Chương trình mục tiêu phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số:

Những quy định đáng chú ý về quy trình giám sát và kiểm tra

Thứ tư, 29/06/2022 17:20
(ThanhtraVietNam) - Thông tư quy định quy trình giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (sau đây gọi là Chương trình) do Ủy ban Dân tộc ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/7/2022 quy định về quy trình giám sát, kiểm tra cụ thể.

Quy trình theo dõi Chương trình

Theo Thông tư số 01/2022/TT-UBDT, "Chủ chương trình” là Ủy ban Dân tộc, được giao chủ trì quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình.

Quy trình theo dõi Chương trình được Thông tư nêu rõ từ việc thu thập thông tin, cập nhật số liệu, báo cáo của đơn vị thực hiện; thu thập, tổng hợp thông tin, báo cáo ở cấp xã; tổng hợp thông tin, báo cáo ở cấp huyện, cấp tỉnh, cấp trung ương.

Cụ thể, đơn vị thực hiện thu thập thông tin, số liệu, tiến độ về quá trình đầu tư, kết quả dự án và các hoạt động được giao thực hiện 3 tháng 1 lần; báo cáo năm, báo cáo kết thúc dự án, hoạt động được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã (qua Ban quản lý xã) nơi thực hiện dự án, hoạt động; Ủy ban nhân dân cấp xã ký xác thực báo cáo của chủ đầu tư trước ngày 10/9 năm thực hiện, cập nhật bổ sung số liệu năm thực hiện trước ngày 25/01 năm sau và gửi báo cáo kết thúc dự án, hoạt động đã được Ủy ban nhân dân cấp xã ký xác thực cho chủ đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc đầu tư.

leftcenterrightdel
 Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND huyên Tam Đường (Lai Châu) kiểm tra thực tế tại công trình nước sinh hoạt bản Đông Pao, xã Bản Hon. Ảnh: laichau.gov.vn

Ủy ban nhân dân cấp xã (Ban quản lý xã) thu thập, tổng hợp thông tin về các dự án, hoạt động do cấp xã làm chủ đầu tư và do các đơn vị thực hiện triển khai trên địa bàn xã, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện (qua phòng Dân tộc hoặc đơn vị phụ trách công tác dân tộc cấp huyện) trước ngày 15/9 năm thực hiện, cập nhật bổ sung số liệu năm trước ngày 31/01 năm sau.

Chủ đầu tư ở cấp huyện tổng hợp thông tin hằng năm về dự án, hoạt động do mình làm chủ đầu tư trên địa bàn huyện gửi chủ dự án, chủ tiểu dự án, chủ nội dung thành phần cấp huyện trước ngày 10/9 năm thực hiện, cập nhật bổ sung số liệu năm thực hiện trước ngày 25/01 năm sau.

Chủ đầu tư cấp tỉnh tổng hợp thông tin hằng năm về dự án, hoạt động do mình làm chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh theo mẫu gửi chủ dự án, chủ tiểu dự án, chủ nội dung thành phần cấp tỉnh trước ngày 15/9 năm thực hiện, cập nhật bổ sung số liệu năm thực hiện trước ngày 31/01 năm sau.

Chủ đầu tư ở cấp trung ương tổng hợp thông tin hàng năm về dự án, hoạt động do mình làm chủ đầu tư theo mẫu gửi chủ dự án, chủ tiểu dự án, chủ nội dung thành phần cấp trung ương trước ngày 20/9 năm thực hiện, cập nhật bổ sung số liệu năm thực hiện trước ngày 05/02 năm sau.

3 công đoạn kiểm tra

Điều 4 của Thông tư quy định về trách nhiệm và nội dung kiểm tra Chương trình thực hiện theo quy định tại Điều 71 Luật Đầu tư công; Điều 43, Điều 44, Điều 45 và Điều 46 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP; Điều 30 và Điều 32 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và các quy định trong Thông tư 01/2022/TT-UBDT.

Hoạt động kiểm tra Chương trình được thực hiên theo quy trình sau:

Thứ nhất, lập kế hoạch kiểm tra Chương trình:

Cơ quan có thẩm quyền quyết định nội dung kiểm tra thực hiện Chương trình; ban hành kế hoạch kiểm tra; thông báo kế hoạch kiểm tra đến đơn vị được kiểm tra;

Cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập đoàn kiểm tra, phân công trưởng đoàn và các thành viên đoàn kiểm tra.

Thứ hai, tiến hành kiểm tra Chương trình:

Đoàn kiểm tra phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra theo kế hoạch. Thu thập các văn bản, hướng dẫn, báo cáo của địa phương và tổ chức, cá nhân liên quan đến thực hiện Chương trình. Tham vấn cán bộ các cấp; khảo sát thực tế ở xã và thôn bản về các nội dung kiểm tra; đối thoại, tham vấn người dân hưởng lợi về mức độ tham gia và hưởng lợi trong quá trình thực hiện các nội dung, hoạt động thuộc Chương trình.

Thứ ba, báo cáo kiểm tra Chương trình:

Đoàn kiểm tra gửi báo cáo kiểm tra trong vòng mười (10) ngày làm việc sau khi kết thúc đợt kiểm tra cho cơ quan có thẩm quyền để tổng hợp, báo cáo cơ quan cấp trên.

Các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương các cấp kiểm tra thực hiện Chương trình định kỳ theo kế hoạch hoặc kiểm tra đột xuất theo yêu cầu cụ thể của cơ quan có thẩm quyền khi cần thiết.

Giám sát đầu tư của cộng đồng 

Thông tư cũng quy định, quyền, nội dung, tổ chức thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng đối với các dự án, hoạt động thuộc Chương trình thực hiện theo quy định tại Điều 74 và Điều 75 Luật Đầu tư công; Điều 85, Điều 86 và Điều 87 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư; Điều 33 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, các quy định liên quan và quy định trong Thông tư này.

Đồng thời, Ủy ban nhân dân cấp xã (Ban quản lý xã) phối hợp với Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, các tổ chức chính trị - xã hội, các thôn, bản, tổ chức tham vấn cộng đồng và hộ gia đình, người dân hưởng lợi để rà soát, xác thực các thông tin, số liệu, báo cáo của đơn vị thực hiện về dự án, hoạt động cụ thể triển khai trên địa bàn xã nhằm phục vụ công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/7/2022 và tiếp tục là hành lang pháp lý để thúc đẩy thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số./.

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra