Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn thanh tra của Bộ Nội vụ

Thứ năm, 27/04/2023 16:43
(ThanhtraVietNam) - Nhằm quy định chi tiết về tổ chức, hoạt động Đoàn thanh tra của Bộ Nội vụ; trách nhiệm của Chánh Thanh tra Bộ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ chủ trì cuộc thanh tra (sau đây gọi tắt là Thủ trưởng đơn vị chủ trì Đoàn thanh tra), Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra thực hiện khi tiến hành cuộc thanh tra…, mới đây Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 293/QĐ-BNV về Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn thanh tra của Bộ Nội vụ.

Cụ thể, Quy chế này áp dụng đối với Chánh Thanh tra Bộ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Qua đó, đánh giá, xếp loại, khen thưởng, xử lý vi phạm đối với Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trình tự ban hành Quyết định thanh tra

Căn cứ Kế hoạch thanh tra hoặc nhiệm vụ thanh tra được giao, Thủ trưởng đơn vị chủ trì Đoàn thanh tra trực tiếp chỉ đạo việc thu thập thông tin, tài liệu, xây dựng dự thảo Quyết định thanh tra, tham gia ý kiến vào dự thảo Kế hoạch tiến hành thanh tra; ký ban hành Quyết định thanh tra, phê duyệt Kế hoạch tiến hành thanh tra.

Ngoài ra, Dự thảo Quyết định thanh tra phải nêu rõ căn cứ, nội dung, đối tượng, phạm vi, thời kỳ, thời hạn thanh tra; cơ cấu tổ chức Đoàn thanh tra; nhiệm vụ của Đoàn thanh tra; trách nhiệm thực hiện Quyết định thanh tra. Dự thảo Kế hoạch tiến hành thanh tra phải nêu rõ mục đích, yêu cầu; nội dung, đối tượng, phạm vi, thời kỳ, thời hạn thanh tra; phương pháp tiến hành thanh tra; tiến độ thực hiện, chế độ thông tin báo cáo; phân công nhiệm vụ thành viên Đoàn thanh tra; kinh phí, phương tiện và những vấn đề khác liên quan đến việc tổ chức cuộc thanh tra.

Thủ trưởng đơn vị Đoàn thanh tra chủ trì xem xét, quyết định người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của cuộc thanh tra làm Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra và số lượng người tham gia Đoàn thanh tra.

Đối với những cuộc thanh tra đột xuất, Chánh Thanh tra Bộ ban hành Quyết định thanh tra. Trường hợp người ra quyết định thanh tra đột xuất là Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ thì quyết định thanh tra đột xuất đồng thời gửi Chánh Thanh tra Bộ.

Thủ trưởng đơn vị chủ trì Đoàn thanh tra giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra do mình ban hành Quyết định thanh tra. Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp người là thành viên Đoàn thanh tra có trách nhiệm giám sát người đó trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

Thủ trưởng đơn vị chủ trì Đoàn Thanh tra có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra

Thủ trưởng đơn vị chủ trì Đoàn Thanh tra có trách nhiệm ban hành, chỉ đạo việc tổ chức công bố Quyết định thanh tra; làm việc với lãnh đạo cơ quan, tố chức là đối tượng thanh tra về kết quả thanh tra khi kết thúc thanh tra trực tiếp; chỉ đạo xây dựng Kết luận thanh tra và gửi lấy ý kiến tham gia của đối tượng thanh tra, trình Lãnh đạo Bộ phụ trách xem xét cho ý kiến trước khi ký ban hành; tổ chức việc công bố Kết luận thanh tra.

Ngoài ra, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra nhằm đảm bảo nguyên tắc hoạt động thanh tra tuân thủ pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực; đúng mục đích, yêu cầu về nội dung, phạm vi, đối tượng, thời kỳ, thời hạn thanh tra; không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời kỳ, thời hạn thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra.

Đặc biệt, trực tiếp giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị có liên quan đến cuộc thanh tra; chịu trách nhiệm về tổ chức Đoàn thanh tra, chất lượng và tiến độ ban hành Kết luận thanh tra. Đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ thanh tra đối với Trưởng đoàn thanh tra; phối hợp với Trưởng đoàn thanh tra đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ thanh tra đối với Phó Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra. Đồng thời, chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra đối với các cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các kiến nghị được nêu tại Kết luận thanh tra.

leftcenterrightdel
 

Trưởng đoàn thanh tra chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức và hoạt động của Đoàn thanh tra

Theo Quy chế, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, điều hành thành viên Đoàn thanh tra thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật; đúng mục đích, yêu cầu, nội dung, phạm vi, đối tượng, thời kỳ, thời hạn thanh tra theo Quyết định thanh tra, Kế hoạch tiến hành thanh tra và theo chỉ đạo của Thủ trưởng đơn vị chủ trì Đoàn thanh tra.

Đồng thời, tham mưu cho Thủ trưởng đơn vị chủ trì Đoàn thanh tra thực hiện đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Phó Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra.

Đặc biệt, Trưởng đoàn thanh tra chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Thủ trưởng đơn vị chủ trì Đoàn thanh tra về tổ chức và hoạt động của Đoàn thanh tra, tiến độ và chất lượng Báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo Kết luận thanh tra, Quyết định xử lý về thanh tra (nếu có).

Theo Điều 13, Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ có trách nhiệm phối hợp với Thủ trưởng đơn vị chủ trì Đoàn thanh tra xem xét, xử lý các văn bản do đơn vị mình tham mưu trả lời các bộ, ngành, địa phương nhưng có nội dung chưa phù hợp với các quy định của pháp luật; có ý kiến làm rõ, cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến những vấn đề còn vướng mắc, phát sinh trong quá trình thanh tra thuộc chức năng quản lý nhà nước của đơn vị mình; kiến nghị với cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền các giải pháp để hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ngành Nội vụ.

Bên cạnh đó, Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ có trách nhiệm cử công chức tham gia các Đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra khi có yêu cầu.

Thủ trưởng đơn vị chủ trì Đoàn thanh tra thực hiện việc đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với Trưởng đoàn thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra thực hiện việc đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với Phó Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra. Theo đó, Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra được đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo các tiêu chí: (1) Mức độ hoàn thành các nhiệm vụ; (2) Không vi phạm những điều cấm; (3) Mức độ hoàn thành về tiến độ Báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo Kết luận thanh tra phải hoàn thành đúng thời hạn theo quy định pháp luật; (4) Mức độ hoàn thành về chất lượng Báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo Kết luận thanh tra phải phản ánh đầy đủ các nội dung theo Kế hoạch tiến hành thanh tra được duyệt.

Xử lý vi phạm đối với các cuộc thanh tra chậm hoặc không đảm bảo chất lượng

Quy chế cũng quy định các trường hợp xử lý vi phạm đối với các Đoàn thanh tra. Cụ thể, cuộc thanh tra chậm là cuộc thanh tra chậm về thời gian ban hành Kết luận thanh tra, được tính từ khi kết thúc thanh tra trực tiếp đến khi báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ phụ trách về dự thảo Kết luận thanh tra theo quy định tại Luật Thanh tra. Cuộc thanh tra không đảm bảo chất lượng là cuộc thanh tra không đảm bảo về nội dung thanh tra, có thiếu sót, vi phạm trong hoạt động thanh tra.

Tùy theo mức độ và số lượng cuộc thanh tra chậm hoặc tính chất và mức độ không bảo đảm chất lượng, Thủ trưởng đơn vị chủ trì, Trưởng Đoàn thanh tra và thành viên Đoàn thanh tra sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật./.

Quỳnh An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra