Lãnh đạo Tạp chí Thanh tra làm việc với các tỉnh Bắc miền Trung về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ tư, 06/07/2022 09:11
(ThanhtraVietNam) - Từ ngày 27/6/2022 - 01/7/2022, Tổ công tác của Tạp chí Thanh tra do Phó Tổng Biên tập Lê Thế Chiến làm Tổ trưởng đã có buổi làm việc với các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế về việc thực hiện chuyên đề “Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các Bộ, ngành, địa phương giai đoạn năm 2020-2023” theo Kế hoạch số 120/KH-TCTT ngày 04/4/2022 của Tạp chí Thanh tra.

Tại các buổi làm việc, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra Lê Thế Chiến cho biết, Tạp chí Thanh tra là cơ quan Báo chí của Thanh tra Chính phủ, có chức năng thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng, chống tham nhũng; là diễn đàn khoa học, trao đổi, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, nghiệp vụ về công tác trên và các lĩnh vực hoạt động theo quy định của Luật Báo chí và của ngành Thanh tra.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Tạp chí Thanh tra xây dựng Kế hoạch số 120/KH-TCTT tuyên truyền, phản ánh, đánh giá hoạt động thực tiễn công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC của các Bộ, ngành, địa phương. Nội dung tập trung vào phản ánh kết quả tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng cơ quan Bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy; hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, trong đó có kết quả rà soát, giải quyết các vụ việc KNTC đông người, phức tạp kéo dài; các chỉ đạo của cơ quan Trung ương, Quốc hội.

leftcenterrightdel
Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra Lê Thế Chiến phát biểu tại buổi làm việc với Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế.             

Qua các buổi làm việc, trao đổi, Tổ công tác đề nghị lãnh đạo các tỉnh chia sẽ một số kết quả, mặt tích cực cũng như những khó khăn, vướng mắc trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC thời gian qua trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, là kết quả thực hiện một số vụ việc KNTC phức tạp, kéo dài tiêu biểu mà tỉnh đã giải quyết xong; việc tiếp công dân của Chủ tịch UBND tỉnh, với vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy theo Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC; Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/01/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của người dân. Đồng thời, đề nghị tỉnh nêu một số bài học kinh nghiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC nhằm phổ biến, nhân rộng cách làm tích cực, hợp lòng dân.

Tại các buổi làm việc, lãnh đạo UBND các tỉnh cho biết, những năm qua công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh luôn được Tỉnh ủy, Ban Cán sự, UBND tỉnh quan tâm và xác định là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Do đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, quy định pháp luật hiện hành cũng như của Thanh tra Chính phủ về công tác này và có những chỉ đạo, điều hành thường xuyên, kịp thời; hầu hết các vụ việc khiếu nại kéo dài đều giảm; lượng đơn được giải quyết nhiều hơn so với cùng kỳ những năm trước.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ theo quy định, cơ quan Thanh tra tỉnh thường xuyên, tích cực, kịp thời tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản hướng dẫn dưới luật và tuyên truyền, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo quy định của pháp luật. 

Tại mỗi tỉnh, các phiên tiếp công dân định kỳ hàng tháng của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đều được thực hiện theo quy định của pháp luật, duy trì thường xuyên, liên tục, đảm bảo chất lượng (trừ thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19). Một số tỉnh như: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh đã có nhiều giải pháp, tích cực trong công tác tiếp công dân. Không dừng ở việc tiếp định kỳ mà chủ động tiếp công dân khi có vụ việc, vận động giải thích để người dân hiểu đúng pháp luật từ đó người dân chủ động rút đơn như trường hợp khiếu nại kéo dài của công dân Đặng Xuân Măng tại Thừa Thiên Huế; yêu cầu Thủ trưởng của các cơ quan liên quan tham gia tiếp công dân phải có mặt, trường hợp Thủ trưởng vắng phải có văn bản

leftcenterrightdel
 Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra Lê Thế Chiến tặng ấn phẩm Tạp chí Thanh tra in cho Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Trị Nguyễn Trí Kiên. 

báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh; giao nhiệm vụ cho từng cơ quan, bộ phận liên quan, kèm mốc thời gian phải báo cáo kết quả hoàn thành; giải trình, báo cáo kịp thời với Chủ tịch UBND tỉnh khi không đạt kết quả. Ngoài các cơ quan chuyên môn, UBND các tỉnh nêu trên còn thành lập Hội đồng Tư vấn tiếp công dân và giải quyết KNTC của tỉnh do Chánh Thanh tra tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng và có sự tham gia của các tổ chức xã hội (Hội Luật sư…). Có thể thấy, đây là cách thức điều hành, làm việc khoa học, bám sát thực tiễn, trách nhiệm, nói đi đôi với làm và rất hiệu quả của một số tỉnh nêu trên trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, nhờ đó hiệu suất, hiệu quả buổi tiếp cao, kịp thời xử lý vướng mắc của người dân, hạn chế số lượng công dân cũng như đơn thư KNTC. Báo cáo kết quả tiếp công dân giải quyết KNTC của các tỉnh trong năm 2021 cho thấy, Thừa Thiên Huế có số lượng công dân KNTC thấp. 

Tuy nhiên, do đặc điểm kinh tế - xã hội của các tỉnh khác nhau nên công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC tại các tỉnh cũng có sự khác biệt, khó khăn khác nhau. Tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế nội dung tiếp công dân, KNTC chủ yếu liên quan đến vấn đề đất đai, sự cố môi trường biển và chính sách người có công. Nội dung KNTC về đất đai tại Quảng Trị đa số liên quan đến mâu thuẫn giữa các gia đình và việc số hóa hồ sơ về đất đai. Trước đây, việc đo đạc đất đai được thực hiện theo phương pháp thủ công, đo vẽ trên hệ tọa độ khác so với VN200 nên có sự khác biệt, chênh lệch về kết quả giữa các phương pháp đo đạc. Mặt khác, cách thức giải quyết của chính quyền cấp cơ sở (cấp xã) có lúc chưa đảm bảo quy trình nghiệp vụ, nắm vững pháp luật về đất đai; sự quan tâm của lãnh đạo cấp xã về việc chuyển đổi hồ sơ số hóa còn hạn chế. Thời gian gần đây, giá đất trên địa bàn tỉnh có sự gia tăng cũng là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp đất đai trong nội bộ gia đình.

KNTC liên quan đến công tác bồi thường do sự cố môi trường biển Formosa là một trong những nội dung KNTC ở hầu hết 5 tỉnh nêu trên. Đây là sự kiện lần đầu tiên xảy ra nên văn bản pháp luật chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về việc bồi thường thiệt hại cho các trường hợp bị ảnh hưởng như định lượng giá trị, phần trăm thủy sản hư hỏng do tác động môi trường… nên có khó khăn trong việc giải quyết.

Ngoài ra, vụ việc liên quan đến chính sách người có công cũng là một trong những nội dung KNTC khó khăn trong quá trình giải quyết do việc xác minh hồ sơ qua nhiều giai đoạn, thời kỳ chiến tranh, tính bí mật trong hoạt động cách mạng…

leftcenterrightdel
Biểu đồ số liệu tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư năm 2021 của 5 tỉnh. 

Chia sẻ, phản ánh về những khó khăn, vướng mắc trong công tác tiếp công dân, đại diện các tỉnh cho biết, theo quy định của Luật Tiếp công dân, Ban Tiếp công dân tỉnh thuộc Văn phòng UBND tỉnh. Do đó, khi thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, Thanh tra tỉnh phải lấy số liệu công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC từ Ban Tiếp công dân tỉnh nên có nhiều bất cập. Chính vì vậy, mặc dù cơ quan Thanh tra thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC song tính chủ động chưa đầy đủ; khó khăn về chính sách trong giải quyết những vấn đề mới như Formosa; như phương pháp đo đạc (chuyển đổi số)… cần có nhiều văn bản hướng dẫn kịp thời, cụ thể. Bên cạnh đó, các tỉnh kiến nghị cần có chế tài mạnh hơn, bổ sung nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với việc khiếu nại, phản ánh không đúng nhằm tránh các trường hợp người dân lợi dụng dân chủ, đòi hỏi quyền lợi vượt mức thực tế được hưởng, gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của cán bộ, công chức đặc biệt là những người trực tiếp làm công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC. Đồng thời, chính quyền các cấp cũng phải thực hiện tốt, thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của mình nhằm chủ động giải quyết KNTC, tránh đùn đẩy, vòng vo, kéo dài, mất lòng tin, ở đâu người lãnh đạo đứng đầu kiên quyết thực hiện chỉ đạo này, ở đó không có việc kéo dài, vượt cấp; thực hiện đúng về công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; tạo điều kiện để công dân thực hiện tốt quyền tiếp cận thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin số 104/2016/QH13 đã được Quốc hội phê chuẩn ngày 16/4/2016; lắng nghe, dành nhiều thời gian hơn nữa tiếp xúc với người dân, nói đi đôi với làm, thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền như tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị số 35/CT-TW của Bộ Chính trị đối với các tổ chức đảng, chính quyền: “Quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo”; “lấy hiệu quả của công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo làm tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác”.

leftcenterrightdel
Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra gửi tặng Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương ấn phẩm Tạp chí Thanh tra in số tháng 5/2022. 

Phát biểu tại các buổi làm việc, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra Lê Thế Chiến đã chúc mừng những kết quả về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC một số tỉnh đã đạt được; cảm ơn sự quan tậm, phối hợp giữa các cấp uỷ, chính quyền, Thanh tra các tỉnh với Tạp chí Thanh tra trong thời gian vừa qua. Đồng thời, bày tỏ mong muốn lãnh đạo UBND tỉnh, Thanh tra các tỉnh tiếp tục quan tâm, phối hợp cùng Tạp chí Thanh tra tuyên truyền, nhân rộng những kinh nghiệm, kết quả đã đạt được trong công tác này, góp phần giải quyết dứt điểm các vụ việc phát sinh ngay từ cơ sở; quan tâm chỉ đạo, sát sao hơn nữa đối với lực lượng Cộng tác viên với Tạp chí Thanh tra theo văn bản chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ để có nhiều tin, bài phản ánh kịp thời hơn nữa những thuận lợi khó khăn, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội từ hoạt động tiếp công dân, giải quyết KNTC.

Ông cũng đề nghị Thanh tra tỉnh tiếp tục có những tham mưu đối với Chủ tịch UBND tỉnh nhằm thực hiện tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Bí thư Ban cán sự, Chủ tịch UBND tỉnh trong thực hiện nội dung theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị, điển hình như Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị đã có nhiều hoạt động đối thoại trực tiếp với người dân, tăng cường tuyền truyền vận động là những nguyên nhân dẫn đến kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư KNTC tại Thừa Thiên Huế, Quảng Trị có nhiều kết quả tích cực, làm nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Ảnh, bài: Nhóm phóng viên
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra