Theo đó, UBND tỉnh Tây Ninh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản (QPPL) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản hướng dẫn thi hành; các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.
Bám sát trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành văn bản trong quá trình tham mưu soạn thảo văn bản, hạn chế thực hiện các nội dung công việc không nằm trong quy trình xây dựng và ban hành văn bản.
Đồng thời, thực hiện đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL và soạn thảo dự thảo văn bản QPPL theo hướng dẫn tại Công văn số 2010/STP-XDPBPL ngày 02/8/2023 của Sở Tư pháp về việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính theo quy định tại Thông tư số 03/2022/TT-BTP.
Thường xuyên thực hiện kiểm tra, rà soát và theo dõi tình hình thi hành các văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành. Kịp thời tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử lý văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp, gây khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật.
Bên cạnh đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL, tập trung thực hiện có hiệu quả một số nội dung:
Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL. Nghiêm túc xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo, kể cả cơ quan tham gia soạn thảo, cơ quan có trách nhiệm phải tham gia ý kiến mà không thực hiện đúng, đầy đủ dẫn đến văn bản QPPL ban hành nhưng không khả thi, bất cập, vướng mắc khi triển khai thực hiện.
Cơ quan được phân công chủ trì soạn thảo cần chủ động nghiên cứu, nắm chắc quy trình xây dựng và ban hành văn bản QPPL; chủ động triển khai thực hiện các bước theo trình tự, thủ tục quy định, hạn chế thực hiện các nội dung công việc ngoài quy trình ban hành làm kéo dài thời gian xây dựng và ban hành văn bản.
Xác định đúng thể loại văn bản, hình thức văn bản; Tổ chức lấy ý kiến và tiếp thu, giải trình nghiêm túc, đầy đủ ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp.
Xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật và quy định của Đảng trong công tác xây dựng văn bản QPPL.
Ngoài ra, nâng cao chất lượng nhân lực, bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết khác cho công tác xây dựng, tham mưu ban hành văn bản QPPL để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, gắn với việc củng cố, kiện toàn và tăng cường trách nhiệm của công chức pháp chế theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 56/2024/NĐ-CP ngày 18/5/2024 của Chính phủ).