Khách quan, minh bạch trong đánh giá phòng, chống thiên tai

Thứ tư, 11/05/2022 17:06
(ThanhtraVietNam) - Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) cấp tỉnh vừa được công bố báo cáo cho thấy sự thống nhất với phương pháp thực hiện, đảm bảo khách quan, minh bạch, kết hợp được kinh nghiệm của các chuyên gia trong PCTT và cơ quan quản lý nhà nước về PCTT.

Bộ Chỉ số đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh gồm 4 nhóm tiêu chí (Nhóm 1: Tổ chức, nhiệm vụ Ban Chỉ huy và Văn phòng thường trực Ban chỉ huy; Nhóm 2. Phòng ngừa thiên tai; Nhóm 3. Ứng phó thiên tai; Nhóm 4. Khắc phục hậu quả thiên tai, với 24 tiêu chí chính và 52 tiêu chí thành phần.

Theo Báo cáo kết quả đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh năm 2021 công bố ngày 11/5/2022, việc đánh giá công tác PCTT năm 2021 theo Bộ chỉ số của 63 tỉnh, thành phố đã có những kết quả ban đầu.

Theo đó, trên cơ sở hai báo cáo, đánh giá độc lập của các đơn vị tư vấn, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT (Văn phòng thường trực) phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức rà soát, phân tích đánh giá, kết hợp thực tiễn quá trình quản lý, chỉ đạo điều hành công tác PCTT đối với từng địa phương để thống nhất điểm số tổng hợp cuối cùng.

Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT đã thành lập Hội đồng thẩm định kết quả đánh giá công tác PCTT theo Bộ chỉ số năm 2021 với các thành viên là lãnh đạo và một số thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, tổ chức thẩm định kết quả đánh giá. Văn phòng thường trực đã phối hợp với UNDP hoàn thiện báo cáo kết quả đánh giá theo ý kiến của Hội đồng.

Hội đồng thẩm định thống nhất đánh giá, Bộ chỉ số là một công cụ quan trọng giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành công tác PCTT, cho Chính phủ, cho Ban Chỉ đạo, các cơ quan quản lý nhà nước về PCTT, lãnh đạo Bộ ngành, địa phương.

Trong các nhóm tiêu chí, nhóm tiêu chí về công tác Phòng ngừa có kết quả thấp hơn, đây là vấn đề quan trọng đặt ra mà thời gian tới cần được quan tâm, xem xét.

Nhóm tiêu chí tổ chức Bộ máy, các địa phương cũng đã rất nỗ lực nhưng thứ hạng chỉ đứng thứ 3 trong 4 nhóm tiêu chí, trong quá trình đánh giá cần xem xét thêm yếu tố thực tiễn.

Công tác ứng phó và khắc phục được đánh giá rất cao, cho thấy các địa phương rất chủ động trong công tác ứng phó và khắc phục nhưng cũng có lý do khách quan là năm 2021 thiên tai ít xảy ra, thiên tai ở Việt Nam không khốc liệt, công tác ứng phó và khắc phục thuận lợi hơn.

Do lần đầu thực hiện, địa phương còn chưa quen với cách đánh giá, một số tiêu chí khó định lượng… Vì vậy cần nghiên cứu cách thức công bố phù hợp: Báo cáo cuối cùng gửi địa phương, xếp hạng tốp 10, tốp 10 cuối, tốp các tiêu chí thành phần. Nghiên cứu chỉnh sửa Bộ chỉ số, cố gắng theo kết quả thực tiễn, phân tích Bộ chỉ số cũ để tìm ra nội dung chưa hợp lý một số tiêu chí, tiêu chí thành phần.

Mục tiêu của Bộ chỉ số nhằm xác định chỉ số phòng, chống thiên tai để theo dõi, đánh giá, một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện công tác phòng, chống thiên tai hàng năm của cấp tỉnh.

Đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ phòng chống thiên tai trong tổ chức, nhiệm vụ của Ban Chỉ huy, Văn phòng thường trực trong các giai đoạn phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả bằng định lượng thông qua điểm số; trên cơ sở đó so sánh, xếp hạng kết quả thực hiện công tác phòng, chống thiên tai hàng năm giữa các tỉnh, thành phố.

Thông qua chỉ số phòng, chống thiên tai xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu trong việc thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, giúp cho các tỉnh, thành phố có điều chỉnh cần thiết về nội dung, giải pháp trong triển khai công tác phòng, chống thiên tai hàng năm.

Theo Văn phòng thường trực, những năm gần đây, thiên tai ở các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng diễn biến rất khốc liệt, khó lường, trái quy luật, khó dự báo,… gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Qua đó đòi hỏi phải nâng cao năng lực phòng chống để từng bước giảm thiểu thiệt hại.

leftcenterrightdel
 Đê biển được đầu tư hiện đại giúp nâng cao khả năng phòng chống thiên tai tại tỉnh Thái Bình. Ảnh: Tràng An

Nhiều địa phương đã thực hiện rất tốt công tác PCTT, song cũng còn nhiều địa phương còn có tư tưởng chủ quan, chưa chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao từ phòng ngừa, ứng phó đến khắc phục hậu quả nên còn để xảy ra nhiều thiệt hại không đáng có.

Qua nghiên cứu, tham khảo kết quả thực hiện một số Bộ chỉ số khác như PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), bộ chỉ số PAPI (Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam) thấy rằng việc ban hành và thực hiện các bộ chỉ số này có hiệu quả cao, tác động sâu rộng, tích cực đến các đối tượng đánh giá.

Chiến lược quốc gia về PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đã xác định 7 mục tiêu cụ thể, trong đó có mục tiêu giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản so với 10 năm trước. Do vậy, việc tạo môi trường thi đua làm tốt công tác PCTT giữa các địa phương, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược là rất cần thiết, trên cơ sở đó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 247/TB-VPCP ngày 16/7/2019 về việc xây dựng “Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) cấp tỉnh”, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT đã tổ chức xây dựng và ban hành Bộ chỉ số PCTT cấp tỉnh tại Quyết định số 01/QĐ-TWPCTT ngày 08/02/2021 và Quyết định số 12/QĐ-TWPCTT ngày 13/7/2021 về kế hoạch triển khai đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025 để thực hiện trong trên phạm vi toàn quốc.

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra