Quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra

Thứ tư, 28/08/2024 07:31
(ThanhtraVietNam) - Việc thực hiện kết luận thanh tra trải qua nhiều khâu, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Chương V của Luật Thanh tra năm 2022 đã quy định trách nhiệm cụ thể của những chủ thể này và biện pháp đảm bảo kết luận thanh tra được thực hiện.

Thanh Hóa: Thanh tra, kiểm tra thường xuyên về công tác đấu thầu

5 yêu cầu của Thủ tướng với công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật

Cần dung hòa hai vấn đề trong xây dựng pháp luật

Thanh tra là công cụ quan trọng của quản lý nhà nước, mục đích của hoạt động thanh tra là phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, giúp các chủ thể trong xã hội thực hiện đúng quy định của pháp luật, phát huy nhân tố tích cực, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.

Bên cạnh việc triển khai các cuộc thanh tra trọng tâm, hiệu quả, việc thực hiện kết luận thanh tra bao gồm các biện pháp hành chính, xử lý kỷ luật, thu hồi tiền, tài sản cũng là một khâu quan trọng. Chất lượng thực hiện kết luận thanh tra được đảm bảo là yếu tố then chốt nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra, đảm bảo được mục đích, sứ mệnh của công tác thanh tra.

Việc thực hiện kết luận thanh tra trải qua nhiều nhiều khâu, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm cơ quan tiến hành thanh tra, cơ quan quản lý nhà nước, đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra. Chương V của Luật Thanh tra năm 2022 đã quy định trách nhiệm cụ thể của những chủ thể này và biện pháp đảm bảo kết luận thanh tra được thực hiện.

Những quy định về trách nhiệm trong thực hiện kết luận thanh tra

Thứ nhất, quy định về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thanh tra trong việc kiến nghị Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp chỉ đạo việc thực hiện nội dung của kết luận thanh tra. Với tư cách là Người ra quyết định thanh tra và là người ban hành Kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra khi gửi kết luận thanh tra phải gửi đồng thời văn bản kiến nghị Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp chỉ đạo việc thực hiện nội dung của kết luận thanh tra. Trong văn bản kiến nghị phải đề xuất cách thức, biện pháp tổ chức thực hiện đối với các kiến nghị trong kết luận thanh tra thuộc thẩm quyền xử lý của Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp.

Và hơn thế nữa, trong suốt quá trình triển khai thực hiện kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra phải báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra với Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp (Điều 102 Luật Thanh tra năm 2022).

leftcenterrightdel
Quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra 

Thứ hai, quy định về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý trong việc chỉ đạo việc thực hiện nội dung của kết luận thanh tra. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện kết luận thanh tra là một quy định mới của Luật Thanh tra năm 2022 nhằm nâng cao hiệu lực triển khai thực hiện kết luận thanh tra. Theo quy định tại Điều 103, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước những cấp có cơ quan thanh tra, cụ thể là Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện. Tổng Cục trưởng, Cục trưởng, Giám đốc sở chịu trách nhiệm chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Tổng cục, Cục, Thanh tra sở.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp phải ban hành văn bản tổ chức thực hiện kết luận thanh tra của cơ quan thanh tra. Đối với kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản tổ chức thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kết luận thanh tra.

Để tạo sự nghiêm minh của pháp luật, sự nhất quán trong mục đích hoạt động thanh tra cũng như sự mềm dẻo, khả thi của kết luận thanh tra. Luật cũng quy định, khi chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước các cấp kể trên có quyền yêu cầu đối tượng thanh tra trình phương án khắc phục sai phạm về kinh tế, giao người ban hành kết luận thanh tra và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan xem xét, trình để phê duyệt phương án khắc phục sai phạm bảo đảm thu hồi triệt để tiền và tài sản nhà nước, tạo điều kiện cho đối tượng thanh tra tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước các cấp có trách nhiệm giao cơ quan, đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ chủ trì, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức tiến hành xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật được nêu trong kết luận thanh tra; giao cơ quan thanh tra các cấp bao gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện theo dõi, đôn đốc việc thực hiện.

Thứ ba, quy định về trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra. Việc theo dõi, đôn đốc nhằm giúp người ban hành kết luận thanh tra biết tiến độ, kết quả thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra, những khó khăn, vướng mắc để xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Để việc thực hiện kết luận thanh tra một cách nghiêm túc thì việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra là cần thiết. Điều 105 Luật Thanh tra năm 2022 và Mục 2 chương 6 Nghị định 43/2023/NĐ quy định cụ thể nội dung này.

Thứ tư, quy định về trách nhiệm của đối tượng thanh tra trong việc thực hiện kết luận thanh tra. Có thể nói, đối tượng thanh tra là trung tâm của việc thực hiện kết luận thanh tra, là người chịu trách nhiệm chính, quyết định việc thực hiện kết luận thanh tra có hiệu quả hay không. Điều 104 Luật thanh tra năm 2022 quy định đối tượng thanh tra phải thực hiện kết luận thanh tra đầy đủ, kịp thời, đúng thời hạn. Đối với những nội dung trong kết luận thanh tra mà chưa thực hiện được ngay, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày công khai kết luận thanh tra, đối tượng thanh tra phải xây dựng kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra trình người có thẩm quyền, trong đó nêu rõ tiến độ và giải thích lý do. Đồng thời, đối tượng thanh tra cũng có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra với cấp có thẩm quyền và Thủ trưởng cơ quan thanh tra.

Thứ năm, quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra đối với thực hiện kết luận thanh tra của đối tượng thanh tra. Luật thanh tra không chỉ quy định những việc mà đối tượng thanh tra phải làm mà còn quy định trách nhiệm đối với cơ quan quản lý đối tượng thanh tra.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công khai kết luận thanh tra, căn cứ nội dung trong kết luận thanh tra, văn bản tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, các yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra có trách nhiệm: (i) thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng thời hạn yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra thuộc phạm vi trách nhiệm của mình; (ii) kịp thời chỉ đạo đối tượng thanh tra tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, các yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; (iii) áp dụng biện pháp theo thẩm quyền để giải quyết khó khăn, vướng mắc của đối tượng thanh tra trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra; (iv) kiểm tra việc xây dựng phương án thực hiện kết luận thanh tra của đối tượng thanh tra.

Bên cạnh đó, cũng tương tự như đối với đối tượng thanh tra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra với cấp có thẩm quyền và Thủ trưởng cơ quan thanh tra.

Quy định về xử lý vi phạm trong thực hiện kết luận thanh tra

Ngoài ra để đảm bảo kết luận thanh tra được thực hiện nghiêm túc, Luật Thanh tra năm 2022 đã được ra một số nguyên tắc đối với việc thực hiện kết luận thanh tra cho từng chủ thể, cụ thể:

Một là, người có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra mà không tổ chức thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Hai là, trường hợp Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức không xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật hoặc xử lý không phù hợp với tính chất, mức độ hành vi vi phạm thì Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, xử lý trách nhiệm đối với Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Ba là, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện kết luận thanh tra mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

TS. Lê Thanh Thủy - Phó trưởng Khoa Nghiệp vụ Thanh tra - Trường Cán bộ Thanh tra
ThS. Nguyễn Mai Anh - Giảng viên Khoa Nghiệp vụ Thanh tra - Trường Cán bộ Thanh tra

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra