Bắt mạch "sức khỏe" nền kinh tế, uy tín quốc gia thông qua nợ công

Thứ năm, 16/03/2023 16:22
(ThanhtraVietNam) - Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, mức độ nợ của Việt Nam vẫn ở ngưỡng an toàn, nhờ vào tăng trưởng kinh tế khá ổn định và sự tập trung của Chính phủ trong việc phát triển các nguồn thu ngân sách và chi phí đầu tư hợp lý. Tuy vậy, để sử dụng hiệu quả công cụ tài chính này Chính phủ vẫn cần phải quản lý hiệu quả việc vay nợ và chi tiêu ngân sách để đảm bảo tình hình tài chính của đất nước…

Sử dụng hiệu quả vốn vay nợ công có ý nghĩa lớn đối với tiến trình kiến thiết, phát triển kinh tế

Trong quá trình phát triển nền kinh tế của mỗi quốc gia, Nhà nước phải huy động nguồn lực nhiều hơn từ trong và ngoài nước. Với các khoản thu truyền thống là thuế, phí, lệ phí sẽ khó đáp ứng được nhu cầu chi tiêu thì Nhà nước sẽ phải vay nợ để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình và sẽ có trách nhiệm chịu trách nhiệm trong việc chi trả khoản nợ đó.

Để vay nợ, Chính phủ có thể phát hành trái phiếu chính phủ để vay tiền từ các tổ chức hay các nhân hoặc có thể vay trực tiếp từ ngân hàng, các thể chế siêu quốc gia. Việc phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ được đánh giá là không có rủi ro về tín dụng khi sử dụng nguồn lực trong nước, đến thời hạn trả nợ nếu không bố trí được nguồn trả nợ thì có thể cân nhắc giải pháp tăng thuế, in thêm tiền để thanh toán gốc và lãi. Một loại hình khác là phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ, đây là hình thức có  rủi ro cao hơn khi đến hạn thanh toán Chính phủ không có đủ ngoại tệ để thanh toán, đồng thời chịu rủi ro nếu tỷ giá hối đoái. Để đánh giá quy mô nợ chính phủ, các nhà kinh tế thường dùng tỷ lệ phần trăm giữa tổng số nợ so với tổng sản phẩm quốc nội GPD.

Xét một cách công bằng, nợ công sẽ làm gia tăng nguồn lực cho nhà nước, thông qua chi tiêu công, Chính phủ sẽ tăng cường nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng và tăng khả năng đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước. Nếu chính sách huy động nợ công hợp lý thì nhu cầu về vốn sẽ từng bước được giải quyết để đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng tính kết nối, tạo ra không gian phát triển mới, gia tăng năng lực sản xuất, cạnh tranh cho nền kinh tế.

Huy động nợ công sẽ góp phần tận dụng được nguồn tài chính nhàn rỗi trong dân cư, đồng thời tận dụng được sự hỗ trợ từ nước ngoài và tổ chức tài chính quốc tế. Hoạt động tài trợ là một trong những hoạt động kinh tế, ngoại giao, hợp tác song phương, đây cũng chính là cách các nước lớn, các nước phát triển thể hiện sự ảnh hưởng của mình lên các quốc gia nhỏ, kém phát triển và sự cạnh tranh, ảnh hưởng giữa các quốc gia lớn với nhau.

Tuy nhiên, nợ công cũng có mặt trái của nó, tùy thuộc vào năng lực quản lý tài chính quốc gia mà nợ công có thể trở thành nợ xấu cũng như áp lực trả nợ sẽ gây nên sức ép về chính sách đầu tư cho phát triển và chính sách thuế, phí… Bên cạnh đó, tư duy nhiệm kỳ, ngắn hạn cũng là trở ngại lớn trong vấn đề nợ công, khi nguồn vay không được quản lý chặt chẽ, hiệu quả sẽ gây nên lãng phí, thất thoát, tiêu cực, tham nhũng nguồn tiền. Việc sử dụng nguồn vốn vay nợ không hiệu quả đều có thể gây nên nhiều hệ quả như nợ chồng nợ, khó khăn cho nền kinh tế, uy tín quốc gia sút giảm, kéo theo bất ổn về kinh tế - xã hội.

Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, đang trong quá trình hội nhập sâu, rộng về kinh tế thì việc nhìn nhận, đánh giá và sử dụng hiệu quả vốn vay nợ công là điều hết sức có ý nghĩa đối với tiến trình kiến thiết, phát triển kinh tế của chúng ta. 

Bình tĩnh, chủ động, linh hoạt trong xử lý điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, nợ công giai đoạn 2017 - 2021 giảm mạnh từ mức 61,4% GDP xuống còn 43,1% GDP, điều này là do chúng ta giảm vay nợ, đã trả được nợ, hay quy mô nền kinh tế tăng lên?

Cùng tìm hiểu đâu là nguyên nhân chính của việc giảm “đột ngột” này. Mức nợ công năm 2017 tương đương 61,4% GDP, năm 2018 là 58,3% GDP, năm 2019 còn 55%, năm 2020 là 55,9% và đến năm 2021 tương đương 43,1% GDP.

Nợ Chính phủ cũng giảm từ tỷ lệ 51,7% GDP ở năm 2017 đến năm 2021 còn 39,1% GDP. Nợ Chính phủ bảo lãnh từ 9,1% GDP ở năm 2017 đến năm 2021 là 3,8% GDP. Nợ chính quyền địa phương năm 2021 vào khoảng 0,6% GDP trong khi năm 2017 bằng 1,1% GDP.

Nợ nước ngoài của quốc gia tính đến hết năm 2021 giảm còn 38,4% GDP so với năm 2017 là 49% GDP.

Tuy vậy, tính đến năm 2021, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia tính trên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ năm 2021 tăng trở lại lên mức 6,2%, sau 2 năm giảm liên tiếp về mức dưới 6%; cùng với đó, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước tăng nhẹ trở lại so với năm 2020 lên khoảng 21,8% (nếu so sánh với giai đoạn 2017 - 2019 thì tỷ lệ này tăng khá lớn), điều này gây áp lực khá lớn lên ngân sách và cân đối thu chi của Chính phủ.

Sở dĩ, nợ công của chúng ra giảm đột biến năm 2021 là vì chúng ta thay đổi cách tính GDP vào năm 2020, khi đó quy mô GDP của Việt Nam điều chỉnh tăng thêm 25%. Ngoài ra, GDP của cả nước cũng tăng trưởng dần nên tỷ lệ nợ công giảm xuống. Xét về con số tương đối, nợ công/mức trần nợ công mà Quốc hội đưa ra là 43,1%/60% GDP thì còn khoảng cách khá an toàn, tuy nhiên tỷ lệ nợ công giảm là do thay đổi cách tính GPD, còn con số tuyệt đối vẫn ở mức cao với khoảng 3,65 triệu tỉ đồng (gần 156 tỉ USD).

Số liệu của IMF cho thấy, nợ công của Việt Nam năm 2021 chỉ có 39,7%, tức là còn thấp hơn con số mà Bộ Tài chính đưa ra, tỷ lệ này nằm trong nhóm thấp nhất khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng ít hơn những nền kinh tế có quy mô tương tự như Philippines, Nam Phi, Malaysia, Singapore hay Bangladesh.

Dẫn chứng điều này để thấy, dù con số tuyệt đối vẫn ở mức cao nhưng chúng ta không “hoang mang, lo sợ”, trái lại cần bình tĩnh, chủ động, linh hoạt trong xử lý điều hành thu - chi Chính phủ, trong điều hành kinh tế vĩ mô. Bởi lẽ, nợ công là một phần của nền kinh tế, trong danh sách 10 nước có tỷ lệ nợ công/GDP cao nhất thế giới, khoảng một nửa là những quốc gia có thu nhập cao. Trường hợp của Nhật Bản có nợ công lên tới 263,9% GDP vào năm 2022, cao nhất thế giới. Dù như vậy nhưng các cơ quan đánh giá tín dụng vẫn xếp hạng tín nhiệm kinh tế Nhật Bản vào hạng A.

leftcenterrightdel
Cần thiết phải minh bạch về nợ công quốc gia, tăng cường giám sát và trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn từ NSNN nói chung và vốn vay của Chính phủ thông qua hệ thống các cơ quan dân cử và Nhân dân. Ảnh minh họa: Internet

Cần tìm điểm cân bằng giữa: lãi suất - tỷ giá; lãi suất - lạm phát

Cũng theo IMF, nợ công của một quốc gia được cho là bền vững nếu chính phủ có thể đáp ứng được nghĩa vụ trả nợ trong tương lai, không cần đến sự trợ giúp tài chính đặc biệt hoặc rơi vào cảnh vỡ nợ. Một quốc gia có thể vay nợ rất nhiều, nhưng nếu khoản vay này có lãi suất thấp, thời gian trả nợ dài và đồng tiền trả nợ bằng nội tệ, thì khả năng vỡ nợ của nước này có thể vẫn sẽ thấp.

Đối với chúng ta, điều quan trọng là duy trì đà tăng trưởng, đảm bảo khả năng trả nợ và với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI liên tục tăng và duy trì được nền tảng tăng trưởng ổn định trong thời gian dài, đây là căn cứ vững chắc để đảm bảo khả năng trả nợ đến hạn của Chính phủ.

Để quản lý nợ công, trước hết Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ nợ công trên GDP thông qua việc xem xét các yếu tố cấu thành nợ công. Và để quản lý tốt tỷ lệ nợ công, Quốc hội cần quy định trần nợ công phù hợp với năng lực nền kinh tế cũng như chuẩn hóa phương pháp tính nợ công theo thông lệ quốc tế.

Tiếp đó, giảm thâm hụt ngân sách nhà nước trên GDP, bởi lẽ gia tăng thâm hụt NSNN sẽ làm giảm tiết kiệm nội địa, giảm đầu tư tư nhân, gây khó khăn cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, thâm hụt NSNN cao, kéo dài sẽ làm niềm tin của người dân giảm sút và có nhiều nghi ngại đối với chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ... Vậy, để giảm thâm hụt NSNN có thể sử dụng là giảm các khoản đầu tư không hợp lý, nâng cao hiệu quả đầu tư công, chi tiêu công, sử dụng tiền, tài sản từ NSNN…

Một giải pháp cần được chú ý nữa, đó là cải thiện điều kiện thương mại, bên cạnh việc củng cố, duy trì, giữ vững các thị trường truyền thống thì việc tìm kiếm, mở rộng thị trường mới cũng cần được chú trọng, đặc biệt tận dụng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới FTA. Việt Nam cần chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, tăng cường xuất khẩu các loại hàng hóa có giá trị chế biến cao, hạn chế xuất khẩu thô. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, xây dựng nên kinh tế độc lập, tự chủ, tăng cường đạng hóa, đa phương hóa nền kinh tế…

Cùng với đó, với mức dự trữ ngoại tệ được đảm bảo như hiện nay thì cần thiết thay đổi cơ cấu nợ công, thông qua việc tăng cường vay nợ nội địa bằng phát hành trái phiếu chính phủ bằng tiền đồng với lãi suất hấp dẫn sẽ đạt được mục tiêu kép là huy động tối đa nguồn lực trong nước, từ tiền, vốn nhàn rỗi trong dân, đồng thời tránh được rủi ro về thiếu ngoại tệ cũng như tỷ giá khi đến hạn thanh toán nợ gốc và lãi cho bên cho vay.

Mặt khác, yêu cầu bức thiết là phải tăng hiệu quả đầu tư công, kết quả thống kê chỉ ra rằng, cứ 1% giải ngân đầu tư công tăng thêm sẽ tác động làm tăng 0,058% GDP. Do đó, cần tập trung thúc đẩy giải ngân đầu tư công, nhưng không phải giải ngân bằng mọi giá, yêu cầu ở đây là phải có trọng tâm, trọng điểm, giải ngân vào những dự án lớn, đảm bảo thủ tục pháp lý, hấp thụ được vốn đầu tư ngay, để từ đó lan tỏa, kích thích phát triển kinh tế. Đồng thời, thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia, đi kèm với đó là yêu cầu chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.

Một vấn đề cần được quan tâm nữa đó chính là suất đầu tư cần phải được hạ xuống để tăng hiệu quả của vốn đầu tư công. Phải xác định rằng, vốn nhà nước để đầu tư công cũng chỉ là vốn mồi và phải làm thế nào để tập trung huy động vốn ngoài xã hội tham gia vào nhiều dự án để thúc đẩy phát triển kinh tế. Mà đi vay về để đầu tư công nhưng không giải ngân được thì làm sao có hiệu quả?

Ngoài ra, cần cải cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ nhất để phục hồi kinh tế sau đại dịch, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc cải thiện điều kiện đầu tư kinh doanh, xóa bỏ các rào cản bất cập, không hợp lý, quy trình thủ tục hành chính, nhất là với một số lĩnh vực tác động lớn như đất đai, bất động sản, xây dựng, đấu thầu. Cần thiết phải minh bạch về nợ công quốc gia, tăng cường giám sát và trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn từ NSNN nói chung và vốn vay của Chính phủ thông qua hệ thống các cơ quan dân cử và Nhân dân.

Về nguyên tắc chung, Chính phủ dùng NSNN để chi trả gốc và lãi nợ công đến hạn, do đó cần thiết phải có giải pháp để duy trì và tăng thu ngân sách để đảm bảo khả năng chi trả nợ bên cạnh chi cho đầu tư phát triển, chi thường xuyên… tùy tình hình cụ thể Chính phủ có thể sử một trong các giải pháp như:

Điều hành lãi suất: Việc duy trì lãi suất ở mức thấp với chính sách tiền tệ mở rộng là một cách để chính phủ kích thích kinh tế, tạo ra doanh thu thuế và giảm nợ công. Lãi suất thấp giúp cá nhân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư, sản xuất, kinh doanh, từ đó gia tăng sản lượng, hàng hóa và dịch vụ, kích thích kinh tế phát triển, tạo ra việc làm và tăng thu NSNN từ thuế. Bên cạnh đó, cũng cần phải tìm điểm cân bằng giữa: lãi suất - tỷ giá; lãi suất - lạm phát; giữa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.

Cắt giảm chi tiêu thường xuyên: Thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa, bảo đảm chi NSNN tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định. Chú trọng cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là chi mua sắm công, đi công tác trong và ngoài nước, sử dụng ô tô công, tổ chức hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, khảo sát, tiết kiệm điện, xăng dầu… để dành nguồn tăng chi đầu tư phát triển và chi các nhiệm vụ cấp bách, đây được xem là giải pháp khả dĩ cả về trước mắt lẫn lâu dài.

Tăng thuế: Một giải pháp nữa để tăng thu NSNN là tăng thuế, tuy nhiên điều này gặp khá nhiều trở ngại trong bối cảnh Việt Nam hiện nay. Cụ thể, chúng ta vừa trải qua 2 năm đại dịch Covid-19, khi mà nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh nghiệp khó khăn, sản xuất đình trệ, sinh kế của người dân bị bào mòn, Chính phủ đang kiên định, nhất quán trong mục tiêu điều hành là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn thông qua việc miễn, giảm, giãn, hoãn các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thì giải pháp tăng thuế để giải quyết bài toán nợ công có phần chưa hợp lý. Hơn nữa, cần có các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ để “khoan sức dân”, dung dưỡng nguồn thu NSNN từ chính sự phục hồi và phát triển kinh tế. Ngoài ra, tăng thuế cũng sẽ gây những xáo trộn, tăng khó khăn đối với doanh nghiệp và là "cơn gió ngược" đối với tăng trưởng kinh tế.

Tăng cường quản lý ngân sách và cải cách thể chế để tăng hiệu quả chi ngân sách

Quay trở lại về tình hình nợ công của Việt Nam, có thể thấy để giữ được nợ công trong ngưỡng an toàn như hiện nay là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là ngành Tài chính, trong đó Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ nhiều biện pháp để quản lý nợ công, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần đảm bảo tình hình tài chính của đất nước, đáp ứng được các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ triển khai chính sách điều chỉnh cơ cấu nợ bằng cách tăng tỷ trọng nợ dài hạn và giảm tỷ trọng nợ ngắn hạn. Điều này giúp giảm chi phí tài chính cho ngân sách nhà nước và giảm rủi ro tài chính, đi cùng với tăng cường quản lý và giám sát nợ công.

Đồng thời, tăng thu ngân sách và tối ưu chi ngân sách bằng cách bằng cách thu hẹp khoảng cách thu nhập và đẩy mạnh cải cách về thuế. Không chỉ vậy, Chính phủ đã tối ưu chi ngân sách bằng cách cắt giảm chi phí không cần thiết, tăng cường quản lý ngân sách và cải cách thể chế để tăng hiệu quả chi ngân sách. Tăng cường năng lực tài chính của Chính phủ cũng như phát triển thị trường tài chính. Bên cạnh đó, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục không cần thiết, hạn chế can thiệp hành chính vào nền kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn.

Có thể thấy, với những giải pháp mà Chính phủ đang áp dụng sẽ đảm bảo tình hình tài chính của đất nước ổn định, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để đảm bảo nợ công được quản lý hiệu quả và bền vững trong tương lai, chúng ta cần phải tiếp tục tăng cường quản lý nợ công và cải cách thể chế tài chính./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra