Một số quy định nhằm ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật, đạo đức trong hoạt động báo chí

Thứ năm, 20/06/2024 08:00
(ThanhtraVietNam) - Thời gian gần đây, một số nhà báo đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm tổn hại uy tín của báo chí. Điều này đòi hỏi nhà báo phải rèn luyện bản lĩnh chính trị, trau dồi đạo đức và nắm vững quy định pháp luật để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới.

Thời gian gần đây, cùng với mặt trái của cơ chế thị trường, một số nhà báo đã mất đi tinh thần tu dưỡng, vi phạm đạo đức nghề nghiệp và thậm chí dẫn đến những hành vi thiếu chuẩn mực, trái quy định pháp luật đã làm tổn hại nghiêm trọng uy tín, hình ảnh của những cơ quan báo chí, người làm báo chân chính. Điều đó đòi hỏi đội ngũ nhà báo phải rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, trau dồi về đạo đức nghề nghiệp, trong đó cần nắm vững những quy định pháp luật và quy định về nghề nghiệp của người làm báo nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới.

leftcenterrightdel
 Tọa đàm Phát triển nền tảng “triệu view” liên quan đến mạng xã hội. Ảnh: nguoilambao

Luật Báo chí 2016: Hành lang pháp lý quan trọng

Nghĩa vụ của nhà báo theo quy định pháp luật về báo chí, theo quy định tại khoản 3 Điều 25 Luật Báo chí 2016, nhà báo có nghĩa vụ thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới, phù hợp với lợi ích của đất nước và Nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Nhà báo phải bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm. Nhà báo không được lạm dụng danh nghĩa để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật, phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Nhà báo chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về những hành vi vi phạm pháp luật, tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Đối với việc cung cấp thông tin cho báo chí, Điều 38 Luật Báo chí 2016 quy định, cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và nêu rõ xuất xứ nguồn tin. Đối với các vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố mà chưa được xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin. Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin, trừ trường hợp có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Về trả lời phỏng vấn trên báo chí, Điều 40 Luật Báo chí 2016 quy định, nhà báo không được dùng những ý kiến phát biểu tại hội nghị, hội thảo, các cuộc gặp gỡ, trao đổi, nói chuyện có nhà báo tham dự để chuyển thành bài phỏng vấn nếu không được sự đồng ý của người phát biểu. Cơ quan báo chí, người phỏng vấn và người trả lời phỏng vấn phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đăng, phát trên báo chí.

Về người phát ngôn, chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, Điều 8, Nghị định 09/2017/NĐ-CP, ngày 09/02/2017 của Chính phủ (Nghị định 09) quy định rõ, trong trường hợp các cơ quan báo chí đăng, phát không chính xác nội dung thông tin mà người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn đã phát ngôn, người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn có quyền nêu ý kiến phản hồi bằng văn bản đến cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí hoặc khởi kiện tại Tòa án.

Đồng thời, Nghị định 09 cũng chỉ rõ, cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên có trách nhiệm đăng, phát, phản ánh trung thực, khách quan, đầy đủ nội dung phát ngôn và thông tin do người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn cung cấp, đồng thời phải ghi rõ họ tên người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn, tên cơ quan hành chính nhà nước của người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn. Trường hợp cơ quan báo chí đăng, phát đúng nội dung thông tin mà người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn cung cấp thì không phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đó. Cơ quan báo chí phải đăng, phát ý kiến phản hồi của người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn đối với các nội dung đăng tải không chính xác.

Đạo đức nghề nghiệp: Nền tảng của báo chí Việt Nam trong thời kỳ đổi mới

Trong bối cảnh kinh tế thị trường, vấn đề đạo đức nghề nghiệp của nhà báo trở thành một thách thức lớn. Để báo chí thực hiện tốt vai trò của mình trong việc xây dựng một nhà nước trong sạch và vững mạnh, nhà báo cần trung thực, kiên định và tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm, ngày 15/12/2016, tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam đã thảo luận và thông qua 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Cụ thể:

Điều 1: Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Điều 2: Nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật bản quyền và các quy định của pháp luật. Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác.

Điều 3: Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc.

Điều 4: Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

Điều 5: Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

Điều 6: Bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin theo quy định của pháp luật.

Điều 7: Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

Điều 8: Tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phấn đấu vì một nền báo chí dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại.

Điều 9: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; Bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Điều 10: Những người làm báo Việt Nam cam kết thực hiện những quy định trên, đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo.

Những quy định này không chỉ là kim chỉ nam cho đạo đức nghề nghiệp mà còn là nền tảng để nhà báo Việt Nam phát huy vai trò của mình trong công cuộc đổi mới, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam: Đối phó với những thách thức từ mạng xã hội

Với sự phát triển của mạng xã hội, mọi người dân đều có thể trở thành nguồn phát thông tin. Tuy nhiên, với trách nhiệm xã hội của mình, nhà báo và cơ quan báo chí nơi nhà báo công tác có vai trò rất lớn trong việc kiểm chứng nguồn tin và thông tin một cách công khai, minh bạch. Trước những thách thức từ mạng xã hội đối với đạo đức báo chí, ngày 25/12/2018, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Quy tắc này được xem như chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của báo chí thời đại kỹ thuật số, bổ sung cần thiết cho 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đã được Hội Nhà báo Việt Nam ban hành trước đó.

Điều 4 của Quy tắc chỉ rõ những việc người làm báo không được làm khi tham gia mạng xã hội, bao gồm: Người làm báo không được vi phạm các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng; các quy định về bảo mật dữ liệu, tài liệu; bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của công dân và các quy định khác của pháp luật. Không được đăng tải, gỡ bài viết, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội vì mục đích tống tiền hoặc các mục đích không trong sáng khác.

Người làm báo không được đăng tải các tin, bài, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội; không được đưa ra các bình luận, chia sẻ quan điểm cá nhân hoặc trích đăng lại các bài phát biểu, ý kiến trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; trái với nội dung, quan điểm của tác phẩm báo chí mà bản thân người làm báo đã viết và đăng tải; trái với quan điểm của cơ quan báo chí nơi mình công tác. Người làm báo cũng không được bình luận, nhận xét, chia sẻ các thông tin có mục đích kích động, lôi kéo người khác phản ứng tiêu cực về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... có yếu tố phức tạp, nhạy cảm, đang cần tạo cách nhìn, thái độ tích cực mang tính xây dựng của cộng đồng và sự đồng thuận xã hội. Ngoài ra, người làm báo không được sao chép, chia sẻ, phát tán tin, bài, tác phẩm, âm thanh, hình ảnh có được bằng những cách thức không hợp pháp, vi phạm bản quyền.

Đặc biệt, người làm báo không được thông tin về vụ việc chưa được kiểm chứng, gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ; gây tổn hại về thể chất, danh dự, nhân phẩm của công dân; tuyên truyền, kích động bạo lực, cổ súy lối sống đồi trụy, hủ tục mê tín dị đoan, các hành vi tiêu cực, phân biệt đối xử về giới, vùng miền, dân tộc, chủng tộc; không miêu tả thô thiển, phản cảm những hành động dâm ô, tội ác, thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc và đạo đức xã hội.

Việc sử dụng logo, hình ảnh, thông tin dữ liệu của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam; sử dụng danh nghĩa Hội Nhà báo Việt Nam khi tham gia các diễn đàn, trang mạng xã hội khi chưa được phép cũng là những hành vi không được làm của người làm báo khi tham gia mạng xã hội./.

Bùi Thị Hoàng Khuyên
Trường đại học Công nghệ Đông Á

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra