Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, hội tụ của nhiều văn hóa tín ngưỡng khác nhau. Trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành luôn đề cao quyền con người, khẳng định quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của công dân. Ngày 18/11/2016 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội thông qua đánh dấu bước ngoặt trong việc thực thi quyền tự do tôn giáo của các tầng lớp nhân dân. Qua đó, mọi người được quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng trong khuôn khổ pháp luật quy định. Phóng viên Tạp chí Thanh tra đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Giám đốc Công ty Luật HTC Việt Nam, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội để làm rõ một số nội dung liên quan đến lĩnh vực này.
PV: Tự do tín ngưỡng tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người, đã được ghi nhận từ rất sớm trong các văn bản pháp luật của các quốc gia và quốc tế. Luật sư có thể cho biết quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được quy định như thế nào theo pháp luật Việt Nam?
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Tại Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo sớm đã được ghi nhận trong Hiến pháp đầu tiên (1946) và tiếp tục được ghi nhận trong các bản Hiến pháp được bổ sung sửa đổi qua các năm 1959, 1980, 1992 và gần đây nhất là Hiến pháp 2013. Cụ thể Điều 24; Chương II Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Hiến pháp Việt Nam 2013 quy định:
1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.”
Như vậy, Hiến pháp đã khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền cơ bản của con người, của công dân đồng thời tôn trọng và bảo vệ quyền đó thông qua việc quy định không ai được xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo hay lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để vi phạm pháp luật, tạo ra một hành lang pháp lý an toàn cho cả người theo hay không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào đó nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, giữ gìn trật tự ổn định của xã hội.
Bên cạnh đó, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 cũng đã khẳng định rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân trên đất nước Việt Nam (Điều 6) đồng thời có sự bảo đảm cho việc thực hiện các quyền đó như sau:
1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
2. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.
3. Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
4. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.
5. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.
6. Chính phủ quy định chi tiết việc bảo đảm thực hiện các quyền quy định tại khoản 5 Điều này.
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Giám đốc Công ty Luật HTC Việt Nam, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Ảnh: PV
PV: Với các quy định nêu trên, Luật sư có thể cho biết thêm về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo?
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Theo quy định hiện hành tại Điều 5 Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 thì các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bao gồm:
1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.
2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.
4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:
a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;
b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;
d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.
5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.
PV: Vừa qua, có một số vụ việc điển hình có dấu hiệu vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, Luật sư có thể nêu rõ vấn đề này?
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc có dấu hiệu lợi dùng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điển hình có thể kể đến sự việc truyền bá “vong báo oán” xảy ra tại chùa Ba Vàng tỉnh Quảng Ninh. Thông qua việc tổ chức các hoạt động “thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ”, “giải nghiệp tiền kiếp”, một số cá nhân với danh nghĩa Phật tử đã tổ chức các hoạt động truyền bá một số quan niệm sai lệch, gieo rắc sợ hãi trong cộng đồng, mà xét đến cùng là nhằm mục đích thu lợi. Theo Luật sư hành vi trên đã vi phạm khoản 5 Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể là hành vi lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.
Bên cạnh đó là vụ việc CLB tình người, CLB Tình Người được giới thiệu là một tổ chức thiện nguyện với nhiều hoạt động ý nghĩa như xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiện cho cựu thanh niên xung phong, tài trợ kinh phí phẫu thuật cho trẻ em nghèo…CLB này thường xuyên tổ chức rao giảng, tuyên truyền về những luận điệu sai trái, đậm mùi mê tín dị đoan như “cúng vong, giải nghiệp”, thường xuyên nhắc nhở cúng vong, tạo phúc bằng cách nộp tiền và phải bỏ tiền cao gấp nhiều lần để mua đồ thờ, những thành viên câu lạc bộ này cũng yêu cầu thành viên lôi kéo thêm càng nhiều thành viên tham gia để mở rộng quy mô. Theo tìm hiểu CLB Tình người không phải là tổ chức tôn giáo, không có mối liên hệ với bất kỳ tổ chức tôn giáo nào, người đứng đầu CLB cũng không phải là chức sắc tôn giáo. Cũng theo khoản 5, Điều 5 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, hoạt động của CLB Tình người có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở hai khía cạnh: lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền mê tín dị đoan và có biểu hiện trục lợi.
Với các hành vi như trên, tùy mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
PV: Xin cảm ơn Luật sư!
Hồng Dân