Thời gian qua, tình hình công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại địa điểm tiếp công dân của VKSND các cấp vẫn còn diễn biến phức tạp, trong đó lĩnh vực tư pháp chủ yếu là đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động đã có hiệu lực pháp luật; khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định tố tụng như: khiếu nại quyết định cưỡng chế, kê biên tài sản, đấu giá tài sản, tố cáo chấp hành viên lạm dụng quyền hạn trong thi hành án, cố tình thi hành án không đúng với quyết định của bán án… Thực hiện quy định của Luật Tiếp công dân, VKSND các cấp đã bố trí nơi tiếp công dân riêng và phân công cán bộ thường trực tiếp công dân. Viện trưởng VKSND các cấp thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân. Ngoài việc tiếp công dân theo định kỳ hoặc đột xuất, lãnh đạo VKSND các cấp còn đặc biệt quan tâm đến việc đối thoại với công dân để giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh bức xúc, kéo dài.
Tuy nhiên, thực tế công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp còn có những khó khăn nhất định. Đó là do trình độ hiểu biết pháp luật của một số người dân còn hạn chế nên việc chấp hành quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo chưa cao. Không ít người lợi dụng quyền tự do, dân chủ để cố tình khiếu nại, tố cáo sai sự thật, gây mất thời gian, công sức cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc xem xét, giải quyết. Nhiều trường hợp công dân vi phạm nội quy nơi tiếp công dân, tuy nhiên lại chưa có quy định về chế tài xử lý hành vi vi phạm đó nên còn nhiều trường hợp công dân có biểu hiện quá khích hoặc bị lôi kéo, kích động, cố tình gây rối, xúc phạm, đe dọa, cán bộ tiếp công dân chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, thuyết phục nên những hành vi này vẫn tiếp diễn, gây khó khăn cho hoạt động tiếp công dân.
Để hoàn thiện cơ sở pháp lý và tạo sự thống nhất trong toàn ngành, VKSND tối cao đã ban hành Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, kèm theo Quyết định số 222/QĐ-VKSNDTC ngày 22/6/2023 thay thế Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (được ban hành kèm theo Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/02/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao).
Tiếp nhận, xử lý và quản lỷ đơn thư một đầu mối
Theo Quy chế, khi công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân có trách nhiệm đón tiếp, vào sổ tiếp công dân. Trường hợp người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chưa có đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân hướng dẫn viết đơn hoặc ghi lại đầy đủ, chính xác nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh bằng văn bản và yêu cầu họ ký xác nhận hoặc điểm chỉ; trường hợp nội dung trình bày chưa rõ ràng, đầy đủ thì người tiếp công dân đề nghị người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày bổ sung hoặc bổ sung tài liệu, chứng cứ.
Đối với các đơn vị nghiệp vụ, khi được Đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thông báo việc tiếp công dân, các đơn vị nghiệp vụ phải cử ngay người có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định; trường hợp vì lý do khách quan mà chưa tiếp được thì phải hẹn ngày tiếp và thông báo cho Đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp biết. Đồng thời, có trách nhiệm phối hợp trong việc tiếp và xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung tại nơi tiếp công dân.
Đơn gửi đến VKSND từ tất cả các nguồn (kể cả đơn gửi đến lãnh đạo Viện) đều phải được tiếp nhận thống nhất qua một đầu mối là Đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp để xử lý và quản lý; không tiếp nhận đơn ngoài nơi quy định. Riêng đơn được gửi đến Cơ quan điều tra VKSND do cơ quan điều tra trực tiếp tiếp nhận và xử lý. Đơn khiếu nại, tố cáo sau khi tiếp nhận, được xử lý như sau:
Đối với đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát cấp mình, thì thụ lý để giải quyết theo quy định của pháp luật và của ngành. Đối với đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết của Viện kiểm sát cấp mình thì chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thực hiện thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết theo quy định của pháp luật và của ngành.
Đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát khác thì chuyển đơn cùng tài liệu kèm theo (nếu có) cho Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết, đồng thời báo tin cho người gửi đơn biết. Đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền kiểm sát của Viện kiểm sát khác thì chuyển đơn cùng tài liệu kèm theo đến cơ quan tư pháp có thẩm quyền giải quyết, đồng thời gửi phiếu chuyển đơn đến Viện kiểm sát có thẩm quyền để kiểm sát việc giải quyết và báo tin cho người gửi đơn biết.
Đối với đơn khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết và kiểm sát việc giải quyết của Viện kiểm sát thì trả lại đơn và tài liệu kèm theo (nếu có) cho người gửi đơn hoặc cá nhân, cơ quan đã chuyển đến, đồng thời hướng dẫn gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Riềng đối với đơn tố cáo xuất phát từ việc khiếu nại đã được giải quyết theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nhưng người khiếu nại không đồng ý, chuyển sang tố cáo đối với người giải quyết khiếu nại nhưng không cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc tố cáo của mình thì Viện kiểm sát có thẩm quyền lưu đơn và thông báo việc lưu đơn cho người gửi đơn biết.
Không xem xét đối với đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ, hoặc sử dụng họ tên của người khác và không cung cấp tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo hoặc nội dung tố cáo đã được cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết mà người tố cáo không đưa ra được chứng cứ mới.
Trường hợp đơn tố cáo không rõ tên người tố cáo nhưng cung cấp thông tin tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo, có cơ sở để thẩm tra xác minh mà nội dung tố cáo thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết thì Viện kiểm sát tiếp nhận đơn để tiến hành thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền; nếu không thuộc thẩm quyền thì chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để tiến hành thanh tra, kiểm tra, phục vụ công tác quản lý.
Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp
Các trường hợp khiếu nại trong hoạt động tư pháp có quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của Viện kiểm sát, nếu người khiếu nại tiếp tục gửi đơn đối với nội dung đã được giải quyết, thì được xác định là “Đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật”.
Đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của Viện kiểm sát chỉ được xem xét kiểm tra khi có một trong những điều kiện sau: đơn bức xúc, kéo dài; đơn về những vụ việc có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm; đơn có sự chỉ đạo xem xét của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đơn được các cơ quan báo chí và dư luận quan tâm; đơn có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở trung ương hoặc địa phương, đơn có tình tiết mới làm thay đổi kết quả giải quyết vụ việc khiếu nại nhưng Viện kiểm sát đã ban hành quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật không xem xét.
Sau khi xác định đơn đã đáp ứng điều kiện và thuộc thẩm quyền kiểm tra của Viện kiểm sát cấp mình, Đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát cấp mình quyết định việc kiểm tra; nếu đơn thuộc thẩm quyền kiểm tra nhưng chưa đáp ứng điều kiện, thì lưu đơn để theo dõi, quản lý; nếu đơn thuộc thẩm quyền kiểm tra của Viện kiểm sát khác, thì chuyển Viện kiểm sát có thẩm quyền, đồng thời báo tin cho người gửi đơn biết.
Đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu giúp Viện trưởng Viện kiểm sát cấp mình trong việc kiểm tra. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị phối hợp kèm theo hồ sơ tài liệu có liên quan thì đơn vị phối hợp phải có quan điểm xử lý vụ việc bằng văn bản gửi đơn vị chủ trì; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn cho quan điểm có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày.
Kết thúc việc kiểm tra, nếu quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật có căn cứ, đúng pháp luật, thì Viện kiểm sát thông báo bằng văn bản kết quả kiểm tra cho người đã gửi đơn; nếu thấy cần thiết thì thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Nếu quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung giải quyết trước đó.
Thủ tục giải quyết tố cáo trong hoạt động tư pháp được thực hiện theo quy định của pháp luật và của ngành trong từng lĩnh vực.
Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp
Khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát được áp dụng các biện pháp sau: Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo; Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp mình, cấp dưới và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát; Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm sát; Trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan có thẩm quyền.
Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo các bước sau:
- Nghiên cứu đơn hoặc văn bản yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hoặc các nguồn thông tin khác và hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; nếu cần thiết, có thể làm việc trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người tố cáo, người bị tố cáo, người có liên quan để xác minh những vấn đề cần làm rõ hoặc thu thập những thông tin, tài liệu, chứng cứ cần thiết khác.
- Đối chiếu với các quy định tương ứng của pháp luật để xác định dấu hiệu vi phạm hoặc kết luận vi phạm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (về thẩm quyền, thủ tục, thời hạn và nội dung giải quyết).
- Áp dụng các biện pháp kiểm sát phù hợp và ban hành kết luận, kiến nghị, kháng nghị theo quy định. Trong quá trình áp dụng các biện pháp kiểm sát, nếu thấy cần thiết thì tiếp tục thực hiện các bước nghiên cứu đơn hoặc đối chiếu với các quy định tương ứng của pháp luật.
- Việc tiến hành kiểm sát và kiểm tra việc thực hiện kiến nghị, kháng nghị đều phải được lập thành hồ sơ. Hồ sơ phải có đầy đủ các văn bản kiểm sát hoặc kiểm tra đã ban hành theo quy định và các tài liệu liên quan khác. Hồ sơ phải được đánh số trang theo thứ tự tài liệu và được lưu trữ theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Quy chế cũng quy định rõ, Viện trưởng VKSND các cấp có trách nhiệm bảo đảm những điều kiện cần thiết để thực hiện hiệu quả Quy chế này, bao gồm: Bố trí địa điểm tiếp công dân theo quy định của pháp luật. In và cấp đầy đủ sổ, biểu mẫu phục vụ công tác kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; trang bị đầy đủ phương tiện cần thiết khác phục vụ công tác kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp và giải quyết chế độ bồi dưỡng cho người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định pháp luật./.