Hệ thống “chạy bằng tiền” và những câu hỏi nhức nhối
Công an TP. Hà Nội vừa khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Văn Đức (55 tuổi), Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân – Sở Y tế Hà Nội, cùng 6 người khác vì hành vi Nhận hối lộ và Môi giới hối lộ liên quan đến việc cấp phép hành nghề y dược trái quy định. Theo điều tra, từ năm 2018 đến nay, một số phòng khám, nhà thuốc không đủ điều kiện hoạt động đã thông qua các môi giới Bùi Lan Anh, Nguyễn Thị Bích, Đỗ Doãn Tiến để "chạy" giấy phép hoạt động khám chữa bệnh, giấy chứng nhận thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc với giá từ 15-60 triệu đồng mỗi bộ hồ sơ.
Câu chuyện bắt đầu từ một quy luật không mới nhưng vẫn luôn hiệu quả: "Muốn nhanh, phải chi. Muốn khó, cứ từ từ". Với những cơ sở hành nghề y dược tư nhân thiếu điều kiện, tiêu chuẩn nhưng vẫn muốn hoạt động, có một lối đi tắt mang tên “bôi trơn” thông qua các môi giới. Vậy là những tờ giấy chứng nhận thực hành tốt, giấy phép hoạt động khám chữa bệnh được “phù phép” để từ “không đủ điều kiện” thành “hợp pháp”. Một hành trình có giá từ 15-60 triệu đồng, trong đó phí môi giới cũng béo bở không kém: Hưởng từ 7-52 triệu đồng mỗi hồ sơ.
Nhìn con số, ai cũng thấy choáng: 760 cơ sở, 11 tỷ đồng, trong đó hai nữ “cò” hưởng hơn 1,8 tỷ đồng, phần còn lại rải đều cho những vị cán bộ có quyền cấp giấy phép. Vâng, đúng vậy, đó không phải là chuyện của một vài cá nhân đơn lẻ mà là cả một quy trình trơn tru, mượt mà như vận hành một “doanh nghiệp” có tổ chức.
Đừng ai đó nghĩ những tờ giấy phép y dược đơn giản chỉ là thủ tục hành chính. Một phòng khám, một nhà thuốc không đạt chuẩn nhưng lại có đầy đủ giấy phép hoạt động hợp pháp. Điều gì sẽ xảy ra?
Bệnh nhân bước vào phòng khám, tin tưởng vào những tấm bằng cấp và giấy chứng nhận treo trên tường, nhưng thực chất có thể đang giao tính mạng mình vào tay những người không đủ chuyên môn.
Những nhà thuốc không đảm bảo tiêu chuẩn vẫn vô tư bán thuốc, ai dám chắc thuốc ở đó không phải hàng trôi nổi, kém chất lượng?
Khi ranh giới giữa hợp pháp và bất hợp pháp chỉ còn cách nhau một xấp tiền, đạo đức nghề y cũng bị… “hóa lỏng” theo số tiền đó.
Tại sao những người có quyền cấp phép lại dễ dàng “bán rẻ” lương tâm như vậy? Câu trả lời đơn giản: Bởi vì họ nghĩ sẽ không ai phát hiện. Họ tin rằng hệ thống sẽ bảo vệ họ, hoặc chí ít nếu có “biến”, thì cũng có cách “dàn xếp”.
Nhưng lần này, họ đã nhầm!!!
|
|
Khi “con dấu” biết… kiếm tiền. (Đồ họa: L.A) |
Từ giấy phép đến còng số 8, hành trình không xa
Có một nghịch lý thế này: Những người bán giấy phép luôn nghĩ mình đang “lách” nhưng thực ra đang “lún”.
Khi bị bắt, có lẽ những người trong cuộc cũng phải giật mình nhìn lại: Từ một chức vụ ổn định, một mức lương có thể không cao nhưng danh giá, giờ đây họ đối mặt với vòng lao lý, với những phiên tòa sắp tới, với gia đình tan nát và những ngày dài sau song sắt.
Đây là một lời nhắc nhở rõ ràng: Tiền có thể mua được giấy phép, nhưng không thể mua được lương tâm. Và khi hành động sai trái bị lật tẩy, thì cái giá phải trả không bao giờ rẻ.
Vấn đề không chỉ nằm ở một vài cá nhân bị bắt, mà là ở một cơ chế tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển. Khi việc “bôi trơn” trở thành chuyện đương nhiên, điều bình thường, người ta không còn nghĩ đó là hối lộ mà chỉ là “chi phí thủ tục”. Cứ thế, người dân, doanh nghiệp dần coi đó là một phần tất yếu của cuộc sống.
Nhưng điều đáng buồn nhất là, tham nhũng trong lĩnh vực y tế không chỉ lấy đi tiền bạc mà còn có thể lấy đi sinh mạng. Một phòng khám hoạt động “chui” nhờ tiền hối lộ có thể gây ra những sai lầm chết người. Một nhà thuốc không đủ tiêu chuẩn có thể bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.
Nếu những người cầm quyền lực không đủ bản lĩnh để từ chối cám dỗ, thì hậu quả không chỉ là những vụ án tham nhũng, mà là một hệ thống bị bào mòn từ bên trong.
Lời cảnh tỉnh cho những kẻ đang “chạy” trên con đường tội lỗi
Vụ án này bị phanh phui là một tín hiệu tích cực, nhưng cũng đặt ra một câu hỏi: Liệu đây có phải trường hợp duy nhất? Nếu có hàng chục thậm chí hàng trăm cơ sở mua giấy phép không chỉ tại một địa phương và là nhiều địa phương thì sao? Bao nhiêu phòng khám, nhà thuốc trên cả nước đang hoạt động theo cách này?
Câu chuyện này cho thấy việc kiểm soát cấp phép không thể chỉ dựa vào sự trung thực của cán bộ, mà cần có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn. Phải có một hệ thống đánh giá độc lập, không để mọi quyền lực rơi vào tay một nhóm người. Đồng thời, cần có sự minh bạch trong quy trình, tránh những kẽ hở cho tham nhũng phát sinh.
Quan trọng hơn, phải có sự trừng phạt nghiêm khắc để bất cứ ai có ý định “biến con dấu thành máy in tiền” cũng phải chùn tay.
Câu chuyện về Nguyễn Văn Đức, Trần Thị Bạch Tuyết và đồng phạm không phải cá biệt, nhưng nó là một ví dụ rõ ràng nhất cho hậu quả của việc lạm dụng quyền lực để trục lợi.
Và đây cũng là lời cảnh báo cho những ai đang “chạy” trên con đường tương tự: Đừng nghĩ rằng hệ thống sẽ mãi dung túng. Đừng tưởng rằng con dấu có thể che giấu mọi thứ. Đến một ngày, chính nó sẽ trở thành bằng chứng chống lại hành vi vi phạm.
Bởi vì, như người ta vẫn nói: “Gậy ông rồi cũng đập lưng ông”./.