Bộ Y tế:

Tạo hành lang pháp lý an toàn, vững chắc để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi

Thứ tư, 08/03/2023 08:59
(ThanhtraVietNam) - Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù của ngành Y tế. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phân công, phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao

Theo Bộ Y tế, trong năm 2022, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, ngành Y tế nỗ lực hết sức trong điều kiện năng lực, nguồn lực của hệ thống y tế còn hạn chế và đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Với các giải pháp quyết liệt, kết thúc năm 2022, toàn ngành y tế đã hoàn thành và vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao, đạt 11,1 bác sĩ, 31 giường bệnh trên 10.000 dân, 92,03% dân số tham gia bảo hiểm y tế; cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2022 được Chính phủ giao.

Công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh. Nhiều dịch vụ công của Bộ Y tế đều được cung cấp ở cấp độ 4. Hoàn thành kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu tiêm chủng vaccine phòng, chống Covid-19 và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính về y tế với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư.

Năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở được nâng lên; Ngành y tế đã thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; phối hợp với bộ, cơ quan liên quan để rà soát, đề xuất sửa đổi hoặc làm rõ các văn bản pháp luật liên quan đến mua sắm đấu thầu. Đẩy nhanh việc cấp mới, gia hạn, duy trì giấy đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được ngành y tế đang phải đối mặt với những khó khăn, tồn tại và thách thức, cụ thể: hệ thống văn bản pháp luật đã được hoàn thiện từng bước nhưng còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ. Đặc biệt là mua sắm, đấu thầu chưa thể chế được hết các quan điểm, đường lối, chính sách tại Nghị quyết 20/NQ-TW, Nghị quyết 21/NQ-TW. Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế.

Chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn chưa bảo đảm yêu cầu, một số dự án kéo dài, chưa được giải quyết triệt để. Công nghiệp dược, trang thiết bị y tế trong nước còn hạn chế, còn tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc…

Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa bảo đảm được yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra, nhất là ứng dụng trong triển khai các dịch vụ khám, chữa bệnh, liên thông dữ liệu… Quản lý chất lượng đào tạo nhân lực y tế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, nhất là nhân lực có kinh nghiệm, trình độ, tại các cơ sở y tế khu vực công lập do gia tăng áp lực công việc, mức độ nguy hiểm, rủi ro nghề nghiệp; chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với thời gian đào tạo và đặc thù nghề nghiệp…

leftcenterrightdel
 Ngành Y tế sẽ khắc phục tồn tại, khó khăn để phục vụ người dân tốt hơn. Ảnh: PV

Phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Cũng theo Bộ Y tế, trong thời gian tới để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, ngành y tế đã và đang triển khai nhiều giải pháp quan trọng, trong đó tiếp tục tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế kịp thời, đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác y tế. Phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù của ngành Y tế. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phân công, phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và các nội dung y tế trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh, không để dịch chồng dịch. Triển khai hiệu quả các hoạt động về an toàn sinh học và xét nghiệm, nâng cao năng lực hệ thống xét nghiệm bệnh truyền nhiễm. Tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, quản lý các bệnh không lây nhiễm; quản lý môi trường y tế, nâng cao sức khỏe người dân.

Đồng thời, tăng cường năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thực hiện có hiệu quả Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030.

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các quy định nhằm tạo môi trường pháp lý triển khai đổi mới đào tạo nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế. Và thúc đẩy triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số y tế trên phạm vi cả nước, kế hoạch dịch vụ công trực tuyến, kết nối chia sẻ với Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống liên quan.

Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng sẽ tập trung các giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc. Tăng cường quản lý giá thuốc, đảm bảo thị trường dược phẩm được duy trì bình ổn, đáp ứng đủ thuốc vắc xin cho nhu cầu phòng và điều trị của người dân. Phát huy hiệu quả cao nhất của đấu thầu tập trung, đàm phán giá góp phần giảm chi phí thuốc…

Có thể thấy, dù phải đối mặt với một năm nhiều khó khăn, thách thức, biến cố, nhưng toàn ngành y tế đã nỗ lực, đoàn kết quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thách thức, công tác y tế đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, kết quả, thành tích đó đến từ việc ngành y tế đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ thành các chương trình, kế hoạch hành động có tính phù hợp, khả thi đối với Ngành, cơ quan, tổ chức.

Đi cùng với việc tập trung công tác xây dựng văn bản pháp luật, hoàn thiện thể chế để tạo hành lang pháp lý an toàn, vững chắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi. Chủ động, liên tục rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Ngành Y tế sẽ tập trung nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước và chuyên môn; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị; coi trọng sơ kết, đánh giá thực tiễn, kịp thời rút kinh nghiệm gắn với nâng cao năng lực phân tích, đánh giá, dự báo, cảnh báo, nắm chắc tình hình, kịp thời ứng phó, xử lý hiệu quả những vấn đề phát sinh…

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra