Thanh tra Chính phủ:

Đẩy mạnh giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng

Thứ tư, 22/06/2022 09:24
(ThanhtraVietNam) - Tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng; tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN), nhất là công tác kê khai tài sản, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan nội chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Quyết định để thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ sẽ triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nội dung trong Nghị quyết số 68/NQ-CP; tập trung nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, tạo chuyển biến tích cực, đổi mới trong công tác thanh tra, PCTN, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra nhằm thực hiện tốt những nhiệm vụ của Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ trong Nghị quyết. Đồng thời, xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, phân công trách nhiệm và tổ chức thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ chủ yếu.

Cụ thể, trong công tác thanh tra, Thanh tra Chính phủ yêu cầu bám sát và đáp ứng yêu cầu Định hướng công tác thanh tra năm 2022 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các năm tiếp theo để triển khai công tác thanh tra; đổi mới trong xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra; nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động thanh tra. Thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra, nhất là các Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đấy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Tăng cường năng lực, tập trung thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực: quản  lý, sử dụng tài sản công; quản lý tài chính, ngân sách; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước... nhằm chấn chỉnh quản lý, phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước.

Một mặt, nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật; quan tâm kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra.

Mặt khác, đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng và đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.

Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan nội chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra; phối hợp với các bộ, ngành chức năng làm việc, kiểm tra tình hình giải quyết, khắc phục tồn tại theo các kết luận thanh tra gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, gây lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước, doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Phiên họp thứ 21. Ảnh:  TTXVN

Tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng

Trong công tác PCTN, Thanh tra Chính phủ yêu cầu triển khai thi hành Luật PCTN năm 2018 bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu lực, hiệu quả; khẩn trương triển khai thi hành những quy định mới về kiểm soát tài sản, thu nhập, kiểm soát xung đột lợi ích, PCTN khu vực ngoài nhà nước, thanh tra phát hiện, xử lý tham nhũng...

Cùng với đó, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng; tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về PCTN, nhất là công tác kê khai tài sản, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện quy định về công khai, minh bạch trên các lĩnh vực, đặc biệt trong quy hoạch, sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư tuyển dụng, bổ nhiệm...

Phát hiện, xử lý kịp thời nghiêm minh các vụ việc tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng đế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và chuyển điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng. Tiếp tục thực hiện chương trình, kế hoạch công tác PCTN và kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực và của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh việc tăng cường thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Thanh tra Chính phủ yêu cầu tập trung hoàn thiện dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) bảo đảm chất lượng và tiến độ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ Ba, tháng 5/2022, tiếp thu các ý kiến tại kỳ họp, hoàn thiện dự thảo để trình tại kỳ họp tiếp theo; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về thanh tra và PCTN. Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thanh tra và PCTN trong các doanh nghiệp nhà nước.

Đặc biệt, liên quan đến xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, trong năm 2022, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung kết nối hệ thống thông tin, báo cáo của Thanh tra Chính phủ với Chính phủ (báo cáo kết quả thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, PCTN), phối hợp cơ quan chức năng bảo mật thông tin, điện tử; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác chuyển đổi số.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan, đặc biệt trong công tác thanh tra, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Mở rộng áp dụng chữ ký số trong trao đổi, xử lý các văn bản nội bộ.

Đồng thời, duy trì hoạt động thường xuyên Hội nghị truyền hình trực tuyến, đảm bảo chất lượng của các cuộc họp giao ban và hội nghị ngành cũng như các cuộc họp đột xuất. Duy trì hỗ trợ triển khai phần mềm quản lý khiếu nại, tố cáo và phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia hệ thống báo cáo cho các bộ, ngành, địa phương.

Tiếp tục triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong lĩnh vực tiếp công dân (đăng ký và hẹn lịch tiếp công dân trên Cổng thông tin điện tử). Và áp dụng, duy trì, cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra