Biển người và phương tiện di chuyển theo hướng Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục - Lê Thái Tổ trong dịp tết trung thu vừa qua tại Hà Nội.
Bộ Y tế vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ về việc xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại địa phương có nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán.
Trong công văn, Bộ Y tế nêu rõ: Hiện nay nhiều địa phương vẫn ghi nhận số mắc COVID-19 hằng ngày trong cộng đồng, đặc biệt tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn. Ngoài ra biến thể Omicron đang lan truyền nhanh, diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian nghỉ Tết âm lịch.
“Việc sinh hoạt, đi lại, giao thương của người dân trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán tuyệt đối tuân thủ đúng và đầy đủ quy định 5K (khẩu trang, khử khuẩn, không tụ tập, khai báo y tế và khoảng cách) của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, theo Bộ Y tế” - Công văn nêu rõ.
Đề nghị, lo lắng của Bộ Y tế là hoàn toàn không thừa và có cơ sở. Bởi trong những đợt lễ trước đó chúng ta từng có “tiền lệ xấu”. Đó là sau mỗi đợt khống chế được dịch, vào những ngày nghỉ lễ như dịp 10/3 âm lịch, 30/4-1/5, dịp tết trung thu… người dân lại đổ ra đường như chưa từng có dịch hoành hành. Và sau mỗi lần như vậy, thành quả chống dịch của cả hệ thống chính trị lại bị "thách thức rất lớn". Đến tận bây giờ, chính phủ, các ngành, các địa phương, các lực lượng chức năng vẫn đang “căng mình” chống dịch.
Mặc dù vậy, tình trạng đó dường như không mấy tác động đến tinh thần của một bộ phận người dân, nhất là trong giới trẻ. Ở không ít nơi trong cả nước, nhất là các thành phố lớn vẫn còn hiện tượng tụ tập đông người tại các quán ăn, địa điểm công cộng… mà không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cần thiết.
Cần nhắc lại rằng, để có thể sống trong trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 như hiện nay, chúng ta đã phải trải qua cả một trận chiến rất cam go với cái giá phải trả là vô cùng đắt. Đó chính là sinh mạng của hơn hai chục nghìn đồng bào tử vong trong dịch bệnh và vô vàn những thiệt hại nặng nề về người và tài sản mà chưa biết khi nào chúng ta mới khắc phục được.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây là bài học đau đớn, đắt giá mà không chỉ người dân, cả cơ quan chức năng cũng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để tránh tái diễn. Chúng ta không được phép để những hy sinh, mất mát không đáng có lặp lại.
Vì thế, nhiều người cho rằng, việc trước kỳ nghỉ Tết 2022, nhất là nghỉ Tết Nguyên đán, Bộ Y tế đã kịp thời có công văn đề nghị Chính phủ xem xét dừng tất cả những hoạt động không cần thiết, tránh để bùng phát dịch COVID-19 trên diện rộng là một việc làm kịp thời, có trách nhiệm.
Nhưng đáng lẽ ra nếu mỗi người có ý thức, ngay cả khi không có công văn cấm tụ tập đông người thì trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch thì mỗi người dân đã phải tự cân nhắc về sự thiệt hơn của mỗi hành động. Bởi mỗi khi xảy ra sự cố, dù là với cá nhân, tổ chức, hay rộng hơn là cơ quan, đơn vị, địa phương... cần phải biết rút kinh nghiệm, nhận ra bài học cần thiết, nhất là đối với những sự việc gây ảnh hưởng xấu đến toàn xã hội. Trong trường hợp này, những “bài học” cũ vẫn còn nguyên giá trị.
Vì vậy, để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh, “vắc-xin" ý thức tự giác của người dân vẫn là quan trọng nhất. Vì mình và cả cộng đồng, mỗi người dân triệt để thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể duy trì được trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, điều mà để đạt được chúng ta đã phải trả một giá vô cùng đắt./.
Theo Báo Điện tử ĐCSVN