Thứ nhất, khoản 7 Điều 6 dự thảo Luật quy định về hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra như sau: "7. Không cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp không kịp thời, không đầy đủ, không trung thực, thiếu chính xác; chiếm đoạt, tiêu hủy tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra".
Đề nghị bổ sung hành vi thay đổi, làm sai lệch tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra, vì trên thực tế, có thể xảy ra hành vi này để cản trở, tác động, làm thay đổi nội dung thanh tra và kết quả thanh tra. Do đó, đề nghị biên tập nội dung này như sau: 7. Không cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp không kịp thời, không đầy đủ, không trung thực, thiếu chính xác; chiếm đoạt, tiêu hủy, thay đổi, làm sai lệch tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra".
Thứ hai, Điều 5 dự thảo Luật quy định: "Cơ quan thanh tra có chức năng giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định của pháp luật".
Trong khi đó, khoản 1 Điều 13 dự thảo Luật quy định: "1. Thanh tra tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước và thực hiện nhiệm vụ về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật".
Như vậy, vị trí, chức năng của Thanh tra tỉnh cần phải được làm rõ, đó là Thanh tra tỉnh giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước trong những lĩnh vực nào (thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí)? Có được tiến hành thanh tra trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hay chỉ giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
    |
 |
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Thanh tra. (Ảnh: Minh Nguyệt) |
Thứ ba, nhiệm vụ của Chánh Thanh tra tỉnh tại khoản 3 Điều 15 dự thảo Luật như sau: "3. Kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính".
Trong khi đó, nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra tại điểm q khoản 1 Điều 38 dự thảo Luật như sau: "q) Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền".
Quy định tại khoản 3 Điều 15 và điểm q khoản 1 Điều 38 dự thảo Luật là chưa thống nhất, bởi trong trường hợp, Chánh Thanh tra tỉnh đồng thời là người ra quyết định thanh tra thì cần phải quy định thống nhất về xử phạt vi phạm hành chính (nếu thuộc thẩm quyền) và kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (nếu không thuộc thẩm quyền). Do đó, cần xem xét, biên tập khoản 3 Điều 15 và điểm q khoản 1 Điều 38 dự thảo Luật cho thống nhất, đầy đủ, cụ thể như sau: "Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính".
Tương tự, đề nghị bổ sung nội dung này trong nhiệm vu, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra quy định tại Điều 39 và nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Đoàn thanh tra quy định tại Điều 40 dự thảo Luật.
Lý do: Trong quá trình thanh tra, khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính, không phải hành vi nào cũng thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Trưởng đoàn thanh tra và của Thanh tra viên là thành viên Đoàn thanh tra; trong trường hợp, phát hiện hành vi vi phạm hành chính nhưng thuộc hoặc không thuộc thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc không thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thì Trưởng đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên là thành viên Đoàn thanh tra tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính (nếu thuộc thẩm quyền) hoặc lập biên làm việc (nếu không thuộc thẩm quyền) và kiến nghị (kèm theo các biên bản, tài liệu, tang vật, phương tiện, vật chứng,….) đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Thứ tư, Điều 51 dự thảo Luật quy định khiếu nại, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, tuy nhiên, nội dung điều luật chỉ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra, chưa quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết các kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Vì vậy, đề nghị bổ sung cho đầy đủ, phù hợp.
Thứ năm, khoản 3 Điều 60 dự thảo Luật quy định: "3. Các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra.".
Đề nghị bổ sung nội dung này theo hướng, không chỉ các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra mà còn được phép trích một phần khoản tiền từ xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra như: người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra và thanh tra viên của các cơ quan thanh tra. Vì vậy, đề nghị xem xét, biên tập khoản 3 Điều 60 dự thảo Luật như sau: "3. Các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra, các khoản tiền từ xử phạt vi phạm hành chính sau khi nộp vào ngân sách nhà nước để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra".
Thứ sáu, do Thanh tra tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước và thực hiện nhiệm vụ về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật, vì vậy đề nghị nghiên cứu, bổ sung dự thảo Luật về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác thanh tra như: Ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác thanh tra; chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra tại địa phương; xây dựng, kiện toàn và nâng cao hiệu lực về tổ chức bộ máy thanh tra; đảm bảo kinh phí trong hoạt động thanh tra;…