Lắng nghe ý kiến phản biện để nâng cao hiệu lực, hiệu quả chính sách, pháp luật

Thứ sáu, 17/03/2023 13:24
(ThanhtraVietNam) - Cần thiết phải quan tâm đúng mức đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là đối với những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, lắng nghe ý kiến phản biện để kịp thời xây dựng, điều chỉnh chính sách, pháp luật cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát để đánh giá kết quả đã thực hiện được và ra những giải pháp cụ thể, thiết thực. Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Cần quan tâm đúng mức, dành nguồn lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Theo Phó thủ tướng, trong thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến nguồn lực cho công tác này còn hạn chế, việc tháo gỡ khó khăn có nơi chưa tích cực, công tác phối hợp chưa thực sự tốt.

Với vai trò, trách nhiệm "kép" vừa là thành viên của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, vừa là lãnh đạo các bộ, ban, ngành của mình trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, do đó các thành viên Hội đồng cần phát huy hơn nữa tinh thần, trách nhiệm, hiệu quả trong công tác quan trọng này.

Khẳng định vai trò của chuyển đổi số, Phó Thủ tướng yêu cầu cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để vừa tiết kiệm nguồn lực, vừa lồng ghép được các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật, vừa đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, cần chú trọng đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bởi trong thực tiễn nhiều trường hợp vi phạm do không hiểu biết pháp luật.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, cơ quan là thành viên của Hội đồng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Trong quá trình kiểm tra, giám sát phải định lượng được những việc đã làm được, tránh đánh giá chung chung, đồng thời đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực.

Đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, điều quan trọng nhất là phải đổi mới, đa dạng cách làm, nội dung phải hấp dẫn mới đạt hiệu quả cao. Thực tế đã có nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, sinh động trong những năm chống dịch Covid-19 vừa qua. Đồng thời, tăng cường tổ chức đối thoại về chính sách pháp luật với nhân dân để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đồng thời lắng nghe ý kiến phản biện để kịp thời xây dựng, điều chỉnh chính sách, pháp luật.

Đề cao công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong môi trường giáo dục, đào tạo, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quan tâm tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp bởi đây là những đối tượng trẻ cần được trang bị kiến thức pháp luật từ sớm.

Dành nguồn lực của công tác chuyển đổi số cho lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật, song song với việc các cơ quan truyền thông tiếp tục phát huy vai trò của mình trong việc tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật bằng những chuyên mục, các cuộc đối thoại, giải đáp pháp luật, chú trọng hướng đến bạn đọc ở vùng sâu, vùng xa.

leftcenterrightdel
 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: VGP

Tích cực triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

Tại Thanh tra Chính phủ, trong thời gian qua, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng nói riêng. Phát huy vai trò là thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Thanh tra Chính phủ đã triển khai thực hiện một số những hoạt động tiêu biểu.

Cụ thể, đa dạng các kênh thông tin, truyền thông văn bản chính sách, pháp luật, thực hiện Quyết định số 407QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027", với phương châm phổ biến chính sách từ sớm, Thanh tra Chính phủ đã chủ trì tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự thảo Nghị định kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Tạp chí Thanh tra thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ, tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, bên cạnh đó, cũng đã đăng nhiều bài viết trên các chuyên mục Chính luận, Nghiên cứu Trao đổi, Tìm hiểu và giải đáp pháp luật, kinh nghiệm nước ngoài được bạn đọc quan tâm, theo dõi.

Báo Thanh tra và Cổng thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ thường xuyên cập nhật đăng tải toàn văn các văn bản pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiếp công dân trên các chuyên mục; đăng tải các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Thanh tra Chính phủ chủ trì soạn thảo hoặc ban hành để xin ý kiến góp ý của nhân dân.

Các cục, vụ, đơn vị khác của Thanh tra Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ của mình cũng có các hoạt động tích cực về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng thường xuyên cử cán bộ tham gia giảng dạy, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng; các bộ, ngành, địa phương.

Mặt khác, Thanh tra Chính phủ cũng tích cực triển khai các Đề án, Chỉ thị về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, như thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 11/7/2019  của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021”, Thanh tra Chính phủ đã hướng dẫn bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện Đề án.

Tổ chức in, phát hành sách tìm hiểu pháp luật về phòng chống tham nhũng và sách Hỏi đáp pháp luật về phòng, chống tham nhũng mỗi loại 2.000 cuốn, tờ gấp Tìm hiểu một số nội dung cơ bản của Luật Phòng chống tham nhũng bằng 5 thứ tiếng dân tộc (Ê Đê, Khơ me, Mông, Giơ Rai, Chăm) mỗi thứ tiếng 1.000 tờ; phát hành miễn phí các tài liệu này đến các bộ, ngành, địa phương để phục vụ công tác tuyên truyền.

Không những vậy, Thanh tra Chính phủ cũng đã tổ chức Cuộc thi “ Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng” trên phạm vi toàn quốc và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của bộ, ngành, địa phương và nhân dân…

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra