Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước

Thứ hai, 07/11/2022 15:56
(ThanhtraVietNam) - Ngày 03/11/2022, Kiểm toàn nhà nước (KTNN) đã ban hành Quyết định số 02/2022/QĐ-KTNN quy định theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN. Đây là văn bản quan trọng quy định trình tự, nội dung công việc, nhiệm vụ và trách nhiệm của đơn vị, tổ chức, cá nhân theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN; nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN.

Việc kiểm tra phải công khai, minh bạch

KTNN yêu cầu việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán phải được tiến hành thường xuyên, kịp thời, khách quan, công khai, minh bạch và tuân thủ các quy định của pháp luật. Không làm cản trở đến hoạt động bình thường của đối tượng được theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và chỉ được thực hiện khi có quyết định kiểm tra của cấp có thẩm quyền.

Việc kiểm tra tại đơn vị được kiểm toán thực hiện khi hết thời gian báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Báo cáo kiểm toán và sau khi được đôn đốc bằng văn bản mà đơn vị được kiểm toán không báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN. Hoặc báo cáo nhưng không cung cấp, cung cấp không đầy đủ bằng chứng, hồ sơ tài liệu hợp pháp, hợp lệ của việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán hoặc kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán thấp.

Đặc biệt, KTNN yêu cầu các khiếu nại, kiến nghị của đơn vị được kiểm toán phát sinh trong quá trình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán phải kịp thời được giải quyết theo Quy định khiếu nại, khởi kiện và trả lời kiến nghị trong hoạt động kiểm toán nhà nước của KTNN.

Nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm phải báo cáo để chuyển cơ quan điều tra

Trách nhiệm của đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán được quy định cụ thể tại Điều 5. Theo đó, định kỳ hàng năm trước ngày 01/3, xây dựng và ban hành Kế hoạch năm về công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán gửi Tổng KTNN (đồng thời gửi Vụ Tổng hợp) để theo dõi, quản lý. Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán quyết định điều chỉnh Kế hoạch năm đảm bảo hiệu quả, hiệu lực công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Đồng thời, đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán tổ chức thực hiện giải quyết kiến nghị, khiếu nại đối với kết luận, kiến nghị kiểm toán của đơn vị được kiểm toán qua theo dõi, đôn đốc, kiểm tra theo Quy định khiếu nại, khởi kiện và trả lời kiến nghị trong hoạt động kiểm toán nhà nước của KTNN.

leftcenterrightdel
Kiểm toán nhà nước. Ảnh minh họa - internet 

Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của đơn vị được kiểm toán, đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán có trách nhiệm rà soát, tổng hợp, báo cáo Tổng KTNN về kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Báo cáo kết quả phải nêu rõ các kết luận, kiến nghị đã thực hiện; các kết luận, kiến nghị đơn vị báo cáo đã thực hiện nhưng chưa đủ điều kiện xác nhận do còn thiếu bằng chứng, hồ sơ, tài liệu hoặc nguyên nhân khác; kiến nghị chưa thực hiện hoặc đang thực hiện làm cơ sở cho việc cập nhật, báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán tổ chức thực hiện việc kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo hình thức kiểm tra tại đơn vị. Trường hợp qua kiểm tra, nếu phát hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Báo cáo kiểm toán, Thông báo kết quả kiểm toán đã phát hành chưa chính xác, sai sót do tổng hợp sai, Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm tổ chức xác định nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân (nếu có), trình Tổng KTNN phê duyệt việc đính chính kết luận, kiến nghị kiểm toán trước khi phát hành báo cáo kiểm tra có nội dung đính chính.

Trường hợp qua kiểm tra, nếu phát hiện các vi phạm có dấu hiệu tội phạm, Thủ trưởng đơn vị phải kịp thời báo cáo với Tổng Kiểm toán nhà nước để chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc quá trình kiểm tra.

5 nội dung chủ yếu được kiểm tra

Kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán được quy định cụ thể tại Chương III của Quyết định. Theo đó, trình tự tổ chức kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, gồm: Chuẩn bị kiểm tra (lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch kiểm tra, quyết định kiểm tra, chuẩn bị triển khai kiểm tra); tổ chức thực hiện kiểm tra; kết thúc kiểm tra (lập biên bản, báo cáo kiểm tra; thẩm định, phát hành báo cáo kiểm tra; lưu trữ hồ sơ kiểm tra).

Về tổ chức thực hiện kiểm tra, chậm nhất sau 15 ngày làm việc kể từ ngày ký ban hành quyết định kiểm tra, Trưởng Đoàn kiểm tra phải tổ chức công bố quyết định, kế hoạch kiểm tra (dự kiến lịch trình kiểm tra) với đơn vị được kiểm tra.

Căn cứ Kế hoạch kiểm tra đã được duyệt, Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, sử dụng các phương pháp kiểm tra để xác nhận với đơn vị được kiểm tra tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Từ đó đưa ra đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị về việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Nội dung kiểm tra chủ yếu, bao gồm: Việc lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; thời hạn báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán so với quy định; tình hình thực hiện đối với các kết luận, kiến nghị kiểm toán (bao gồm cả những kết luận, kiến nghị chưa thực hiện những năm trước); xác định những kết luận, kiến nghị kiểm toán đã thực hiện, đang thực hiện, chưa thực hiện; nguyên nhân các kết luận, kiến nghị chưa được thực hiện hoàn thành (chủ quan, khách quan) và kiến nghị xử lý.

Kết thúc tại mỗi đơn vị được kiểm tra, Tổ trưởng Tổ kiểm tra (hoặc Trưởng Đoàn kiểm tra trong trường hợp không thành lập tổ) lập biên bản kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Căn cứ vào các biên bản kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán và các tài liệu có liên quan, chậm nhất 10 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm tra tại đơn vị, Trưởng Đoàn kiểm tra lập báo cáo kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của các đơn vị được kiểm tra trình Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm tra.

Sau đó, sẽ thẩm định báo cáo kiểm tra; phát hành báo cáo kiểm tra; cập nhật kết quả kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán lên phần mềm theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN; hồ sơ kiểm tra và bàn giao, lưu trữ hồ sơ kiểm tra.

Như vậy, Quyết định mới của KTNN sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng của việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN./.

Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra