Siết chặt thanh tra dạy thêm, học thêm
Thông tư 28/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 28) có hiệu lực từ ngày 10/02/2025, trong đó nhấn mạnh việc thanh tra công tác quản lý dạy thêm, học thêm, bên cạnh nhiều nội dung quan trọng khác nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động của các cơ sở giáo dục.
Thông tư số 28 quy định rõ, vấn đề dạy thêm, học thêm từ lâu đã trở thành một hiện tượng phổ biến, gây nhiều tranh cãi trong xã hội. Dù được xem là nhu cầu chính đáng của học sinh và phụ huynh, việc tổ chức dạy thêm không đúng quy định có thể dẫn đến tình trạng lạm thu, gây áp lực tài chính cho gia đình học sinh và ảnh hưởng đến công bằng giáo dục.
Thông tư quy định rõ việc thanh tra công tác quản lý dạy thêm, học thêm nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động này, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật và tránh tình trạng lạm dụng dạy thêm vì mục đích lợi nhuận. Việc thanh tra không chỉ giới hạn ở các cơ sở giáo dục công lập mà còn mở rộng đến các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường tư thục và các tổ chức giáo dục khác có liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm.
Thông tư nêu rõ, nguyên tắc thanh tra phải đảm bảo khách quan, không làm gián đoạn hoạt động giáo dục
Hoạt động thanh tra chuyên ngành và thanh tra nội bộ phải đảm bảo chính xác, khách quan, trung thực, công khai và kịp thời. Đặc biệt, thanh tra không được trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung và thời gian giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ sở giáo dục và cá nhân là đối tượng thanh tra.
Công tác thanh tra cũng phải gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đảm bảo trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, đồng thời giúp phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm, hạn chế các tiêu cực có thể xảy ra trong hệ thống giáo dục.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file.thanhtravietnam.vn/data/0/images/2025/02/06/upload_2106/ky-yeu-5d-820.jpg?dpi=150&quality=100&w=780) |
Hạn chế các tiêu cực có thể xảy ra trong hệ thống giáo dục. (Ảnh minh họa: L.A) |
Đảm bảo minh bạch, hạn chế tình trạng lạm thu trong trường học
Thanh tra chuyên ngành trong giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên sẽ tập trung vào các nội dung: Việc thực hiện quy chế chuyên môn, nội dung và phương pháp giảng dạy; quản lý, lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục, thiết bị dạy học và đồ chơi trẻ em; công tác tuyển sinh, quản lý người học và thực hiện các chế độ, chính sách đối với học sinh; quản lý cấp phát văn bằng, chứng chỉ; xã hội hóa giáo dục và công tác quản lý dạy thêm, học thêm; điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và việc chấp hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục.
Ngoài ra, việc công khai các khoản thu liên quan đến giáo dục, bao gồm học phí và các nguồn lực tài chính khác, cũng sẽ được đưa vào nội dung thanh tra nhằm đảm bảo minh bạch, hạn chế tình trạng lạm thu trong trường học.
Đối với các cơ sở giáo dục đại học, nội dung thanh tra bao gồm: Việc ban hành văn bản quản lý nội bộ, phổ biến và giáo dục pháp luật; xây dựng bộ máy tổ chức và thực hiện quy định về công khai trong lĩnh vực giáo dục; công tác thanh tra nội bộ và thực hiện các quy định theo quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường; việc thực hiện các quy định về chuẩn cơ sở đào tạo, chuẩn chương trình đào tạo, quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo và liên kết đào tạo; công tác mở ngành đào tạo; biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình; việc in ấn, quản lý và cấp phát văn bằng, chứng chỉ; quản lý người học và thực hiện các chế độ, chính sách đối với sinh viên.
Ngoài ra, công tác thanh tra cũng sẽ tập trung vào các nội dung liên quan đến kiểm định chất lượng giáo dục, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và tự chủ đại học.
Một nội dung quan trọng khác của Thông tư 28 là thanh tra công tác thi cử và tuyển sinh. Cụ thể: Thanh tra tuyển sinh sẽ tập trung vào các nội dung như chỉ tiêu tuyển sinh, đề án tuyển sinh, điều kiện đảm bảo cho công tác xét tuyển và việc thực hiện quy trình xét tuyển. Thanh tra thi cử bao gồm các khâu quan trọng như tổ chức và quản lý kỳ thi, đăng ký dự thi, in sao và vận chuyển đề thi, coi thi, chấm thi, xét công nhận tốt nghiệp và đảm bảo an toàn, bảo mật đề thi.
Công tác thanh tra sẽ đặc biệt chú trọng đến các kỳ thi quan trọng như thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm, đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong giáo dục.
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo
Việc ban hành Thông tư 28 và đẩy mạnh công tác thanh tra giáo dục là một bước đi quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong hệ thống giáo dục.
Bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm, các cơ quan chức năng cũng sẽ tập trung thanh tra các nội dung liên quan đến tài chính, tuyển sinh, thi cử và kiểm định chất lượng giáo dục.
Điều này không chỉ giúp hạn chế tiêu cực mà còn tạo động lực để các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng giảng dạy, hướng đến một nền giáo dục minh bạch, hiệu quả và bền vững.
Việc thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, nâng cao niềm tin của xã hội vào hệ thống giáo dục quốc gia./.