Xây dựng môi trường, hệ sinh thái hành chính trong sạch, lành mạnh, công khai, minh bạch

Thứ ba, 28/02/2023 14:37
(ThanhtraVietNam) - Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới đây là phải thực hiện tốt công tác CCHC giúp: Tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; giảm thời gian, công sức cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình; góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là tham nhũng vặt; giảm chi phí đầu vào sản xuất kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh; làm môi trường, hệ sinh thái hành chính trong sạch, lành mạnh, công khai, minh bạch.

Theo Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ (Ban Chỉ đạo CCHC), năm 2022, công tác cải cách, hoàn thiện thể chế được chú trọng, có nhiều đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả, xuất phát từ thực tế, lấy thực tế làm thước đo. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, Chính phủ đã tổ chức 09 phiên họp chuyên đề về xây dựng chính sách, pháp luật; đã trình Quốc hội thông qua 39 đề nghị xây dựng luật, dự án, dự thảo luật, pháp lệnh; đã trình Quốc hội thông qua 12 luật, ý kiến 08 luật; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền 1.892 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành, trong đó có rất nhiều quy định liên quan đến thủ tục hành chính (TTHC), CCHC; nhất là trong tháng 01/2023 đã tổ chức 01 phiên họp chuyên đề pháp luật, ban hành các Nghị quyết số: 01/NQ-CP, 02/NQ-CP, 03/NQ-CP ngày 06/1/2023...

Công tác kiểm tra, rà soát, theo dõi thi hành, phổ biến, giáo dục pháp luật được tăng cường, đôn đốc. Trong năm 2022, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra theo thẩm quyền gần 12.000 văn bản quy phạm pháp luật, rà soát hơn 27.800 văn bản và kiến nghị xử lý hơn 5.700 văn bản.

Cùng với đó, công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Trong năm 2022, đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.041 quy định kinh doanh tại 101 văn bản; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án phân cấp 699 TTHC/100 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 

Cả nước đã thành lập 11.700 Bộ phận Một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC, trong đó có 56/63 địa phương tổ chức theo mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh; 100% bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và đưa vào vận hành cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.

Cũng theo Ban Chỉ đạo CCHC, đến nay, gần 4.400/6.502 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến (đạt trên 67%); hơn 164 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 4,6 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến; cơ bản hoàn thành tích hợp, cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia...

Chuyển đổi số quốc gia được triển khai một cách mạnh mẽ, thực chất, đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trở thành điểm sáng trong năm vừa qua. Đặc biệt, Đề án 06 với nhiều tiện ích, đặc biệt là việc quản lý công dân thông qua căn cước gắn chíp điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ trên toàn quốc. Đến nay, đã cấp gần 78 triệu căn cước công dân gắp chíp điện tử, đã kết nối dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 13 bộ, ngành, 04 doanh nghiệp và 57 địa phương.

Các Hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành tiếp tục được triển khai, phát huy hiệu quả: Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ đã xử lý gần 1.500 Phiếu lấy ý kiến giúp thay thế hơn 524 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy. Trục liên thông văn bản quốc gia có khoảng 18 triệu văn bản điện tử gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước các cấp...

Yêu cầu mà Ban Chỉ đạo đặt ra cho các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới đây là phải thực hiện tốt công tác CCHC giúp: tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; giảm thời gian, công sức cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình; góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là tham nhũng vặt; giảm chi phí đầu vào sản xuất kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh; làm môi trường, hệ sinh thái hành chính trong sạch, lành mạnh, công khai, minh bạch./.

Bến Hồng
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra