Hơn 82% kiến nghị của cử tri được giải quyết, trả lời

Thứ ba, 11/10/2022 20:22
Nhiều kiến nghị cụ thể của cử tri đã được Bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết, giải đáp đáp ứng được nguyện vọng của cử tri như: trả lời của Bộ Công thương; Bộ Nội vụ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Quốc phòng; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Tài chính...

82,2% các kiến nghị của cử tri được giải quyết, trả lời

Tại phiên họp sáng 10/10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), trình bày nội dung về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đoàn đại biểu Quốc hội trước và sau Kỳ họp thứ 3, đã có 2.640 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. 

Đến nay, 2.171 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 82,2%. 

leftcenterrightdel
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình (Ảnh: Phạm Thắng)  

Trong đó, các cơ quan của Quốc hội đã trả lời 62/62 kiến nghị cử tri được gửi đến. Nhiều vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị đã được Quốc hội, UBTVQH tiếp thu, gắn kết chặt chẽ với hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. 

Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, đã giải quyết và trả lời 2.057 kiến nghị; đang tiếp tục giải quyết, trả lời đối với 467 kiến nghị thuộc thẩm quyền. Các kiến nghị cử tri đã được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu giải quyết, có nhiều giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng lực, chất lượng quản lý, điều hành trên các lĩnh vực quản lý nhà nước.  

Một số kiến nghị cụ thể của cử tri đã được Bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết, giải đáp đáp ứng được nguyện vọng của cử tri như: trả lời của Bộ Công thương; Bộ Nội vụ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Quốc phòng; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Công an; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Thông tin và Truyền thông; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…

Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 32/32 kiến nghị. Trong đó, đã trả lời về giải pháp để giải quyết các đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của pháp luật; hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự có vướng mắc ở một số địa phương…

Một số Bộ, ngành trả lời cử tri chưa đầy đủ, còn chung chung 

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tập hợp, tổng hợp kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội qua các đợt tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp của một số Đoàn đại biểu Quốc hội chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; nội dung kiến nghị còn chung chung, chưa cụ thể nên các cơ quan có thẩm quyền gặp khó khăn khi nghiên cứu để giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; một số kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương vẫn được tập hợp đề nghị các cơ quan ở Trung ương giải quyết.

Bên cạnh đó, một số Bộ, ngành trả lời còn chưa đúng thời hạn theo quy định như Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nội dung trả lời cử tri của một số Bộ, ngành còn chưa đầy đủ, trả lời còn chung chung, như việc cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Xây dựng cần tăng cường công tác kiểm tra cấp phép xây dựng công trình cao tầng tại trung tâm các đô thị nhưng trả lời cử tri, Bộ Xây dựng chủ yếu chỉ nêu về việc đã có các văn bản quy phạm pháp luật về cấp phép, quản lý đầu tư xây dựng, xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, chưa đề cập đến các giải pháp cụ thể về tăng cường công tác kiểm tra cũng như việc tổ chức kiểm tra việc cấp phép xây dựng công trình cao tầng tại trung tâm các đô thị. Kiến nghị Bộ Xây dựng cần trả lời rõ ràng, cụ thể thể hơn về vấn đề cử tri kiến nghị. 

Công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành còn chưa chặt chẽ, không kịp thời nên một số kiến nghị cử tri chưa được giải quyết, như trường hợp cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Thông tư quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với phí thẩm định các đồ án quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong quá trình triển khai thu, nộp, quản lý và sử dụng loại phí này.

Báo cáo nêu rõ, qua giám sát cho thấy, mặc dù từ năm 2018 đến nay, Bộ Tài chính đã 05 lần có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị xây dựng đề án thu phí thẩm định các đồ án quy hoạch gửi Bộ Tài chính ban hành văn bản quy định thu phí theo quy định của Luật Phí và Lệ phí. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng vẫn chưa đề xuất phương án thu phí thẩm định các đồ án quy hoạch để làm cơ sở cho Bộ Tài chính ban hành để  tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong quá trình triển khai thu, nộp, quản lý và sử dụng loại phí này.

Cùng với đó một số văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền chưa rõ ràng gây khó khăn khi triển khai thực hiện. 

Cử tri tỉnh Bến Tre đề nghị làm rõ khái niệm “Khu dân cư” tại Thông tư số 02 của Bộ Công Thương quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió để có cơ sở áp dụng.

Qua giám sát cho thấy, tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 02 quy định: “Công trình điện gió phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300 m”. Tuy nhiên, trong Thông tư này chưa giải thích khái niệm “Khu dân cư”, bên cạnh đó pháp luật cũng chưa có quy định thống nhất thế nào là “Khu dân cư” nên các địa phương gặp khó khăn khi triển khai thực hiện. Kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, hướng dẫn để các địa phương có cơ sở áp dụng thống nhất về khoảng cách an toàn giữa “Khu dân cư” và công trình điện gió.

Cử tri tỉnh Phú Yên cho rằng Thông tư liên tịch số 55 của Bộ Tài chính và Bộ KH&CN hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước chưa quy định cụ thể số ngày công của từng chức danh, của từng nội dung công việc và đề nghị quy định rõ để triển khai thực hiện.

Qua giám sát cho thấy, mặc dù Thông tư liên tịch số 55 là thông tư hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước nhưng lại chưa quy định cụ thể về số ngày công của từng chức danh, từng nội dung công việc khi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước. Vì vậy việc triển khai thực hiện Thông tư số 55 về vấn đề này còn gặp khó khăn như cử tri đã phản ánh…/.

 

 

 
Theo Tú Giang/dangcongsan.vn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra