Thẩm quyền xử phạt của thanh tra chuyên ngành tài nguyên và môi trường trong đo đạc và bản đồ

Thứ bảy, 11/06/2022 05:10
(ThanhtraVietNam) - Ngày 9/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Văn bản hợp nhất số 16/VBHN-BTNMT Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Trong đó, có quy định cụ thể thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tài nguyên và môi trường.

Nghị định số 18/2020/NĐ-CP ngày 11/02/2020 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2020, được sửa đổi, bổ sung bởi: Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/01/2022.

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

Điều 15 của Nghị định quy định: Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tài nguyên và môi trường có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ quy định tại Chương II Nghị định này.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa - Internet 

Cụ thể, thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 500.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 2 lần mức tiền phạt nêu trên; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 3 Nghị định này.

Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở, Trưởng đoàn thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 25.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 2 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định này.

Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 35.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 2 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định này.

Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 50.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định này.

Liên quan đến thẩm quyền xử phạt của cơ quan thanh tra, Nghị định còn quy định cụ thể thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải, xây dựng, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn./.

Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra