Cụ bà 80 tuổi, bị lừa ra ngân hàng chuyển 300 triệu, hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội trước những rủi ro tài chính

Thứ bảy, 05/10/2024 12:57
(ThanhtraVietNam) - Câu chuyện là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội về những rủi ro tài chính ngày càng tinh vi trong thời đại công nghệ. Sự lừa đảo có thể xảy ra với bất kỳ ai và trách nhiệm của mỗi người trong xã hội là giúp đỡ, là góp lên tiếng nói để bảo vệ những người xung quanh, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương.

Vừa qua, trên mạng xã hội, công an nhận được điện thoại của ngân hàng về việc một cụ bà khoảng 80 tuổi (bà M), đến ngân hàng liên tục giục và yêu cầu chuyển 300 triệu đồng tới tài khoản khác. Ngay sau khi nhận được thông tin, công an phường sở tại đã yêu cầu ngân hàng dừng ngay giao dịch, có mặt tại ngân hàng để xác minh làm rõ.

Đại diện công an gặp, giải thích cho cụ bà thủ đoạn lừa đảo rồi trấn an tinh thần bà cụ, được bà cụ chia sẻ, bà nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ của một người đàn ông, tự xưng là cán bộ Công an TP Hà Nội thông báo bà M tham gia trong đường dây mua bán ma túy và rửa tiền. Viện KSND TP Hà Nội đã có lệnh bắt bà M để tạm giam; đồng thời đối tượng yêu cầu bà M chuyển 300 triệu đồng vào số tài khoản mà người đàn ông đưa ra.

Người đàn ông này cũng dặn dò bà M không được nói cho ai biết, kể cả người thân. Nếu nhân viên ngân hàng có hỏi thì nói là chuyển tiền cho người tên Phương. Bà M làm theo hướng dẫn của đối tượng, ra ngân hàng chuyển tiền vì lo sợ sẽ bị bắt.

Ngay sau đó, công an cũng liên hệ với gia đình đến đón bà M. Con trai bà M cũng thông tin, đây là tiền tiết kiệm của bà M để an dưỡng tuổi già và điều trị bệnh ung thư phổi. Nếu bị mất số tiền này thì gia đình sẽ rất khó khăn.

Có thể nói, đây một ví dụ điển hình về sự phối hợp hiệu quả giữa ngân hàng và cơ quan chức năng trong việc bảo vệ người dân khỏi những rủi ro tài chính. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức về lừa đảo tài chính trong cộng đồng, đặc biệt là với người cao tuổi.

leftcenterrightdel
 Đại diện công an phường động viên bà N.T.M, giải thích thủ đoạn lừa đảo của đối tượng. Ảnh: CafeF

Việc ngân hàng phát hiện giao dịch bất thường và báo công an cho thấy họ đã có các quy trình kiểm tra an toàn để bảo vệ khách hàng, đặc biệt là những người cao tuổi, thường dễ bị lừa đảo hơn.

Cùng với đó, cơ quan công an đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc can thiệp kịp thời, bảo vệ tài sản của người dân. Không chỉ giúp bà cụ giữ lại số tiền lớn mà còn tạo dựng niềm tin cho cộng đồng về sự an toàn khi giao dịch tài chính.

Thiết nghĩ, vụ việc là một tình huống đáng báo động, phản ánh nhiều vấn đề trong xã hội. Hiện nay, sự gia tăng của các hình thức lừa đảo tinh vi, đặc biệt nhằm vào người cao tuổi. Cụ bà có thể là nạn nhân của các chiêu trò giả danh, cụ có thể tin tưởng chuyển số tiền lớn như vậy cho thấy nhiều người cao tuổi vẫn còn thiếu kiến thức về các thủ đoạn lừa đảo.

Theo Bankervn, tính đến 28/01/2024, có 49 ngân hàng tại Việt Nam. Trong đó có 4 Ngân hàng 100% vốn Nhà nước, 31 Ngân hàng Thương mại Cổ phần, 9 Ngân hàng 100% vốn Nước ngoài, 2 Ngân hàng Chính sách, 1 Ngân hàng Hợp tác xã và 2 Ngân hàng Liên doanh.

Theo Theo Chi Hội Thẻ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trên 87% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng, với tổng 180 triệu tài khoản và 138 triệu thẻ ngân hàng.

Việc nhạy bén trong việc nhận diện giao dịch bất thường lần này, ngân hàng và công an có thể giúp ngăn chặn vụ lừa đảo cho bà cụ M là tín hiệu tích cực, rất tốt rồi. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là còn nhiều trường hợp khác tương tự trong tương lai, liệu có được may mắn như bà M không?

Ngân hàng và các tổ chức tài chính nên tận dụng công nghệ để bảo vệ khách hàng. Việc triển khai các ứng dụng cảnh báo, thông báo giao dịch bất thường qua tin nhắn điện thoại hoặc email có thể giúp khách hàng nhận thức được vấn đề ngay khi có dấu hiệu đáng ngờ.

Đây cũng là lúc các tổ chức xã hội và tình nguyện viên, gia đình và cộng đồng cần vào cuộc, hỗ trợ người cao tuổi trong việc quản lý tài chính và nhận diện các dấu hiệu lừa đảo. Có thể tạo ra những nhóm hỗ trợ, nơi người cao tuổi có thể chia sẻ kinh nghiệm và thông tin hay tổ chức các buổi hội thảo, khóa học miễn phí để giúp người cao tuổi nhận diện dấu hiệu, hành vi lừa đảo.

Lúc này, hơn hết, vai trò của gia đình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và to lớn trong việc bảo vệ người cao tuổi. Con, cháu cần thường xuyên trò chuyện, hướng dẫn và giám sát các giao dịch tài chính của họ. Đặt ra một quy trình kiểm tra hoặc xác nhận trước khi thực hiện các giao dịch lớn sẽ giúp ngăn chặn rủi ro.

Về phía các cơ quan chức năng liên quan, cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn để truy quét và xử lý thật nghiêm minh các đối tượng lừa đảo. Việc nâng cao hình phạt cho các hành vi lừa đảo cũng như tuyên truyền về hậu quả là rất cần thiết.

Vụ việc này không chỉ là một trường hợp cá biệt mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội về sự cần thiết phải bảo vệ người cao tuổi trước những rủi ro tài chính. Chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ, từ giáo dục đến quản lý, nhằm bảo vệ quyền lợi và tài sản của những người dễ bị tổn thương trong xã hội./.

Lan Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra