Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng đã nêu: Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng; công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng.
“Tuân thủ đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, thẩm quyền, phương pháp công tác theo quy định của Đảng; chủ động, kịp thời, công khai, dân chủ, khách quan, công tâm, thận trọng, chặt chẽ, chính xác, nghiêm minh” là một trong những nguyên tắc trong kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng.
Ngày 4/1/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 139-QĐ/TW ban hành Quy trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Quyết định này thay thế Quyết định số 173-QĐ/TW, ngày 08/7/2008 của Bộ Chính trị khóa X ban hành Quy trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Theo đó, Quy trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư gồm các bước sau: Bước chuẩn bị; Bước tiến hành và Bước kết thúc.
Cụ thể:
1. Bước chuẩn bị được thực hiện như sau:
Thứ nhất, thành lập đoàn kiểm tra và xây dựng kế hoạch kiểm tra:
Ủy ban Kiểm tra Trung ương căn cứ chương trình, kế hoạch kiểm tra hằng năm; chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu xây dựng, ban hành quyết định, kế hoạch kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đề cương báo cáo kết quả tự kiểm tra của đối tượng kiểm tra (khi báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kế hoạch kiểm tra thì kèm đề cương báo cáo).
Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành quyết định, kế hoạch kiểm tra. Căn cứ tính chất, nội dung kiểm tra quyết định thành phần, số lượng thành viên đoàn kiểm tra. Phân công Ủy viên Bộ Chính trị hoặc Ủy viên Ban Bí thư làm trưởng đoàn kiểm tra. Kế hoạch kiểm tra phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng, phương pháp, thời gian tiến hành...
Thời gian kiểm tra không quá 180 ngày, trường hợp cần thiết có thể quyết định gia hạn thời gian nhưng không quá 60 ngày.
Thứ hai, đoàn kiểm tra dự kiến lịch làm việc của đoàn, nội quy hoạt động phân công nhiệm vụ cho từng thành viên đoàn kiểm tra; chuẩn bị các văn bản, tài liệu có liên quan.
2. Bước tiến hành theo trình tự sau:
Thứ nhất, đoàn kiểm tra hoặc đại diện đoàn kiểm tra triển khai quyết định kế hoạch kiểm tra, thống nhất lịch làm việc với đối tượng kiểm tra và đại diện tổ chức đảng quản lý đảng viên (nếu đối tượng kiểm tra là đảng viên); yêu cầu đối tượng kiểm tra chuẩn bị báo cáo theo đề cương gợi ý, cung cấp hồ sơ, tài liệu; chỉ đạo tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp thực hiện.
Thứ hai, đối tượng kiểm tra chuẩn bị báo cáo tự kiểm tra bằng văn bản và các hồ sơ, tài liệu có liên quan gửi Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư (qua đoàn kiểm tra).
Thứ ba, đoàn kiểm tra thẩm tra, xác minh: (1) Đoàn kiểm tra nghiên cứu báo cáo tự kiểm tra, hồ sơ, tài liệu; làm việc với đối tượng kiểm tra và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Yêu cầu đối tượng kiểm tra bổ sung, giải trình bằng văn bản những nội dung cần làm rõ (nếu có). Khi cần điều chỉnh, bổ sung về nội dung, thời gian, đối tượng kiểm tra thì đoàn kiểm tra báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định. (2) Đoàn kiểm tra dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra.
Thứ tư, tổ chức hội nghị thông qua dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra (tổ chức đảng là đối tượng kiểm tra hoặc quản lý trực tiếp đảng viên được kiểm tra chủ trì và ghi biên bản hội nghị) với thành phần gồm: Đoàn kiểm tra; tập thể lãnh đạo có thẩm quyền của tổ chức được kiểm tra hoặc đảng viên được kiểm tra và đại diện tổ chức đảng quản lý đảng viên đó (trưởng đoàn kiểm tra căn cứ nội dung, đối tượng kiểm tra để quyết định tổ chức đảng chủ trì tổ chức hội nghị, thành phần tham dự). Nội dung hội nghị: Đoàn kiểm tra thông qua dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra; hội nghị thảo luận, tham gia ý kiến và kiến nghị, đề xuất bằng văn bản (nếu có).
Thứ năm, đoàn kiểm tra tiếp tục thẩm tra, xác minh những nội dung chưa rõ hoặc còn có ý kiến khác nhau; hoàn chỉnh dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra trình Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư (qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương).
Thứ sáu, Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổng hợp kết quả kiểm tra của các đoàn, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng gửi dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra đến các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị hoặc Ủy viên Ban Bí thư theo Quy chế làm việc.
|
|
Kỳ họp thứ 34 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Tạp chí Kiểm tra |
3. Bước kết thúc gồm các nội dung sau:
Thứ nhất, Hội nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, kết luận với thành phần gồm: Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị hoặc Ủy viên Ban Bí thư, đại diện đoàn kiểm tra; đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương của Đảng và tổ chức đảng, đảng viên có liên quan. Nội dung: Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra của các đoàn, ý kiến của đối tượng kiểm tra và các đề xuất, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân có liên quan; hội nghị thảo luận, kết luận.
Trường hợp kết luận đối tượng kiểm tra vi phạm đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật và tự giác kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật thì Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư xem xét, quyết định hoặc báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Trường hợp đối tượng kiểm tra chưa tự giác, không nhận trách nhiệm thì tiến hành kiểm tra hoặc chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.
Đoàn kiểm tra hoàn chỉnh báo cáo kết quả kiểm tra, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng xây dựng thông báo kết luận kiểm tra trình Thường trực Ban Bí thư ký, ban hành.
Thứ hai, đại diện Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư thông báo hoặc ủy quyền cho đoàn kiểm tra thông báo kết luận kiểm tra đến đối tượng kiểm tra và các tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện.
Thứ ba, đoàn kiểm tra họp rút kinh nghiệm; hoàn chỉnh hồ sơ, bàn giao cho Văn phòng Trung ương Đảng lưu trữ theo quy định.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương được giao đôn đốc, giám sát đối tượng kiểm tra thực hiện kết luận kiểm tra; định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.