Nợ thuế 10 triệu đồng bị hoãn xuất cảnh: 'Khá lạ, chưa rõ căn cứ'

Thứ bảy, 14/12/2024 10:21
Chuyên gia cho rằng, việc đưa ra ngưỡng nợ thuế 10 triệu và 100 triệu đồng để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh là "khá lạ" vì chưa rõ căn cứ và như vậy số lượng cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh sẽ rất nhiều.

Đề xuất tạm hoãn xuất cảnh chưa rõ căn cứ

Từ 1/1/2025, cá nhân, chủ hộ kinh doanh có số tiền nợ thuế quá hạn trên 120 ngày từ 10 triệu đồng trở lên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Đây là nội dung quan trọng tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết Điều 6, Khoản 9 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến.

Cũng theo dự thảo của Bộ Tài chính, trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế có số tiền nợ thuế quá hạn trên 120 ngày với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên thì người đại diện pháp luật sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.

leftcenterrightdel
Đề xuất tạm hoãn xuất cảnh chưa rõ căn cứ. 

Đánh giá về đề xuất áp dụng ngưỡng nợ và thời gian nợ đối với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh của Bộ Tài chính, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài Chính cho rằng, đề xuất mới "gỡ khó" cho một số trường hợp nợ thuế chỉ vài triệu cũng bị hoãn xuất cảnh. Thế nhưng điều vị chuyên gia này đang chưa hiểu là đề xuất này dựa trên cơ sở nào.

Bởi theo ông Thịnh, nếu không có căn cứ, cơ sở để xây dựng đề xuất thì khi thực thi sẽ dễ vướng, dẫn đến việc sửa đổi lại không giải quyết được vấn đề thực tại.

Còn theo TS. Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, việc đưa ra ngưỡng nợ thuế 10 triệu và 100 triệu đồng để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh là "khá lạ" vì chưa rõ căn cứ và như vậy số lượng cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh sẽ rất nhiều.

Ông Tú cũng cho biết, vừa qua, khi cơ quan thuế áp dụng biện pháp này đã gây bức xúc trong dư luận. Bởi trong danh sách cố tình chây ỳ không chịu nộp thuế thì cũng có những trường hợp thật sự gặp khó khăn do không bán được hàng, thiên tai, hỏa hoạn… Những trường hợp này, họ cần sự hỗ trợ, như phân kỳ nộp thuế, khi có dòng tiền thì nộp dần.

Chưa kể theo quy định hiện hành, nợ thuế trên 90 ngày thì phạt chậm nộp, trích tài khoản ngân hàng, đình chỉ sử dụng hóa đơn, sau đó tạm hoãn xuất cảnh. Vì vậy, tạm hoãn xuất cảnh trong thời gian tới cũng phải phân loại. Trong trường hợp người nộp thuế xuất cảnh để bàn bạc đối tác, ký hợp đồng, giới thiệu sản phẩm dịch vụ thì không nên hạn chế mà cần hỗ trợ họ.  

Cùng nhìn nhận về đề xuất của Bộ Tài chính, bà Nguyễn Thị Mai Dung, Giảng viên khoa Luật, Học viện Ngân hàng cho rằng, so với các quốc gia khác, ngưỡng nợ thuế này còn khá thấp và sẽ dẫn đến nguy cơ số người bị ngăn xuất cảnh sẽ rất cao.

Bà Dung dẫn chứng, tại Mỹ, nợ thuế 55.000 USD (khoảng 1,3 tỷ đồng) bao gồm cả phần tiền lãi và phạt, người nợ thuế mới có thể bị xem xét tạm hoãn xuất cảnh. Còn tại Đài Loan, doanh nghiệp có nợ thuế quá 2 triệu Đài tệ (khoảng 1,57 tỷ đồng) sẽ khiến người đại diện pháp lý của doanh nghiệp bị hạn chế xuất cảnh.

Bình đẳng trong thực hiện quy định về thuế

Mặt khác, TS. Nguyễn Ngọc Tú cũng nêu ra một vấn đề gây bức xúc đó là doanh nghiệp nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh, bêu tên nhưng cơ quan thuế chậm hoàn thuế thì không thấy nói đến.

leftcenterrightdel
Bình đẳng trong thực hiện quy định về thuế. 

Theo đó, ông Tú đề xuất các quy định cần áp dụng một cách bình đẳng. Người nộp thuế nợ thuế thì cưỡng chế, còn cơ quan thuế chậm hoàn thuế cũng nên chịu trách nhiệm rõ ràng, chẳng hạn có biện pháp chế tài, kỷ luật…

“Trên thực tế, quy định trả lãi chậm hoàn thuế có từ lâu nhưng chưa có người nộp thuế nào được trả lãi vì chậm hoàn thuế. Doanh nghiệp bao lâu nay vẫn chịu thiệt thòi về chuyện này. Với cơ chế một cửa hiện nay, hệ thống thuế ứng dụng công nghệ tiên tiến thì cũng nên áp dụng chậm hoàn có thể thực hiện bồi hoàn từ quỹ hoàn thuế chứ không cần phải chờ đợi người nộp thuế kiện tụng đòi lãi”, ông Tú nói.

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn luật sư Hà Nội, đề xuất Bộ Tài chính nên đưa ra nhiều biện pháp khác để thu thuế hiệu quả hơn, không nên chỉ dựa vào việc tạm hoãn xuất nhập cảnh để thu thuế.

“Để tránh tác động tiêu cực, phạm vi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cần thu hẹp lại, thay vì mở rộng thêm. Đồng thời, cần bổ sung quy định loại trừ đối với những cá nhân, doanh nghiệp có lịch sử tuân thủ thuế tốt nhưng đang gặp khó khăn kinh doanh hoặc đã có lộ trình phân kỳ nộp thuế”, ông Tuấn Anh đề xuất.

Đồng thời, theo vị chuyên gia này, việc ngăn cản xuất cảnh trong các trường hợp đi hợp tác kinh doanh hoặc chữa bệnh hiểm nghèo cũng cần được cân nhắc, tránh gây khó khăn không cần thiết và thiếu nhân văn. Quyền tự do đi lại là quyền cơ bản, nên chỉ áp dụng biện pháp này khi thật sự cần thiết, tránh lạm dụng.


Theo Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra