Tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về lĩnh vực xây dựng khi nào được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng theo quy định?

Thứ tư, 16/03/2022 16:16
(ThanhtraVietNam) - Sau khi tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính hoàn thành các thủ tục nộp phạt vi phạm hành chính và số lợi bất hợp pháp, có kết quả kiểm định chất lượng công trình theo quy định thì được cơ quan có thẩm quyền xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng theo quy định thì được cơ quan có thẩm quyền xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng .

Ngày 28/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực xây dựng. Nghị định này thay thế Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở và Nghị định số 21/2020/NĐ-CP ngày 17/02/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở (sau đây viết tắt là Nghị định 16, Nghị định 139 và Nghị định 121)

Nghị định 16 có rất nhiều điểm mới, chi tiết hơn so với Nghị định 139 và khắc phục được những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật khi xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực xây dựng, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính hoàn thành trình tự, thủ tục sau khi thực hiện đầy đủ các biện pháp khắc phục. Trong đó, có nội dung “khi nào tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính hoàn thành các thủ tục nộp phạt vi phạm hành chính và số lợi bất hợp pháp, có kết quả kiểm định chất lượng công trình theo quy định thì được cơ quan có thẩm quyền xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng theo quy định”

leftcenterrightdel
Tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính hoàn thành các thủ tục nộp phạt vi phạm hành chính và số lợi bất hợp pháp thì được cơ quan có thẩm quyền xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng

Cụ thể, tại Điều 84, kể từ ngày Nghị định 16 có hiệu lực, các quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 79 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP được tiếp tục thực hiện như sau:

1. Hành vi xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng; xây dựng không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng; xây dựng sai thiết kế được phê duyệt, sai quy hoạch xây dựng được phê duyệt hoặc thiết kế đô thị được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp theo quy định tại khoản 9 Điều 13, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP nếu đáp ứng đủ 6 điều kiện sau đây:

a) Hành vi vi phạm xảy ra từ ngày 04/01/2008 và đã kết thúc trước ngày 15/01/2018 nhưng sau ngày 15/01/2018 mới được người có thẩm quyền phát hiện hoặc đã được phát hiện trước ngày 15/01/2018 và đã có một trong các văn bản sau đây: biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả;

b) Không vi phạm chỉ giới xây dựng;

c) Không ảnh hưởng các công trình lân cận;

d) Không có tranh chấp;

đ) Xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp;

e) Nay phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Hành vi vi phạm mà đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d và điểm đ khoản 1 nhưng không đáp ứng điều kiện quy định tại điểm e khoản 1 Điều này, thì xử lý như sau:

Hành vi vi phạm được người có thẩm quyền phát hiện trước ngày 15/01/2018 đã lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp nhưng đến ngày 15/01/2018 cá nhân, tổ chức vi phạm vẫn chưa thực hiện việc nộp phạt (nếu có) và nộp số lợi bất hợp pháp, thì người có thẩm quyền xử phạt ban hành quyết định áp dụng biện pháp buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm theo quy định tại điểm d khoản 11 Điều 15, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP thay thế biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.

3. Số lợi bất hợp pháp mà cá nhân, tổ chức có hành vi quy định tại khoản 1 Điều này phải nộp được xác định như sau:

a) Trường hợp xây dựng công trình nhằm mục đích kinh doanh: số lợi bất hợp pháp là tổng số m2 sàn xây dựng vi phạm nhân với đơn giá 1 m2 theo hợp đồng mua bán, chuyển nhượng đã ký nhưng không được thấp hơn suất vốn đầu tư đối với cùng loại, cấp công trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành, nhân với 50%;

b) Trường hợp xây dựng công trình không nhằm mục đích kinh doanh: số lợi bất hợp pháp là tổng số m2 sàn xây dựng vi phạm nhân với chi phí 1 m2 sàn xây dựng theo dự toán được duyệt nhưng không được thấp hơn suất vốn đầu tư đối với cùng loại, cấp công trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành, nhân với 50%;

c) Trường hợp không có hợp đồng mua bán, chuyển nhượng đã ký hoặc dự toán được duyệt: số lợi bất hợp pháp được xác định là tổng m2 sàn xây dựng vi phạm nhân với suất vốn đầu tư đối với cùng loại, cấp công trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành, nhân với 50%;

d) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính áp dụng suất vốn đầu tư tại thời điểm ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và chịu trách nhiệm xác định số lợi bất hợp pháp phải nộp theo quy định tại điểm a, điểm b hoặc điểm c khoản này.

4. Không áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp tính theo tỷ lệ giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ.

5. Sau khi tổ chức, cá nhân vi phạm hoàn thành việc nộp phạt vi phạm hành chính và số lợi bất hợp pháp, có kết quả kiểm định chất lượng công trình thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm: có ý kiến xác nhận về Quy hoạch - Kiến trúc, cấp giấy phép xây dựng, điều chỉnh giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh thiết kế xây dựng.

Ngoài những giấy tờ theo quy định, hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng, điều chỉnh giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh thiết kế xây dựng còn phải bổ sung thêm giấy tờ chứng minh đã hoàn thành nộp phạt và số lợi bất hợp pháp theo quy định (nếu có).

Sau khi tổ chức, cá nhân vi phạm hoàn thành các thủ tục nêu trên thì được cơ quan có thẩm quyền xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng theo quy định.

Như vậy, Tổ chức, cá nhân vi phạm hoàn thành việc nộp phạt vi phạm hành chính và số lợi bất hợp pháp có giấy tờ chứng minh theo quy định, có kết quả kiểm định chất lượng công trình, có ý kiến xác nhận về Quy hoạch - Kiến trúc, có giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc thiết kế xây dựng điều chỉnh theo quy định thì được cơ quan có thẩm quyền xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng theo quy định.

Bùi Anh Tuấn 

Trưởng phòng Giám sát, Kiểm tra & Xử lý sau thanh tra
Thanh tra Bộ Xây dựng

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra