Niềm vui vừa chợt lóe lên
Mới đây, tại Kết luận thanh tra số 362/KL-TTCP ngày 30/9/2024 về trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Thanh tra Chính phủ (TTCP) nêu rõ theo quy định tại quy trình cấp mới, cấp đổi giấy phép lái xe, thành phần hồ sơ có yêu cầu giấy khám sức khỏe của người lái xe, trong đó có chỉ định “xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở”.
Cơ quan thanh tra đã chỉ ra, chỉ trong 2 năm, chi phí người dân bỏ ra để xét nghiệm nồng độ cồn bất hợp lý khi khám sức khỏe để cấp bằng lái xe khoảng 350 tỉ đồng. Đáng chú ý, kết quả kiểm tra nồng độ cồn chỉ phản ánh tại thời điểm khám sức khỏe, không phải tại thời điểm điều khiển phương tiện của người lái xe. Do vậy, việc quy định xét nghiệm nồng độ cồn tại thời điểm khám sức khỏe của người đề nghị cấp giấy phép lái xe là không cần thiết, làm tăng chi phí cho người dân khi làm thủ tục cấp mới, cấp đổi giấy phép lái xe.
Theo báo cáo của Cục Đường bộ Việt Nam, từ tháng 1/2021 đến tháng 1/2023, hơn 9,9 triệu giấy phép lái xe được cấp mới và cấp đổi, kéo theo chi phí xét nghiệm nồng độ cồn lên tới 350 tỷ đồng. Khoản chi phí này đã tạo thêm gánh nặng không đáng có cho người dân.
Từ thực tế này, cơ quan thanh tra đề nghị Bộ GTVT phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi mẫu giấy khám sức khỏe của người lái xe tại Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT ngày 21/8/2015, trong đó bỏ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở để đơn giản hóa, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho người dân khi thực hiện cấp, cấp đổi giấy phép lái xe.
TTCP đề nghị Bộ GTVT tập trung kiểm điểm trách nhiệm của cán bộ, công chức đối với việc tham mưu, ban hành thêm thủ tục hành chính không được giao nhiệm vụ trong luật; xây dựng, ban hành, công bố một số thủ tục hành chính có nội dung gây phiền hà, bất tiện, tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp; việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính quá hạn, sai quy định gây phiền hà, bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.
|
|
Lãng phí trong thủ tục hành chính không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là biểu hiện rõ nét của sự thiếu minh bạch và trách nhiệm trong xây dựng chính. Ảnh minh họa: ITN |
Niềm vui ngắn chẳng tày gang
Mặc dù kết luận của TTCP mang lại kỳ vọng, chờ được cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện thì ngày 16/11/2024, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 36/2024/TT-BYT, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô; cơ sở dữ liệu về sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng. Thông tư này không bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn 100%, mà chỉ yêu cầu xét nghiệm nồng độ 5 loại ma tuý. Việc xét nghiệm nồng độ cồn khi có chỉ định của bác sĩ nghi ngờ.
Theo tìm hiểu, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quy định chặt chẽ, từ khâu khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội; đến xây dựng dự thảo; đánh giá tác động; tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu ý kiến, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo và đăng tải toàn văn để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến. Với việc ban hành Thông tư 36/2024/TT-BYT thay thế Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT, thì Bộ GTVT vừa là cơ quan ban hành thông tư liên tịch, và ngành GTVT là cơ quan quản lý, cấp phép giấy phép lái xe, có lẽ cũng sẽ tham gia ý kiến vào Dự thảo thông tư do Bộ Y tế soạn thảo, lúc này những bất hợp lý về xét nghiệm nồng độ khi khám sức khỏe để cấp bằng lái xe có lẽ cũng đã được nhiều cơ quan nhìn, nhận ra.
Nhìn lại Thông tư 36 vừa mới ban hành, Bộ Y tế đã điều chỉnh từ bắt buộc sang không bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn, nhưng việc xét nghiệm nồng độ cồn khi có chỉ định của bác sĩ nghi ngờ. Chuyển một quy định mang tính phổ quát, bắt buộc sang tính tùy nghi, phụ thuộc chủ quan vào trình độ, ý thức, trách nhiệm, lương tâm bác sỹ. So sánh là khập khiễng nhưng sử dụng vật tư, hóa chất, thiết bị cho việc xét nghiệm nồng độ cồn không cần thiết trong khi tình trạng không đủ thuốc, vật tư phục vụ khám chữa bệnh vẫn đang là căn bệnh trầm kha của ngành Y.
Một quy định mang tính tùy nghi như vậy phụ thuộc rất lớn vào trình độ và trách nhiệm của bác sĩ. Điều này tạo ra lỗ hổng trong kiểm soát, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng để trục lợi từ các thủ tục khám sức khỏe.
Người ta ví von tham nhũng như hạt ngô, nhưng lãng phí thì như bắp ngô, mức độ và tính chất nguy hại hơn rất nhiều lần, nhiều cái nhỏ tích tụ lại thành cái lớn, nhiều cái ít tích tụ lại thành cái nhiều, mỗi nơi, mỗi ngành, mỗi nghề lãng phí một ít, cộng lại thành lãnh phí vô cùng lớn cho xã hội, làm mất đi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Lãng phí trong thủ tục hành chính không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là biểu hiện rõ nét của sự thiếu minh bạch và trách nhiệm trong xây dựng chính sách.
Sự nguy hại của lãng phí
Kết luận 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị đã yêu cầu các cấp, các ngành chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm” trong văn bản pháp luật. Tham nhũng chính sách, tức cố tình cài cắm những quy định có lợi cho một số tổ chức, cá nhân, không chỉ gây thiệt hại lớn mà còn làm suy giảm lòng tin của người dân vào Đảng và Nhà nước.
Đối với lĩnh vực y tế, việc lãng phí nguồn lực vào những quy định không cần thiết như xét nghiệm nồng độ cồn còn làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, một vấn đề đang là nỗi bức xúc của toàn xã hội.
Xin trích ý kiến của người đứng đầu Chính phủ: Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật phải theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa; giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, xóa bỏ cơ chế xin - cho và môi trường phát sinh tham nhũng, tiêu cực, nhất là tham nhũng vặt; với tư duy thông thoáng, đổi mới, đột phá, tầm nhìn chiến lược, lâu dài cho sự phát triển, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tránh lợi ích cục bộ.
Và trích bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Câu chuyện 350 tỷ đồng lãng phí từ xét nghiệm nồng độ cồn chỉ là một ví dụ nhỏ, nhưng nó đặt ra bài toán lớn hơn về trách nhiệm và minh bạch trong cải cách hành chính. Để thực sự giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp, cần nhiều hơn những động thái quyết liệt từ các bộ, ngành – từ việc rà soát, loại bỏ các thủ tục không cần thiết đến việc đảm bảo rằng mỗi văn bản chính sách được xây dựng đều hướng tới lợi ích chung, chứ không phải lợi ích nhóm hay cục bộ ngành.
Cải cách hành chính không thể chỉ là khẩu hiệu. Đó phải là cam kết hành động, một cam kết không chỉ dừng lại ở việc “gỡ khó” mà còn đảm bảo không “buộc thêm”. Vấn đề không chỉ nằm ở việc xây dựng chính sách, mà còn ở cách chính sách đó được thực thi, giám sát và điều chỉnh khi cần thiết.
Trong bối cảnh xã hội đang mong mỏi những bước đi cụ thể để chống lãng phí, bài toán cải cách hành chính cần được nhìn nhận và giải quyết một cách nghiêm túc, toàn diện. Chỉ khi đó, niềm vui về những thay đổi tích cực mới thực sự trọn vẹn, thay vì “ngắn chẳng tày gang”./.