Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước (Luật BVBMNN) thì Bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của pháp luật, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác. Việc Bảo vệ bí mật nhà nước là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng lực lượng, phương tiện, biện pháp để phòng, chống xâm phạm bí mật nhà nước.
Thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Như vậy, thanh tra là chu trình không thể thiếu trong hoạt động quản lý nhà nước thông qua hoạt động thanh tra nhằm phát hiện hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giải pháp, biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, hoạt động thanh tra cần phải thực hiện tuân theo pháp luật đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan, kịp thời, chính xác. Chính vì vậy, trong hoạt động thanh tra yếu tố bảo mật là quan trọng và cần thiết nhất là đối với các nội dung chưa công khai nếu bị lộ hoặc bị mất sẽ nguy hại đến cá nhân, cơ quan, tổ chức thậm chí nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thực hiện trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cũng như trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước được quy định tại Điều 24, 25 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Tổng Thanh tra chính phủ đề xuất danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng sau đó Bộ công an tiến hành thẩm định và ngày 05/6/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 774/QĐTTg quy định danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng và văn bản số 868/TTg-NC ngày 09/7/2020 đính chính nội dung Quyết định số 774/QĐ-TTg ngày 05/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ theo đó quy định độ Mật trong hoạt động thanh tra gồm: Kế hoạch tiến hành thanh tra đột xuất trước khi công bố với đối tượng thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra; Báo cáo kết quả thanh tra của thành viên Đoàn thanh tra, của Đoàn thanh tra; Nội dung Kết luận thanh tra chưa công khai.
Như vậy, trong quá trình thực hiện hoạt động thanh tra thì trách nhiệm của các chủ thể tiến hành thanh tra cũng như cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) phải thực hiện các quy định theo pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước để đảm bảo độ mật của các tài liệu: Kế hoạch tiến hành thanh tra đột xuất trước khi công bố với đối tượng thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra; Báo cáo kết quả thanh tra của thành viên Đoàn thanh tra, của Đoàn thanh tra; Nội dung Kết luận thanh tra chưa công khai bao gồm;
|
|
Một số quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực thanh tra hiện nay. Ảnh: st |
Thứ nhất, soạn thảo, sao, chụp kế hoạch tiến hành thanh tra đột xuất trước khi công bố với đối tượng thanh tra; Báo cáo kết quả thanh tra của thành viên Đoàn thanh tra, của Đoàn thanh tra; Nội dung Kết luận thanh tra chưa công khai
Khi soạn thảo tài liệu mật trong giai đoạn chuẩn bị thanh tra, sau khi có quyết định thanh tra Trưởng đoàn thanh tra sẽ tiến hành soạn thảo kế hoạch tiến hành thanh tra trình người ra quyết định ký ban hành. Đối với cuộc thanh tra đột xuất thì kế hoạch tiến hành thanh tra đột xuất trước khi công bố với đối tượng thanh tra sẽ là tài liệu mật vì vậy, ngay trong khâu soạn thảo phải đảm bảo theo quy định tại Điều 5 Luật BVBMNN tức là phải đảm bảo một trong các điều kiện như: Soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác không kết với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp lưu giữ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về cơ yếu; Chuyển mục đích sử dụng máy tính, thiết bị khác đã dùng để soạn thảo, lưu giữ, trao đổi bí mật nhà nước khi chưa loại bỏ bí mật nhà nước. Sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước dưới mọi hình thức khi chưa được người có thẩm quyền cho phép. Đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông.
Trong giai đoạn kết thúc thanh tra, thành viên đoàn thanh tra lập báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, trưởng đoàn thành tra lập báo cáo kết quả thanh tra của đoàn thanh tra và dự thảo kết luận thanh tra, cũng phải chấp hành quy định tại Điều 5 Luật BVBMNN trong việc soạn thảo tài liệu mật
Khi sao, chụp tài liệu mật thì theo quy định tại Điều 3 Nghị định 26/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật BMNN quy định như sau: Việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải tiến hành tại địa điểm bảo đảm an toàn do người đứng đầu của cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý bí mật nhà nước quy định. Việc sao, chụp phải được ghi vào “Sổ quản lý sao, chụp bí mật nhà nước”.Bản sao tài liệu bí mật nhà nước phải đóng dấu sao; bản chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải có văn bản ghi nhận việc chụp. Chỉ sao, chụp đúng số bản cho phép và tiêu hủy ngay bản dư thừa, bản hỏng. Bản sao, chụp được thực hiện có giá trị pháp lý như bản chính và phải được bảo vệ như bản gốc. Phương tiện, thiết bị sử dụng để sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước không được kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp thực hiện theo quy định pháp luật về cơ yếu.
Thực tế cho thấy, công tác thanh tra là một trong những công tác đặc thù do thường xuyên phải đi thanh tra trực tiếp tại trụ sở đối tượng thanh tra vì vậy khó thực hiện việc soạn thảo các tài liệu mật trên hệ thống máy tính đã được bảo vệ hoặc trang bị theo quy định của Luật BVBMNN điều này ít nhiều ảnh hưởng đến việc thực hiện pháp luật thanh tra cũng như pháp luật về bảo vệ mật nhà nước
Thứ hai, Hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước
Trong hoạt động thanh tra để đảm bảo kết luận thanh tra được chính xác, khách quan, đúng pháp luật đòi hỏi Người tiến hành thanh tra cần phải tiến hành các cuộc họp như họp nội bộ đoàn thanh tra giữa Trưởng đoàn thanh tra và các thành viên đoàn thanh tra hoặc giữa Người ra quyết định thanh tra với đoàn thanh tra về những nội dung trong quá trình thanh tra có thể là Dự thảo kết luận thanh tra, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của thành viên đoàn, báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra. Vậy để đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước thì khi tổ chức cuộc họp Người tiến hành thanh tra; đối tượng thanh tra; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cần đáp ứng các yêu cầu sau:
- Cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước được tổ chức trong phòng họp kín tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức. Trường hợp tổ chức ở ngoài trụ sở làm việc, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định tổ chức cuộc họp có trách nhiệm đề nghị cơ quan Bộ Công an, Công an cấp tỉnh kiểm tra an ninh, an toàn trong và ngoài khu vực diễn ra cuộc họp;
- Cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước phải sử dụng micro có dây và các phương tiện, thiết bị được cơ quan Bộ Công an, Công an cấp tỉnh kiểm tra an ninh, an toàn trước khi lắp đặt, trừ phương tiện, thiết bị do Ban Cơ yếu Chính phủ trang bị; Trường hợp cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước tổ chức bằng hình thức truyền hình trực tuyến phải bảo vệ đường truyền theo quy định pháp luật về cơ yếu;
- Người tham dự mang thiết bị có tính năng thu, phát tin, ghi âm, ghi hình vào cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước độ Mật, được thực hiện theo yêu cầu của người chủ trì; Trong trường hợp cần thiết, cơ quan, tổ chức chủ trì cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước quyết định việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để ghi âm, ghi hình; ngăn chặn hoạt động xâm nhập, thu tin từ bên ngoài.
- Cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước tổ chức từ hai ngày trở lên phải niêm phong phòng họp sau mỗi ngày tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp;
- Người tham dự hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước phải đúng thành phần theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức chủ trì.
Thứ ba, khi giao nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước
Trong quá trình tiến hành thanh tra việc giao nhận tài liệu bí mật nhà nước giữa người tiến hành thanh tra với đối tượng thanh tra hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc giữa nội bộ đoàn thanh tra cũng cần tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước cụ thể như sau:
Giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải đăng ký vào “Sổ đăng ký bí mật nhà nước đi”. Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ “Tuyệt mật” chỉ ghi trích yếu khi người có thẩm quyền xác định bí mật nhà nước đồng ý;Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải làm bì hoặc đóng gói riêng. Giấy làm bì phải dùng loại giấy dai, bền, khó thấm nước, không nhìn thấu qua được; hồ dán phải dính, khó bóc;Trường hợp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước thuộc độ “Tuyệt mật” phải được bảo vệ bằng hai lớp phong bì: Bì trong ghi số, ký hiệu của tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước, tên người nhận, đóng dấu “Tuyệt mật” và được niêm phong bằng dấu của cơ quan, tổ chức ở ngoài bì; trường hợp gửi đích danh người có trách nhiệm giải quyết thì đóng dấu “Chỉ người có tên mới được bóc bì”. Bì ngoài ghi như gửi tài liệu thường và đóng dấu ký hiệu chữ “A”;Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ “Tối mật” và “Mật” được bảo vệ bằng một lớp bì, ngoài bì đóng dấu chữ “B” và chữ “C” tương ứng với độ mật của tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước bên trong; Việc giao tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải được quản lý bằng “Sổ chuyển giao bí mật nhà nước”.
Nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được thực hiện như sau: Sau khi nhận, tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải đăng ký vào “Sổ đăng ký bí mật nhà nước đến”; Trường hợp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước mà phong bì có dấu “Chỉ người có tên mới được bóc bì”, người nhận vào sổ theo ký hiệu ngoài bì, không được mở bì và phải chuyển ngay đến người có tên trên phong bì. Nếu người có tên trên phong bì đi vắng và trên phong bì có thêm dấu “Hỏa tốc” thì chuyển đến lãnh đạo cơ quan, tổ chức hoặc người được lãnh đạo cơ quan, tổ chức ủy quyền giải quyết; Trường hợp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được gửi đến mà không thực hiện đúng quy định bảo vệ bí mật nhà nước thì chuyển đến lãnh đạo cơ quan, tổ chức nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước hoặc người có tên trên phong bì (đối với trường hợp gửi đích danh) giải quyết, đồng thời phải thông báo nơi gửi biết để có biện pháp khắc phục. Nếu phát hiện tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước gửi đến có dấu hiệu bóc, mở bì hoặc bị tráo đổi, mất, hư hỏng thì người nhận phải báo cáo ngay người đứng đầu cơ quan, tổ chức để có biện pháp xử lý.
Nơi gửi và nơi nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải đối chiếu về số lượng, kiểm tra việc đóng bì, đóng gói tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước. Trường hợp phát hiện thiếu số lượng, sai sót trong đóng bì, đóng gói thì nơi nhận yêu cầu nơi gửi bổ sung, xử lý trước khi vào sổ theo dõi và ký nhận.
Việc chuyển, nhận văn bản điện tử có nội dung bí mật nhà nước trên mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông được thực hiện theo quy định pháp luật về cơ yếu. Trường hợp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước đăng ký bằng cơ sở dữ liệu quản lý trên máy tính thì khi chuyển giao phải in ra giấy để ký nhận và đóng sổ để quản lý. Máy tính dùng để đăng ký tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước không được nối mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông, trừ trường hợp thực hiện theo quy định pháp luật về cơ yếu.
Thứ tư, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước (Điều 19, Điều 20) và Giải mật
Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước là khoảng thời gian được tính từ ngày xác định độ mật của bí mật nhà nước đến hết thời hạn 10 năm đối với bí mật nhà nước độ Mật bao gồm: Kế hoạch tiến hành thanh tra đột xuất trước khi công bố với đối tượng thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra; Báo cáo kết quả thanh tra của thành viên Đoàn thanh tra, của Đoàn thanh tra; Nội dung Kết luận thanh tra chưa công khai.
Theo quy định tại Điều 79 Luật Thanh tra 2022 thì chậm nhất 10 ngày kể từ ngày ký ban hành kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm công khai toàn văn kết luận thanh tra trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước hoặc bí mật khác theo quy định của Luật. Như vậy, khi công khai kết luận thanh tra trừ nội dung thuộc Bí mật nhà nước thì kết luận thanh tra đã công khai lúc này không được coi là tài liệu mật theo quy định tại Quyết định số 774/QĐTTg.
Kết luận thanh tra khi được công khai sẽ được giải mật theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 22 Luật BVBMNN tức là khi không còn thuộc danh mục bí mật nhà nước và cơ quan, tổ chức xác định bí mật nhà nước phải đóng dấu, có văn bản hoặc hình thức khác xác định việc giải mật và thông báo ngay bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đối với báo cáo kết quả thanh tra của thành viên đoàn thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra của đoàn thanh tra sẽ được giải mật toàn bộ hoặc một phần khi hết thời hạn bảo vệ bí mật tức là 10 năm đối với bí mật nhà nước độ Mật hoặc đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; phát triển kinh tế - xã hội; hội nhập, hợp tác quốc tế. Trình tự, thủ tục giải mật trong trường hợp này được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 22 Luật BVBMNN./.
Ths. Nguyễn Thị Hạnh - Giảng viên, Khoa NV1, Trường Cán bộ Thanh tra