Giải ngân đầu tư công hiệu quả để kích thích, lan tỏa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Thứ sáu, 03/06/2022 09:53
(ThanhtraVietNam) - Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự phối hợp, ủng hộ của Quốc hội, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bài bản, đồng bộ, kịp thời, đúng hướng và hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế…

Thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt các dự án hạ tầng trọng điểm, huy động mọi nguồn lực cho phát triển

Giai đoạn từ năm 2021 tới nay, Việt Nam là một điển hình toàn cầu về tiêm chủng, kiểm soát dịch bệnh. Nền kinh tế Việt Nam đã vượt 'bão giá' và những cú sốc toàn cầu, hướng tới phục hồi nhanh, phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Chính phủ đang tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt các dự án hạ tầng trọng điểm, các đột phá chiến lược (hạ tầng, thể chế, nhân lực); huy động mọi nguồn lực cho phát triển; thúc đẩy, truyền cảm hứng phát triển cho các địa phương; nâng cao uy tín và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế; bảo đảm an sinh xã hội, tất cả vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.

Trước những khó khăn, thách thức của khu vực và thế giới cũng tác động không nhỏ tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội nước ta. Như ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn còn tiềm ẩn rủi ro, áp lực lạm phát lớn. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Thị trường chứng khoán có nhiều biến động. Dịch bệnh còn tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp với những tác động hậu Covid-19... Tất cả những điều này đã được Chính phủ theo dõi chặt chẽ, có phương án, kịch bản, giải pháp chủ động, linh hoạt, kịp thời.

Có thể kể đến việc điều hành giá, nguồn cung, dự trữ xăng dầu trong nước phù hợp với tình hình thị trường trong nước và quốc tế; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý các sai phạm, đồng thời chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời các giải pháp để thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững, góp phần củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định triển khai hiệu quả các dự án đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách được ban hành hướng đến việc hỗ trợ phục hồi nền kinh tế và chia sẻ khó khăn của người dân và doanh nghiệp bước đầu phát huy hiệu quả, được người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các dự án đầu tư công,  yêu cầu các cấp, các ngành khẩn trương rà soát danh mục và hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo đúng các quy định trong bối cảnh có nhiều khó khăn, vướng mắc về đầu tư công cũng như trong tổ chức thực hiện cần được tháo gỡ.

leftcenterrightdel
Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Phúc Nguyễn 

Lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước

Các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung cao độ cho triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, tạo động lực mới cho sự phát triển; phấn đấu đến cuối năm 2022 hoàn thành 361 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1; trong quý IV năm 2022, khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 và khởi công đường băng, nhà ga cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Cùng với yêu cầu tuân thủ các quy định, Thủ tướng Chính phủ liên tục khảo sát thực tế để thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn cho các dự án hạ tầng, nhất là các tuyến cao tốc… bảo đảm tính khả thi về cân đối nguồn vốn và trong tổ chức triển khai dự án. Thủ tướng khẳng định, việc tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các tuyến cao tốc, là quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước, chúng ta có nguồn lực và đã bố trí nguồn lực để làm.

Tuy nhiên, việc triển khai các dự án đầu tư công còn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra, các nguyên nhân thì có nhiều nhưng có nguyên nhân từ những năm trước, vẫn chưa thể giải quyết trong thời gian ngắn như các vướng mắc về thể chế, quy định của pháp luật; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, lập kế hoạch, phân bổ vốn đầu tư chưa sát khả năng thực hiện, chất lượng chuẩn bị dự án, trách nhiệm các cấp, các ngành…

Cùng với những khó khăn mang tính đặc thù trong năm 2022 như dịch Covid-19 vẫn tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội; năm 2022 là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, nên cần nhiều thời gian để triển khai các thủ tục cho các dự án khởi công mới; khan hiếm nguồn cung vật liệu xây dựng, nguồn lao động, giá vật liệu xây dựng, nguyên liệu tăng mạnh.

Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã quan tâm, đồng hành, vào cuộc tích cực, cùng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động xử lý và đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ nhiều vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách đầu tư công và việc thực hiện chương trình phục hồi và phát triển.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các giải pháp về huy động nguồn lực, nhất là hợp tác công - tư; về giải phóng mặt bằng; xử lý vấn đề mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; giải quyết vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước cho các dự án. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 6 tổ công tác để quyết liệt đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công…;  tổ công tác rà soát, hoàn thiện phân bổ nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực y tế…

Thủ tướng Chính phủ liên tục nhấn mạnh những thông điệp, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo quan trọng với các dự án đầu tư công. Theo đó, phải tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, cắt giảm số dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách, không hiệu quả để bảo đảm bố trí vốn có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún, chia cắt, kéo dài; ưu tiên tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa nhanh, có khả năng giải ngân sớm và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn phục hồi; các dự án phải bảo đảm thủ tục đầu tư theo quy định.

Ở địa phương, các tỉnh, thành phố cần "chung tay phát triển hạ tầng", khắc phục tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Trung ương; một mặt phải suy nghĩ, tính toán, tiết kiệm tối đa chi thường xuyên, thậm chí "thắt lưng buộc bụng" để dành cho đầu tư phát triển, cho các công trình trọng điểm, lan tỏa cao, mặt khác phải đẩy mạnh hợp tác công - tư trong phát triển hạ tầng chiến lược, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước.

Lan Anh (T.H)
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra