Chuyên đề tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn:

Phát huy lợi thế quốc gia, thể hiện vai trò trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế

Thứ sáu, 17/03/2023 13:30
(ThanhtraVietNam) - Ngành Ngân hàng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến các tổ chức, cá nhân, trong đó có chính sách tín dụng tiêu dùng phục vụ đời sống.

Ngành Ngân hàng xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong các lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng

Nông nghiệp, nông thôn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đặt mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, xây dựng nông thôn mới và không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Tiếp đó, Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 19/NQ-TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quan điểm nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế; xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; môi trường xanh, sạch, đẹp.

Cùng với đó, đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng; đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu…

Theo Nghị quyết 19/NQ-TW, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Tầm nhìn đến năm 2045, nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nhiều loại nông sản đứng hàng đầu thế giới. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

Đối với ngành Ngân hàng, trong nhiều năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong các lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng và đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm mở rộng tín dụng hiệu quả đối với lĩnh vực này.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm mở rộng tín dụng hiệu quả đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Theo đó, chủ động tham mưu trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và thường xuyên sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với nhu cầu phát triển mới. Các Nghị định 41/2010/NĐ-CP, Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP với nhiều điểm đột phá mới, như mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình đã được nâng lên gấp đôi so với năm 2015; bổ sung chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện đầu mối liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; hoàn thiện chính sách xử lý rủi ro đối với khách hàng gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng; bổ sung quy định về quản lý dòng tiền liên kết trong sản xuất nông nghiệp, góp phần hạn chế rủi ro tín dụng và khuyến khích tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh cho vay...

Đồng thời, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thấp hơn từ 1%-2% lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác, đồng thời triển khai nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các TCTD mở rộng tín dụng nông nghiệp, nông thôn, như: Thực hiện chính sách hỗ trợ về nguồn vốn cho các TCTD có tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 40% trở lên; khuyến khích các TCTD mở rộng hoạt động và phát triển thêm các gói sản phẩm tín dụng phù hợp ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là các khu vực có mạng lưới ngân hàng chưa phát triển...

Ngành Ngân hành chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và triển khai nhiều chương trình tín dụng đặc thù góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam như lúa gạo, thủy sản, cà phê...; khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ; hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg,...

Cùng với đó, triển khai mạnh mẽ, sâu rộng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, liên kết với nông dân trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nông thôn. Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục vay vốn, đồng thời niêm yết công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay để doanh nghiệp, người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn được vay vốn một cách thuận lợi với thời gian nhanh nhất.

Đặc biệt, quan tâm phát triển tín dụng phục vụ đời sống cho người dân khu vực nông thôn, đặc biệt là ở các khu vực còn nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa,  góp phần giảm nghèo bền vững và hạn chế tình trạng tín dụng đen thông qua nhiều giải pháp đồng bộ như: tạo hành lang pháp lý cho các TCTD, nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô mở rộng tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng, cải thiện đời sống của người dân nông thôn...

Và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến các tổ chức, cá nhân, trong đó có chính sách tín dụng tiêu dùng phục vụ đời sống./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra