quan báo chí, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải lúc nào cũng phát sinh khiếu nại, tố cáo mà còn phát sinh những ý kiến, kiến nghị, phản ánh đối với cơ quan báo chí, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý. Tất cả các ý kiến, kiến nghị, phản ánh đối với cơ quan báo chí, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý cần phải được xem xét, xử lý, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, đề nghị nghiên cứu, biên tập lại nội dung này cho đầy đủ, cụ thể như sau: "c) Giải quyết khiếu nại, tố cáo, ý kiến, kiến nghị, phản ánh đối với cơ quan báo chí, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật".

leftcenterrightdel
Phóng viên, nhà báo và người thân cần được bảo vệ nhất là khi tác nghiệp các vụ việc có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật. 

Thứ năm, đề nghị nghiên cứu làm rõ Cơ quan báo chí (Điều 14) có tư cách pháp nhân hay không? Trong trường hợp Cơ quan báo chí được xác định có tư cách pháp nhân đề nghị bổ sung một số nội dung quy định về trụ sở của Cơ quan báo chí (tại khoản 3 Điều 14) và được tham gia vào các quan hệ dân sự theo quy định của pháp luật.

Thứ sáu, khoản 3 Điều 28 dự thảo Luật quy định: Nhà báo có nghĩa vụ phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Quy định này là phù hợp, là trách nhiệm của các Nhà báo nếu thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Tuy nhiên, cần phải quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà báo nếu hành vi thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân gây ra thiệt hại và có yêu cầu đòi bồi thường.

Thứ bảy, khoản 3 Điều 32 dự thảo Luật quy định: "3. Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin, trừ trường hợp có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng". Đề nghị làm rõ cụm từ "tương đương trở lên" trong nội dung này, bởi vì, cụm từ này gây khó hiểu và không xác định được cơ quan nào là tương đương với Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Bên cạnh đó, liên quan đến hoạt động điều tra, cần phải quy định Thủ trưởng Cơ quan Cảnh điều tra cấp tỉnh có yêu cầu bằng văn bản Cơ quan báo chí và nhà báo tiết lộ người cung cấp thông tin.

Do đó, đề nghị biên tập lại nội dung này như sau: "3. Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin, trừ trường hợp có yêu cầu bằng văn bản của Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh cần thiết cho việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng".

Thứ tám, khoản 1 Điều 33 quy định về trách nhiệm trả lời báo chí quy định: "1. Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí".

Cụm từ "công dân" được thể hiện tại quy định này là rất hạn chế, trong khi đó nhiều vấn đề nêu ra trên báo chí có thể là của tổ chức, cá nhân (có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài, người gốc Việt có quốc tịch nước ngoài). Do đó, đề nghị biên tập lại nội dung này cho đầy đủ như sau: "1. Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà cá nhân, tổ chức nêu ra trên báo chí.".

Thứ chín, khoản 3 Điều 35 về cải chính trên báo chí quy định: "3. Cơ quan báo chí phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát trên báo chí điện tử và trên không gian mạng nhưng phải lưu giữ nội dung thông tin trên máy chủ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.". Ngoài việc gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát trên báo chí điện tử và trên không gian mạng nhưng phải lưu giữ nội dung thông tin trên máy chủ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thì còn có công tác điều tra, giám sát của cấp có thẩm quyền. Vì vậy, cần bổ sung nội dung này cho đầy đủ như sau: 3. Cơ quan báo chí phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát trên báo chí điện tử và trên không gian mạng nhưng phải lưu giữ nội dung thông tin trên máy chủ để phục vụ công tác điều tra, thanh tra, kiểm tra và giám sát của cấp có thẩm quyền."

Trên đây là một số nội dung tham gia góp ý nhằm hoàn thiện một số nội dung của dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), góp phần hướng đến một nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại theo đúng định hướng của Đảng./.

Đỗ Văn Nhân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra