Một số ý kiến tham gia góp ý đối với dự thảo Luật Căn cước

Thứ hai, 09/10/2023 09:52
(ThanhtraVietNam) - Dự thảo Luật Căn cước có một số điểm mới so với Luật Căn cước công dân (CCCD) năm 2014. Qua nghiên cứu dự thảo Luật, tác giả bài viết xin có một số ý kiến về việc đổi tên Luật; bổ sung thêm các quyền kiến nghị, phản ánh và tố giác đối với các hành vi vi phạm về căn cước; bổ sung đối tượng là người khuyết tật có thể thực hiện quyền, nghĩa vụ thông qua người đại diện hợp pháp…

Nghị quyết số 33/2023/UBTVQH15 ngày 17/03/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đã bổ sung Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023) và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (tháng 11/2023). Dự thảo Luật Căn cước có một số điểm mới so với Luật Căn cước công dân (CCCD) năm 2014, như mở rộng đối tượng áp dụng so với Luật CCCD năm 2014. Việc bổ sung nội dung cấp giấy chứng nhận căn cước và số định danh nhằm quản lý được toàn bộ công dân và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại địa phương; tạo thuận lợi trong công tác hoạch định chính sách phát triển xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ để giải thích các khái niệm cho phù hợp với nội dung, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và nghiêm cấm mua, bán, trao đổi, chia sẻ, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam…

Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật Căn cước (dự thảo xin ý kiến Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum và các cơ quan liên quan), tác giả xin tham gia một số ý kiến đối với dự thảo Luật như sau:

Thứ nhất, việc đổi tên Luật Căn cước công dân (sửa đổi) thành Luật Căn cước là phù hợp. Vì đối tượng áp dụng của Luật không chỉ đối với công dân Việt Nam mà còn là người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch (trong đó có người di cư tự do sống dọc biên giới Việt Nam với các nước láng giềng) và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; có thể là người nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam hoặc không nhập quốc tịch Việt Nam nhưng sinh sống và làm việc lâu dài ở Việt Nam. Các đối tượng không phải là công dân Việt Nam cần phải đưa vào diện cần phải cấp thẻ căn cước để quản lý. Do đó, việc đổi tên Luật Căn cước công dân (sửa đổi) thành Luật Căn cước là xu thế tất yếu của công tác quản lý dân cư hiện nay.

leftcenterrightdel
 (Ảnh minh họa, nguồn internet)

Thứ hai, điểm e khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật quy định: “e) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước”. Đề nghị bổ sung thêm các quyền kiến nghị, phản ánh và tố giác đối với các hành vi vi phạm về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước. Việc này, sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của công dân, giúp cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước mà không cần thiết phải thực hiện các trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo và khởi kiện theo quy định của pháp luật. Tương tự, đề nghị bổ sung điểm e khoản 2 Điều 5 dự thảo Luật.

Thứ ba, điểm c khoản 3 Điều 5 dự thảo Luật quy định: c) Xuất trình thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra theo quy định của pháp luật”. Đề nghị bổ sung nghĩa vụ phải chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm về thẻ căn cước và giấy chứng nhận căn cước (hiện quy định tại Điều 10 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/13/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình).

Thứ tư, khoản 4 Điều 5 dự thảo Luật quy định: “4. Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người dưới 14 tuổi được thực hiện quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này thông qua người đại diện hợp pháp của mình”. Đề nghị bổ sung thêm đối tượng là người khuyết tật (như bị mù lòa, bại liệt, câm, điếc…) thì khi thực hiện quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này có thể thông qua người đại diện hợp pháp của mình.

Thứ năm, đề nghị bổ sung các thông tin sau vào Điều 9 dự thảo Luật, gồm: Số sổ Bảo hiểm xã hội, Số thẻ Bảo hiểm Y tế, Giấy phép lái xe, Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản, các giấy tờ hộ tịch được cấp. Mục đích là để cập nhật đầy đủ các thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm thực hiện có hiệu quả việc quản lý dân cư.

Thứ sáu, khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật quy định: “1. Thu thập, cập nhật, chỉnh sửa kịp thời, chính xác thông tin về người dân”. Cụm từ “người dân” trong trường hợp này gồm những ai, có bao gồm công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch hay không. Nếu là như vậy, đề nghị bổ sung vào Điều 3 về giải thích từ ngữ đối với nội hàm của cụm từ “người dân” để áp dụng cho thống nhất.

Thứ bảy, khoản 4 Điều 3 dự thảo Luật quy định: 4. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu tập hợp thông tin liên quan đến công dân, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được quản lý, số hóa, chuẩn hóa, lưu trữ bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, tên gọi Điều 9 dự thảo Luật như sau: “Điều 9. Thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”. Như vậy, tên gọi của Điều 9 dự thảo Luật là chưa đầy đủ. Do đó, cần bổ sung tên gọi tại Điều 9 cụ thể như sau: “Điều 9. Thông tin của công dân, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”./.

Luật gia Đỗ Văn Nhân
Chánh Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra