Những dự án đầu tư có sử dụng đất phải tổ chức đấu thầu

Thứ sáu, 20/09/2024 07:47
(ThanhtraVietNam) - Chính phủ đã quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Trong đó, nêu rõ trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đất đai như: xây dựng công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cấp nước; xây dựng chợ, trạm dừng nghỉ, nhà ở xã hội; dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư…

Xử lý việc giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất

Đấu thầu lại dự án của thành viên Tập đoàn Hòa Phát

Chuyển hồ sơ vụ việc giao đất không đúng thẩm quyền ở thị xã Quế Võ sang cơ quan công an

Ngày 16/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Theo đó, các dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đất đai gồm:

(1) Dự án đầu tư có sử dụng đất quy định tại điểm a khoản 1 Điều 126 của Luật Đất đai.

(2) Dự án đầu tư có sử dụng đất quy định tại điểm b khoản 1 Điều 126 của Luật Đất đai gồm:

Một là, dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

Hai là, dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước theo quy định của pháp luật về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;

Ba là, dự án đầu tư xây dựng chợ theo quy định của pháp luật về phát triển và quản lý chợ;

Bốn là, dự án đầu tư xây dựng công trình trạm dừng nghỉ theo quy định của pháp luật quản lý ngành về đường bộ;

Năm là, dự án đầu tư xây dựng công trình dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng;

Sáu là, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về khuyến khích xã hội hóa khi có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm cùng đăng ký thực hiện (trừ dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công trình cấp nước);

Bảy là, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về nhà ở khi có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm cùng đăng ký thực hiện.

Tám là, dự án đầu tư trường đua ngựa, đua chó, trong đó có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định pháp luật về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế khi có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm cùng đăng ký thực hiện, đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, quản lý ngành, lĩnh vực;

Chín là, dự án đầu tư xây dựng công trình năng lượng thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về điện lực khi có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm cùng đăng ký thực hiện;

Mười là, các dự án khác thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 và điểm b khoản 1 Điều 126 của Luật Đất đai.

leftcenterrightdel
Một dự án đầu tư xây dựng chợ tại huyện Thanh Oai, Hà Nội. Ảnh: MB

Về quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, Nghị định quy định:

(1) Đối với dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật Đấu thầu: Công bố dự án đầu tư có sử dụng đất; chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; đánh giá hồ sơ dự thầu; trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư; đàm phán, hoàn thiện và ký kết hợp đồng.

(2) Đối với dự án yêu cầu công trình kiến trúc có giá trị theo quy định của pháp luật về kiến trúc, áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật Đấu thầu: Công bố dự án đầu tư có sử dụng đất; chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật; đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính; trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư; đàm phán, hoàn thiện và ký kết hợp đồng.

(3) Đối với dự án có yêu cầu đặc thù phát triển kinh tế, xã hội của ngành, vùng, địa phương nhưng chưa xác định được cụ thể tiêu chuẩn về kỹ thuật, xã hội, môi trường, áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi theo phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều 35 của Luật Đấu thầu: Công bố dự án đầu tư có sử dụng đất; chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư giai đoạn một; tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư giai đoạn một; chuẩn bị, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư giai đoạn hai; đánh giá hồ sơ dự thầu giai đoạn hai; trình, thẩm định, phê duyệt, công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư; đàm phán, hoàn thiện và ký kết hợp đồng.

Nhà đầu tư có giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với dự án thuộc nhóm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường được hưởng mức ưu đãi 5% khi đánh giá hồ sơ dự thầu.

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra