Thành phố Hồ Chí Minh:

Thông tin của báo chí phản ánh thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải chỉ đạo xử lý

Thứ tư, 01/03/2023 13:19
(ThanhtraVietNam) - Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vừa phối hợp Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM tổ chức tọa đàm tiếp tục phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông góp phần thực hiện hiệu quả Quy định 1374-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy.

Thông tin phản ảnh từ báo chí chiếm hơn 12%

Báo cáo đề dẫn tọa đàm, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, trước khi Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Quy định số 1374-QĐ/TU, các cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm xử lý các thông tin phản ánh. Tuy nhiên, có lúc, có nơi, nhiều cơ quan, đơn vị có thông tin báo chí phản ánh nhưng chưa kịp thời chỉ đạo xem xét, xử lý. Quy định số 1374-QĐ/TU đã chỉ rõ thông tin phản ánh được xác định là có cơ sở theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để xem xét, xử lý từ 4 nguồn, trong đó nguồn thứ tư là phản ánh của báo chí. “Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu, thông tin phản ánh của báo chí “liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đơn vị nào thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó lãnh đạo, chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền, báo cáo Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp và Ban Thường vụ cấp trên; văn phòng cấp ủy cấp trên của đơn vị tổng hợp, báo cáo, đề xuất thường trực cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo; Ban tuyên giáo các cấp tham mưu, đề xuất Thường trực cấp ủy cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo xử lý những vấn đề nhạy cảm liên quan đến tư tưởng chính trị, bức xúc trong dư luận xã hội của TP, địa phương, đơn vị.

Theo đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, qua tổng hợp kết quả thực hiện Quy định số 1374-QĐ/TU cho thấy, thông tin phản ánh từ cơ quan báo chí rất nhiều; kết quả xử lý thông tin, phản ánh và xử lý kỷ luật TP đã tiếp nhận hơn 9.000 thông tin, trong đó thông tin từ báo chí chiếm hơn 12%. Qua xử lý thông tin phản ánh của báo chí, các cấp ủy đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định, quy chế cho phù hợp với thực tiễn. Qua đó cho thấy thông tin phản ánh hằng ngày của báo chí đóng vai trò rất quan trọng, trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp. Với vai trò là cơ quan tham mưu của Thành ủy; nghiên cứu, tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ TP, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy trong công tác báo chí, Ban Tuyên giáo Thành ủy thường xuyên chủ động công tác chỉ đạo, định hướng báo chí TP và trao đổi, đề nghị các cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn, nhất là các cơ quan báo chí Trung ương có ký kết Chương trình phối hợp truyền thông với TP.HCM quan tâm, đầu tư thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy định số 1374-QĐ/TU.

leftcenterrightdel
Quang cảnh hội nghị (Ảnh: TU.TP.HCM) 

Chỉ ra những tồn tại, hạn chế, thậm chí sai phạm của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ

Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê đánh giá, công tác tuyên truyền Quy định số 1374-QĐ/TU luôn được các cơ quan báo chí TP quan tâm, có nhiều phương pháp thực hiện tốt, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong các cấp ủy, tổ chức đảng và đến đông đảo cán bộ, đảng viên cùng các tầng lớp Nhân dân. Phản ánh của báo chí đi vào nhiều lĩnh vực, nhất là phản ánh về công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, thậm chí sai phạm của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ. Qua phản ánh thông tin, các cơ quan báo chí góp phần đề xuất các giải pháp để các cơ quan ra quy chế phối hợp kịp thời, hạn chế khuyết điểm. Đồng thời, cũng qua thông tin phản ánh của báo chí, phần nào đã giúp các địa phương, đơn vị nắm bắt được tình hình, chủ động giải quyết các sai sót, khuyết điểm, vi phạm, nhất là những vi phạm diễn biến kéo dài gây bức xúc trong dư luận; giúp lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương dễ dàng nắm bắt các sự việc, vấn đề liên quan đến cơ quan, đơn vị, địa phương một cách kịp thời, nhanh chóng. Trên cơ sở những thông tin báo chí phản ánh, tại các Báo cáo tình hình báo chí hằng ngày, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã báo cáo, đề xuất Thường trực Thành ủy kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vấn đề liên quan.

Tuy nhiên, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê cũng cho rằng, cùng với những mặt được, các cơ quan báo chí cũng đã bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót trong quá trình thông tin; có lúc còn thiếu bám sát nội dung chỉ đạo của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí của Trung ương và TP dẫn đến việc đăng phát thông tin thiếu chính xác, gây hiệu ứng tiêu cực trong xã hội; còn tình trạng một số cơ quan báo chí, tạp chí điện tử của các cơ quan Trung ương đã đăng tin bài chưa chính xác, thiếu kiểm chứng nguồn tin./.

PV
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra