Quy định theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước

Thứ tư, 09/11/2022 08:08
(ThanhtraVietNam) - Kiểm toán Nhà nước vừa mới ban hành Quyết định số 02/2022/QĐ-KTNN quy định theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN). Theo đó, các khiếu nại, kiến nghị của đơn vị được kiểm toán phát sinh trong quá trình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán phải kịp thời được giải quyết theo Quy định khiếu nại, khởi kiện và trả lời kiến nghị trong hoạt động KTNN.

Theo Quyết định, tổ chức thực hiện giải quyết kiến nghị, khiếu nại đối với kết luận, kiến nghị kiểm toán của đơn vị được kiểm toán qua theo dõi, đôn đốc, kiểm tra theo Quy định khiếu nại, khởi kiện và trả lời kiến nghị trong hoạt KTNN.

Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của đơn vị được kiểm toán, đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán có trách nhiệm rà soát, tổng hợp, báo cáo Tổng KTNN về kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán (qua Vụ Tổng hợp). Báo cáo kết quả phải nêu rõ các kết luận, kiến nghị đã thực hiện; các kết luận, kiến nghị đơn vị báo cáo đã thực hiện nhưng chưa đủ điều kiện xác nhận do còn thiếu bằng chứng, hồ sơ, tài liệu hoặc nguyên nhân khác; kiến nghị chưa thực hiện hoặc đang thực hiện làm cơ sở cho việc.

Vụ Tổng hợp cần phối hợp với đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán thực hiện giải quyết kiến nghị, khiếu nại của đơn vị được kiểm toán trong quá trình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo Quy định khiếu nại, khởi kiện và trả lời kiến nghị trong hoạt động KTNN.

Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Thanh tra KTNN có trách nhiệm phối hợp với Vụ Tổng hợp và các đơn vị trong việc giải quyết các vấn đề trong quá trình theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán (nếu có) liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao và theo phân công của Tổng KTNN. Qua đó, tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán đối với công tác tổ chức, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

leftcenterrightdel
 Kiểm toán Nhà nước Việt Nam (Ảnh: Internet)

Điều 14 của Quyết định 02/2022/QĐ-KTNN quy định trình tự các bước tổ chức kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán:

- Chuẩn bị kiểm tra, gồm các bước: Lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch kiểm tra, quyết định kiểm tra, chuẩn bị triển khai kiểm tra.

- Tổ chức thực hiện kiểm tra.

- Kết thúc kiểm tra, gồm các bước: Lập biên bản, báo cáo kiểm tra; thẩm định, phát hành báo cáo kiểm tra; lưu trữ hồ sơ kiểm tra.

Đối với Kế hoạch kiểm tra, việc lập Kế hoạch kiểm tra được căn cứ trên cơ sở kết quả theo dõi, đôn đốc thông tin về tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán được thu thập, tổng hợp; và kết quả đánh giá tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Theo quy định, thời hạn một cuộc kiểm tra không quá 15 ngày làm việc. Trường hợp cần thiết phải tăng thêm thời gian kiểm tra, mỗi cuộc kiểm tra chỉ được gia hạn một lần, thời gian gia hạn tối đa không quá 10 ngày làm việc.

Trường hợp việc kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán được tổ chức lồng ghép với cuộc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán: Nội dung kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán phải được lập, thẩm định và phê duyệt tại Kế hoạch kiểm toán; thời gian kết thúc cuộc kiểm tra không vượt quá thời gian kết thúc cuộc kiểm toán; Trưởng Đoàn kiểm tra đồng thời Trưởng Đoàn kiểm toán.

Về công bố quyết định và kế hoạch kiểm tra. chậm nhất sau 15 ngày làm việc kể từ ngày ký ban hành quyết định kiểm tra, Trưởng Đoàn kiểm tra phải tổ chức công bố quyết định, kế hoạch kiểm tra (dự kiến lịch trình kiểm tra) với đơn vị được kiểm tra.

Căn cứ Kế hoạch kiểm tra đã được duyệt, Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, sử dụng các phương pháp kiểm tra để xác nhận với đơn vị được kiểm tra tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Từ đó, đưa ra đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị về việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Nội dung kiểm tra chủ yếu liên quan đến việc lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; thời hạn báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán so với quy định; tình hình thực hiện đối với các kết luận, kiến nghị kiểm toán; xác định những kết luận, kiến nghị kiểm toán đã thực hiện, đang thực hiện, chưa thực hiện; nguyên nhân các kết luận, kiến nghị chưa được thực hiện hoàn thành và kiến nghị xử lý.

Trong quá trình kiểm tra, các thành viên có trách nhiệm thường xuyên báo cáo với Trưởng đoàn về tình hình, kết quả công việc được phân công và những vấn đề cần xin ý kiến chỉ đạo. Chế độ báo cáo được quy định cụ thể trong Kế hoạch kiểm tra. Trưởng Đoàn kiểm tra có trách nhiệm báo cáo tình hình, kết quả kiểm tra theo yêu cầu của Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm tra. Báo cáo nêu rõ những thuận lợi, khó khăn, nội dung, kết quả kiểm tra, những vấn đề cần phải xin ý kiến chỉ đạo và kế hoạch tiếp theo. Trường hợp vấn đề khó khăn vướng mắc vượt khả năng và thẩm quyền của Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm tra thì Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm tra báo cáo Tổng KTNN xin ý kiến chỉ đạo./.

 

Quỳnh An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra