Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư số 08/2024/TT-BGTVT "Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2018/TT-BGTVT ngày 19 tháng 4 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về tiêu chuẩn đăng kiểm viên đường sắt và yêu cầu đối với cơ sở vật chất, kỹ thuật của tổ chức đăng kiểm đường sắt".
Theo đó, Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2018/TT-BGTVT ngày 19 tháng 4 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về tiêu chuẩn đăng kiểm viên đường sắt và yêu cầu đối với cơ sở vật chất, kỹ thuật của tổ chức đăng kiểm đường sắt. Cụ thể, sửa đổi bổ sung đối với các điều 3, 4,5,6,7, 9,10 và bãi bỏ Điều 8; điểm d, điểm k khoản 1 Điều 12; khoản 1 Điều 14 Thông tư số 19/2018/TT-BGTVT.
Theo quy định mới, đăng kiểm viên đường sắt phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm; Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí việc làm; Hoàn thành khóa tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên đường sắt; Có thời gian thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên đường sắt tối thiểu 12 tháng. Trường hợp có thời gian làm việc liên quan đến quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa, sản xuất, lắp ráp phương tiện giao thông đường sắt cộng dồn tối thiểu 36 tháng (căn cứ theo hợp đồng lao động và hồ sơ bảo hiểm xã hội) thì thời gian thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên đường sắt tối thiểu 06 tháng.
Đăng kiểm viên đường sắt bậc cao phải có thời gian giữ hạng đăng kiểm viên đường sắt tối thiểu 05 năm; Hoàn thành khóa tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên đường sắt bậc cao.
Các Quyết định công nhận đăng kiểm viên đường sắt, đăng kiểm viên đường sắt bậc cao đã được công nhận theo Thông tư số 19/2018 tiếp tục được duy trì đến ngày hết hiệu lực của Quyết định công nhận; Đối với học viên thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên đường sắt chưa được công nhận trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì thời gian thực tập được tính theo quy định của Thông tư này, mốc thời gian được tính từ thời điểm bắt đầu thực tập theo thực tế.
|
|
Thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên khi có hành vi tiêu cực, sách nhiễu |
Thông tư cũng quy định các trường hợp công nhận, công nhận lại, ban hành lại và thu hồi Quyết định công nhận đăng kiểm viên. Cụ thể, Đăng kiểm viên bị thu hồi Quyết định công nhận đăng kiểm viên đối với một trong các trường hợp: Vi phạm các quy định hiện hành khi thực thi công vụ với mức độ bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên; Có hành vi tiêu cực, sách nhiễu, cố ý gây khó khăn cho khách hàng trong quá trình thực thi nhiệm vụ; Không được thủ trưởng cơ quan, đơn vị tiếp tục giao nhiệm vụ đăng kiểm viên.
Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm thu hồi Quyết định công nhận đăng kiểm viên đối với các trường hợp này, thông báo đến đăng kiểm viên bị thu hồi Quyết định công nhận đăng kiểm viên và các cơ quan liên quan để phối hợp thực hiện và công bố trên Trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Cũng liên quan đến hoạt động đăng kiểm Cục Đăng kiểm Việt Nam từng đánh giá, mặc dù liên tục tổ chức các đợt đánh giá, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, đánh giá ngoài giờ vào buổi tối) cho học viên mới nhưng năm 2023, cả hệ thống mới bổ sung được khoảng 300 đăng kiểm viên mới. Đến giai đoạn từ tháng 5/2024 mới bắt đầu có thêm đăng kiểm viên mới khác (mỗi tháng dự kiến có thêm khoảng 50 học viên đủ điều kiện để được đánh giá công nhận là đăng kiểm viên).
Theo dự tính, đến hết năm 2024 và sang đầu năm 2025 mới có khoảng gần 650 đăng kiểm viên mới được công nhận, chưa thể bù đắp được số lượng đăng kiểm viên đã bị thiếu hụt trong thời gian vừa qua khi lĩnh vực đăng kiểm phát hiện nhiều sai phạm, nhiều Đăng kiểm viên bị khởi tố bắt tạm giam.
Thống kê cho thấy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố tổng cộng 318 bị can liên quan đến các hành vi sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm với 11 tội danh: “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Tham ô tài sản”, “Giả mạo trong công tác”, “Sản xuất, mua bán, trao đổi, tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật”, “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”, “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; từng bước làm rõ hành vi sai phạm tiêu cực có hệ thống, được tổ chức xuyên suốt từ một số lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Phòng Kiểm định xe cơ giới đến Giám đốc nhiều trung tâm đăng kiểm, gây hậu quả đặc biệt lớn cho xã hội.
Như vậy, quy định mới tại Thông tư số 08/2024/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư số 19/2018/TT-BGTVT nhằm siết chặt quy định phòng ngừa vi phạm, nhũng nhiễu tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm nói chung.